Sau những “đánh động” đó, các bộ, ngành đã quyết liệt triển khai, sửa đổi, bổ sung, giảm lãi suất, tăng thời gian cho vay và sau 3 tháng, trong cuộc họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 28/5 vừa qua, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, tiến độ triển khai gói 30.000 tỷ đồng đang tăng, tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Cập nhật tới ngày 20/5/2014 cho thấy, đã có 4.984 người tiếp cận với số tiền 4.104 tỷ đồng. Nếu so sánh với cuối năm 2013, thì trong 4 tháng 20 ngày đầu năm nay, tốc độ giải ngân đã tăng 118% và hiện chiếm tỷ trọng 13,7% trên tổng số vốn. Ngoài khách hàng cá nhân, hiện đã có 24 dự án tiếp cận gói tín dụng này.
Tuy nhiên, so với mục tiêu ban đầu là giải ngân trong vòng 36 tháng, thì rõ ràng, sau gần 1/3 chặng đường mới giải ngân được 13,7% là quá thấp. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, là do thiếu nguồn cung và thủ tục cho vay còn rườm rà, phức tạp.
"Thị trường thiếu sản phẩm nhà ở diện tích nhỏ, thủ tục chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng gặp nhiều khúc mắc, thủ tục xét duyệt chia căn hộ cũng gặp khó ở địa phương…”, ông Dũng nói.
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, gói hỗ trợ này đang có vướng mắc là không rõ ràng về đối tượng cho vay.
“Yêu cầu xác nhận của xã, phường về tình trạng nhà ở vừa gây khó khăn cho địa phương, vừa gây khó cho người vay vốn. Bởi thế, mức độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng hiện đang rất chậm. Chúng tôi đã có những kiến nghị điều chỉnh gói này. Tuy nhiên, mức độ sửa đổi rất chậm”, ông Nghĩa nhận xét.
Trong khi đó, khi trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều chủ đầu tư có dự án xin chuyển đổi cũng có “nhiều tâm tư”.
Trước hết là về quy định “lợi nhuận không quá 10%”, trong khi chi phí “ngoài sổ sách” cho một dự án là quá lớn, khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận.
Kế đến là những quy định không được áp dụng đồng nhất, khiến xảy ra tình trạng “trâu chậm uống nước trong”. “Dự án có quyết định chuyển đổi đầu năm 2014 được để lại 20% căn hộ để bán thương mại, trong khi nếu được phê duyệt cuối năm 2013 thì chẳng được gì”, một chủ đầu tư chia sẻ.
Một nguyên nhân sâu xa nữa mà ít chủ đầu tư muốn nói đến, là việc xin chuyển đổi dự án của một số chủ đầu tư chẳng qua chỉ là muốn câu giờ, giữ đất. Theo quy định, dự án chậm triển khai có thể bị thu hồi, nhưng nếu dự án đang trong quá trình xin chuyển đổi thì không. Vì vậy, khi thị trường “đóng băng”, một số chủ đầu tư xin bằng được vào diện chuyển đổi, nhưng cố tình không hoàn thiện hồ sơ để cơ quan chức năng không thể xem xét, phê duyệt.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản mới đây, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng Phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Hà Nội có đến 24 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhưng chỉ có 9 dự án được đồng ý về chủ trương và 3 dự án được trả lời không đủ điều kiện. Hiện Sở không còn tồn động hồ sơ xin chuyển đổi nào.
Còn về phía ngân hàng, các nhà băng cũng tỏ ra rất thận trọng khi xem xét hồ sơ cho vay, do lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng, bởi dư nợ bất động sản hiện đã cao, trong khi tính thanh khoản của thị trường vẫn chưa rõ nét.
Qua tất cả những vấn đề trên có thể thấy, dù đã có những bước tiến trong 3 tháng qua, nhưng với việc tắc đầu ra và chưa có hướng tháo gỡ, có thể nói, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã thất bại so với mục tiêu ban đầu đặt ra.