
Năm 2014, đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản để thu hút sự quan tâm của các dòng vốn lớn quốc tế đến Việt Nam. Dự kiến năm 2015, ngành chứng khoán sẽ thực hiện xúc tiến đầu tư tại một số TTCK trọng điểm khác, mang DN lớn và TTCK Việt Nam đến gần hơn với thị trường tài chính toàn cầu.
Từ vị thế của một thị trường cận biên
Dòng vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp vào Việt Nam chính thức được ghi nhận từ năm 1991, khi những quỹ đầu tư quốc tế đầu tiên, trong đó có Dragon Capital, Vina Capital… bước chân vào Việt Nam. Theo thống kê, từ năm 1991-1997, Việt Nam thu hút khoảng 400 triệu USD vốn đầu tư gián tiếp, từ 7 quỹ đầu tư quốc tế. Dòng vốn này lớn mạnh hơn nhiều khi Việt Nam có TTCK, chính thức mở kênh đầu tư gián tiếp vào các DN niêm yết. Đến năm 2012, tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp tại Việt Nam đạt 7,4 tỷ USD, sau đó tăng lên 11,6 tỷ USD vào năm 2013 và đến 2014, con số này vào khoảng 14 tỷ USD.
Với trên 17.000 nhà đầu tư quốc tế mở tài khoản tại TTCK Việt Nam, dòng vốn 14 tỷ USD mà đối tượng này rót vào thị trường, theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), có sự vượt trội so với 10 năm trước, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng thực tế. Quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam đạt khoảng 50 tỷ USD, trên thị trường có hàng chục DN có vốn hóa quanh ngưỡng 1 tỷ USD là những điểm nổi trội của TTCK Việt. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam đang nằm trong nhóm thị trường biên, nhóm thị trường thấp nhất trong 3 nhóm - thị trường biên, thị trường mới nổi và thị trường phát triển, theo xếp hạng của MSCI. Xin nói rõ hơn, MSCI là 1 trong 5 tổ chức chuyên xếp hạng TTCK thế giới (gồm MSCI, S&P, FTSE, Dow Jones và Russell), nhưng theo UBCK, MSCI là tổ chức phản ánh đúng nhất quan điểm của các nhà đầu tư tổ chức đối với các TTCK thế giới và là tổ chức có uy tín, có sự ảnh hưởng lớn nhất trong việc phân hạng các TTCK hiện nay.
Từ vị thế một thị trường cận biên, giải pháp để thu hút dòng vốn lớn quốc tế vào Việt Nam mà ngành chứng khoán mong muốn thực hiện là nâng hạng TTCK lên mức thị trường mới nổi. Hiện nay, các tiêu chí định lượng của TTCK mới nổi (có 3 DN có vốn hóa trên 1,2 tỷ USD, thanh khoản hàng năm trên 15% giá trị vốn hóa…), Việt Nam đã đáp ứng được. Tuy nhiên, còn nhiều tiêu chí đánh giá khác, như mức độ mở cửa cho dòng vốn ngoại, mức độ dễ dàng cho dòng vốn ngoại vào ra, tính ổn định của thể chế kinh tế…, lại không nằm trong tầm quyết của UBCK, sẽ phải chờ các tổ chức xếp hạng xem xét, đánh giá dựa trên sự nỗ lực của cả nền kinh tế nói chung.
Nỗ lực gọi dòng vốn lớn
Thời đương nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ ghi dấu ấn trên TTCK bằng việc đốc thúc sự ra đời của một loạt khung pháp lý cho TTCK, thì người tiếp nối vị trí này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, dành sự quan tâm đến việc tạo dựng hình ảnh TTCK Việt Nam thân thiện và hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đến thăm TTCK Mỹ vào đầu năm 2014 và sau đó dẫn dầu Đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản vào tháng 4 năm này, Bộ trưởng chia sẻ một thông điệp về nỗ lực cải cách nền kinh tế Việt Nam và sự cầu thị gọi dòng vốn ngoại đến Việt Nam, chung sức tạo dựng giá trị mới.
“Nhật Bản đã ghi danh vị trí dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp và vốn ODA tại Việt Nam và nay, chúng tôi kêu gọi các bạn quan tâm đến cơ hội đầu tư vào các DNNN cổ phần hóa, các DN trên TTCK để cùng nhau tạo dựng giá trị”. 432 DNNN phải cổ phần hóa năm 2014 - 2015, cùng hàng trăm DN đã tham gia TTCK cần gọi vốn, là những cơ hội rất thực mà Việt Nam muốn “chào” nhà đầu tư quốc tế. Gần 100 tổ chức đầu tư Nhật Bản đã có cuộc tiếp xúc với nhiều DN Việt Nam như Vinatex, Vietnam Airlines, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Khí Việt Nam, CTCK Sài Gòn, CTCK Bảo Việt, CTCK HSC…, để tìm kiếm cơ hội song hành.

