Gợi mở phát triển đại lý ngân hàng tại Việt Nam

(ĐTCK) Trong những năm gần đây, với sự phát triển không ngừng của công nghệ cùng với xu hướng phát triển ngân hàng không chi nhánh (branchless banking), mô hình đại lý ngân hàng (agent banking) hình thành và phát triển tại nhiều quốc gia.
Mô hình đại lý ngân hàng góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia. Mô hình đại lý ngân hàng góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia.

Đại lý ngân hàng là các chủ thể kinh doanh cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng thay cho các tổ chức tín dụng được cấp phép cung ứng các dịch vụ thanh toán và huy động tiền gửi. Đại lý ngân hàng có thể là bưu điện, hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng điện tử…

Mô hình đại lý ngân hàng giúp giảm chi phí hoạt động, chi phí thành lập các chi nhánh truyền thống, tăng cơ hội tiếp cận và tần suất sử dụng các dịch vụ tài chính, bao gồm cả các khách hàng có thu nhập thấp và vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, đại lý ngân hàng còn tạo thêm thu nhập cho các đại lý từ các khoản hoa hồng và lượng khách hàng tăng thêm. Quan trọng hơn, mô hình này góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia.

Tại Việt Nam, đa phần các điểm giao dịch của ngân hàng đều tập trung tại khu vực thành thị, người dân khu vực nông thôn hầu hết chỉ giao dịch qua mạng lưới ngân hàng Agribank và LienVietPostBank, nên khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng ở khu vực này còn thấp.

Trước thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thí điểm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn giai đoạn 2014-2015 với 3 mô hình đại lý ngân hàng, đó là MB và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), PGBank và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex),
Vietcombank và Công ty M-Service.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Vân, Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật.

Tính đến cuối năm 2017, chương trình thí điểm này đã đạt một số kết quả ban đầu: Số điểm cung cấp dịch vụ của cả 3 mô hình đạt 32.185 điểm, tăng 1,4 lần so với năm 2015; số lượng khách hàng đạt hơn 6 triệu người, tăng hơn 8 lần so với năm 2015, trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm gần 60% tổng số khách hàng; tổng số lượng giao dịch đạt hơn 11 triệu giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt hơn 81.000 tỷ đồng…

Dù vậy, hoạt động của các đại lý ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn khi hệ thống pháp lý cho hoạt động này chưa được hoàn thiện, rủi ro tiềm ẩn cao hơn so với mô hình chi nhánh ngân hàng truyền thống.

Để thúc đẩy phát triển mô hình đại lý ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét bổ sung quy định về hoạt động đại lý thanh toán vào Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đại lý ngân hàng, người viết đề xuất một số gợi ý phát triển mô hình này tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần làm rõ phạm vi, đối tượng áp dụng, văn bản pháp luật khác có liên quan, cụ thể hóa hoạt động của các mô hình đại lý ngân hàng.

Thứ hai, quy định rõ các yêu cầu đối với chủ thể kinh doanh khi đăng ký trở thành đại lý ngân hàng dựa trên hợp đồng ký kết giữa ngân hàng/tổ chức tài chính và đại lý ngân hàng, điều kiện để tái ký, thời hạn và kết thúc hợp đồng đại ký ngân hàng. Quy định thuế phù hợp nhắm khuyến khích sự phát triển của mô hình này.

Thứ ba, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, cần quy định cụ thể về hoạt động của đại lý ngân hàng, bao gồm nghĩa vụ và trách nhiệm của ngân hàng, các giới hạn giao dịch nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt; hoạt động đào tạo nhân viên đại lý ngân hàng, cụ thể là các hoạt động được phép và nghiêm cấm thực hiện bởi các đại lý ngân hàng, các yêu cầu về công nghệ thông tin…; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, cũng như xử lý hành vi vi phạm của cơ quan chức năng đối với hoạt động của đại lý ngân hàng, gửi báo cáo hàng năm đồng thời đảm bảo tính kịp thời và chính xác của báo cáo.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Vân, Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục