Thông tin về một gói tín dụng quy mô 50.000 tỷ đồng được “úp mở” từ đầu tháng 3/2014 cuối cùng đã chính thức được Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố chiều ngày 25/3.
Tại đây, ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB thông báo, đơn vị này phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh đứng ra thu xếp chuỗi liên kết 4 nhà, gồm: chủ đầu tư, nhà thầu, ngân hàng và người tiêu dùng để khơi thông thị trường bất động sản - vật liệu xây dựng, thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới (trong khi còn có các khoản vay cũ)… Khoản tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng này sẽ có ý nghĩa về mặt tinh thần nhiều hơn là giá trị thực tế đối với những chủ đầu tư hay người mua nhà đang cần tiền.
Cũng tại buổi họp báo này, trong lúc giới truyền thông chờ đợi một thông điệp rõ ràng từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc có hay không một gói tín dụng mới cho thị trường bất động sản, thì ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) có mặt tại đây chỉ thông báo rằng, Ngân hàng Nhà nước tham dự sự kiện này với tư cách khách mời, nhằm tìm kiếm mô hình tạo lập thị trường bất động sản - xây dựng, sao cho triển khai hiệu quả và thành công.
Tiếp đến, ông Mạnh dẫn lại nguồn tin từ VNCB rằng, đã có gói 50.000 tỷ đồng giữa các ngân hàng liên kết với nhau và có 7 ngân hàng cũng đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước gói tín dụng 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước lại không cho biết, đây là 2 gói tín dụng khác nhau có tổng trị giá 120.000 tỷ đồng, hay cùng nằm trong gói tín dụng liên kết giữa các ngân hàng với VNCB và cùng đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.
“Về điều kiện vay vốn của gói 50.000 tỷ đồng (nếu có), vẫn phải tuân thủ theo điều kiện bình thường. Đây là sản phẩm để quản lý dòng tiền, tạo niềm tin thị trường, chứ không phải là gói tín dụng ưu đãi lãi suất hay được ân hạn bất thường”, ông Mạnh nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng mà VNCB tổ chức, ông Phan Thành Mai dẫn lại nguồn tin từ phía Ngân hàng Nhà nước rằng, hiện đã có các ngân hàng, như VNCB, Agribank, BIDV đăng ký với Vụ Tín dụng. Ngoài ra, VNBC cũng đang đàm phán mời các ngân hàng khác, như ACB, Sacombank, LienVietPostBank, OceanBank, MB, Maritime Bank, VPBank... tham gia. Trên thực tế, những thông tin từ VNCB về khoản tín dụng 50.000 tỷ đồng cho bất động sản là hoàn toàn không mới, khi từ đầu năm 2014 đến nay, một số ngân hàng đã triển khai gói vay ưu đãi cho thị trường này.
Cụ thể, từ ngày 17/3, Vietcombank đã áp dụng gói cho vay bất động sản thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, với 3 sản phẩm: cho vay xây, sửa nhà; vay mua ngôi nhà mơ ước và gia đình thịnh vượng. Từ đầu tháng 3/2014, VietinBank cũng công bố danh mục dự án bất động sản được vay ưu đãi từ nay đến hết tháng 10/2014. ACB cũng đang triển khai các gói cho vay bất động sản, gồm: vay mua nhà - đất, vay xây dựng, sửa chữa nhà, vay mua căn hộ các dự án bất động sản có liên kết với ACB…
Nhiều ngân hàng khác, như Agribank, Sacombank, Ocean Bank, An Bình… cũng đang có các khoản vay với lãi suất ưu đãi dành cho khách mua nhà. Nếu cộng dồn các khoản tín dụng dành cho bất động sản từ các ngân hàng có tên trên, thì gói tín dụng ưu đãi cho bất động sản cũng đã vượt quá con số 50.000 tỷ đồng.
Thông tin mà ông Nguyễn Viết Mạnh và ông Phan Thành Mai thuyết phục được những người có mặt tại buổi họp báo là, thị trường bất động sản đang mất niềm tin bởi người mua nhà (đã góp tiền vào dự án) không dám đóng tiếp, vì lo sợ dòng tiền sẽ không được sử dụng để xây nhà. Người thi công có đầy đủ vật liệu, nhưng lo lắng khi triển khai xong sẽ không được thanh toán. Chủ đầu tư thì lo lắng sẽ không được thanh toán mọi chi phí, rồi ngân hàng cũng lo khó thu hồi vốn. Đó là một thực tế.
“Nếu chúng ta không tin nhau thì sẽ không thể giải quyết được tình hình. Bây giờ phải gắn kết các nhà lại, dưới sự giám sát của ngân hàng. Dòng tiền, khi đóng cho chủ đầu tư phải được quản lý để chi trả hợp lý cho vật liệu, nhân công và để trả nhà cho dân”, ông Mạnh nhận định.