Diễn đàn đầu tư Việt Nam - VIF với sự tham gia của nhà đầu tư huyền thoại Marc Faber tháng 6/2014, thu hút hàng trăm quỹ đầu tư quốc tế đến Việt Nam
Nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, cùng sự cầu thị trên con đường gọi dòng vốn ngoại vào Việt Nam là nền tảng ban đầu để dòng vốn lớn sẽ chảy mạnh hơn vào TTCK. Bà Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chia sẻ, hàng tháng, HOSE tiếp đón nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có các khách từ Nhật Bản đến tìm hiểu về TTCK. NĐT Nhật Bản rất cẩn trọng, kỹ lưỡng, nhưng vì thế mà cách thức đầu tư của họ thường thiên về đầu tư dài hạn, đầu tư là đi cùng DN trên chặng đường dài. Con số thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, có khoảng 7.000 nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản đã mở tài khoản đầu tư tại Việt Nam, chiếm trên 40% số lượng nhà đầu tư cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Về phía NĐT tổ chức, lượng NĐT đến từ Nhật Bản hiện khoảng 150 tổ chức, trong đó có nhiều NĐT tổ chức uy tín.
Hiện Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh Quốc là những quốc gia có nhiều nhà đầu tư tham gia TTCK Việt, tuy nhiên, dòng vốn ngoại họ rót vào Việt Nam còn quá nhỏ so với tiềm năng mời gọi dòng vốn từ bên kia biên giới.
Trở lại với câu chuyện nâng hạng TTCK, MSCI đánh giá Việt Nam đang ở nhóm TTCK cận biên, tiến sát các chỉ tiêu định lượng của TTCK mới nổi. Tuy nhiên, để được xếp vào nhóm TTCK mới nổi, còn rất nhiều việc phải vượt qua. Đơn cử, để nhà đầu tư ngoại rót vốn thì DN phải công bố thông tin bằng tiếng Anh - tuy nhiên, đây là khâu rất yếu của DN Việt. Thống kê các DN niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) năm 2014 cho thấy, chỉ có 3,4% DN đăng tải báo cáo tài chính bằng tiếng Anh. Trên Sở HOSE, trong số 100 DN làm tốt công tác công bố báo cáo thường niên năm 2014, số DN công bố báo cáo bằng tiếng Anh chỉ dưới 10%. Nhiều DN trên trang thông tin có lựa chọn ngôn ngữ tiếng Anh, nhưng nội dung bên trong lại là tiếng Việt… Nỗ lực nâng hạng TTCK là một mục tiêu lớn của ngành, của nền kinh tế, nhưng lại cần sự vào cuộc từ những việc cụ thể của chính các DN, nhất là DN lớn, mới có thể thực thi được mục tiêu này.
Nới rộng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại, lập trung tâm giải đáp thắc mắc cho nhà đầu tư nước ngoài, hợp nhất các Sở GDCK, tổ chức các diễn đàn đầu tư quốc tế để xúc tiến và thu hút vốn ngoại, mở rộng quan hệ với các TTCK lớn… là những công việc ngành chứng khoán dự kiến sẽ làm trên con đường nâng hạng TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, bao giờ TTCK Việt Nam có thể nâng hạng lên mức cao vẫn còn là câu hỏi ngỏ, bởi ở đó đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực tổng thể cả nền kinh tế. Nhưng sẽ không bao giờ đến đích, nếu thiếu đi sự nỗ lực, sự định hướng và những viên gạch đầu tiên tạo dựng con đường tương lai này.
Điểm sáng đáng ghi nhận năm 2014 là UBCK đã đàm phán, ký kết MoU với 25/31 cơ quan quản lý TTCK châu Âu, để mở đường cho việc thu hút vốn đầu tư từ các quỹ đại chúng vào TTCK Việt. Cùng với đó, Diễn đàn đầu tư Việt Nam - VIF với sự tham gia của nhà đầu tư huyền thoại Marc Faber được tổ chức tháng 6/2014, thu hút hàng trăm quỹ đầu tư quốc tế đến Việt Nam vào giai đoạn nhạy cảm, khi tâm lý nhà đầu tư rất lo lắng về sự kiện biển Đông, đã góp phần không nhỏ chấn an nhà đầu tư nội và tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại. |