Hiện đang có sự “vênh”nhau giữa bên cung và bên cầu về bất động sản
Mới giải ngân được 2%
Xử lý nợ xấu về bất động sản là một nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.
Một gói giải cứu theo nghị quyết này gồm 30.000 tỷ đồng với tỷ lệ 70% dành để cho vay kích cầu mua nhà ở xã hội (giá dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2/căn hộ) cho các đối tượng chính sách... và 30% cho vay để kích cung cho các DN chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội.
Mức lãi suất vay là 6%/năm với thời hạn 10 năm cho phía cầu và 5 năm cho phía cung.
Tuy nhiên, sau 6 tháng triển khai, theo báo cáo mới nhất công bố hôm qua của NHNN, đến 31/11/2013, 5 ngân hàng gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV và MHB mới cho vay được gần 647 tỷ đồng.
Như vậy, mới có 2% của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đến tay hơn 1.200 cá nhân và 5 DN. Mặc dù vậy, nếu tính cả số cam kết nhưng chưa giải ngân, các ngân hàng đã cho vay 1.256 khách hàng với số tiền hơn 1.560 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội thảo do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 12/12/2013, ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới DN thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, vẫn còn nhiều trở ngại về thủ tục đối với bên cầu (là chủ yếu) và cả bên cung.
Vì vậy, cho đến nay mới có gần 2% gói hỗ trợ được giải ngân.
Hơn nữa, giải pháp này đang gặp phải nghịch lý là cần thực hiện nhanh để xử lý quá nhanh nợ xấu bất động sản, nhưng nếu tiến hành nhanh sẽ gặp rủi ro không đúng đối tượng của bên cầu; lợi ích khác biệt, “vênh” nhau giữa bên cung và bên cầu.
Trong khi bên cung có bất động sản là nợ xấu hoặc tồn kho chủ yếu là nhà ở thương mại, cao cấp; còn bên cầu chỉ có khả năng góp phần “giải cứu” phân khúc nhà ở xã hội. Vì thế, Bộ Xây dựng cho rằng: “Gói hỗ trợ này chúng tôi không mong đẩy quá nhanh, vì rất dễ không đúng đối tượng”. Với các lý do trên, theo ông Cường, kỳ vọng tác động của gói 30.000 tỷ đồng này đối với DN trong năm 2014 là không lớn.
Nhiều văn bản, vẫn tắc
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 hồi tháng 1/2013, Bộ Xây dựng đã ra Thông tư 02 hướng dẫn chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tiếp theo đó, bộ này tiếp tục ban hành Thông tư 07 hướng dẫn cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Khi Thông tư 07 triển khai trong thực tế gặp nhiều vướng mắc, Bộ Xây dựng đã ban hành tiếp Thông tư 18, trong đó mở rộng thêm đối tượng được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 188 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội (có hiệu lực từ 10/1/2014), trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để vay vốn hỗ trợ. Bộ Xây dựng còn 3 lần giới thiệu danh sách với 72 dự án đủ điều kiện cho các ngân hàng thương mại xem xét cho vay theo quy định.
Tuy nhiên, tất cả các động thái đó mới chỉ mang tính chất “khởi động”, còn cửa cho vay vẫn phụ thuộc vào đầu mối là các ngân hàng.
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đánh giá, tuy lượng tồn kho bất động sản đã giảm từ giữa năm đến nay, nhưng còn rất lớn so với khả năng hấp thụ của thị trường. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng quá chậm, chưa thực sự giúp ích và tạo ‘cú hích’ cho cả người bán và người mua.
Do vậy, giải quyết hàng tồn kho sẽ tiếp tục là vấn đề nan giải cho năm 2014.
Với một góc nhìn khác, bà Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển DN (VCCI), lại cho rằng, suốt một thời gian dài thị trường bất động sản nước ta đã phát triển theo kiểu bong bóng, giá cả bị đẩy lên quá cao so với giá trị thật. Hiện tại, giá bất động sản một số nơi đã giảm, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều mặt bằng thu nhập chung của người dân.
Vì vậy, theo bà Quyên, không nên can thiệp quá sâu mà hãy để thị trường tự điều chỉnh.
Không đồng tình với ý kiến trên, GS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về Hợp tác và đầu tư cho rằng, cần có chính sách tích cực hơn để đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. “Triển khai hiệu quả gói này sẽ giúp cho nhiều ngành sản xuất cùng tăng trưởng”, ông Mại nói và cho rằng, đây là nhiệm vụ cấp bách trong năm 2014, vì năm nay “coi như chính sách này đã thất bại rồi”.
>>"Chuyện vui" gói 30.000 tỷ đồng