Góc nhìn kỹ thuật phiên 8/3: Cảnh báo rủi ro xu hướng vẫn đang được duy trì

(ĐTCK) Với các tín hiệu thu được từ nhóm chỉ báo chậm (có độ tin cậy cao) như MACD và RSI, cảnh báo rủi ro xu hướng vẫn đang được duy trì. Bollinger bands chưa thể mở rộng nếu VN-Index không xuất hiện phiên giao dịch đột biến về điểm số.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 8/3.

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index đóng cửa tăng điểm nhẹ và tiếp tục duy trì bên trên nhóm MA ngắn hạn (tương ứng với vùng 710-715 điểm). Thanh khoản có sự cải thiện đáng kể so với các phiên trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức khối lượng bình quân 10 phiên gần nhất. Điều này cho thấy, sự thận trọng vẫn còn hiện hữu trong hành động của các nhà đầu tư, dù cho sự lạc quan về xu hướng tăng điểm mới đang dần chiếm ưu thế.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng điểm. Các nhóm cổ phiếu bắt đầu có sự phân hóa rõ nét, ngay cả trong từng cổ phiếu trong nhóm cổ phiếu bluechips. Điều này có thể sẽ tạo ra sự luân chuyển dòng tiền trong các phiên tới.

Kênh xu hướng tăng điểm kéo dài từ tháng 12/2016 đến nay tiếp tục được duy trì sau khi đường giá cắt lên trở lại nhóm MA ngắn hạn. Tuy nhiên, việc dải BB đang có dấu hiệu thắt hẹp và chuyển dịch sang trạng thái đi ngang có thể khiến chỉ số cần thêm một vài phiên đi ngang tích lũy trong vùng 715-720 điểm, trước khi hướng đến một sự bứt phá tới các mốc điểm cao hơn.

Về mặt chỉ báo kỹ thuật, các chỉ báo dao động (STO, W%R) đều đã hồi phục mạnh trở lại từ vùng quá bán, đường MACD đã có dấu hiệu đảo chiều tăng điểm trở lại để mở ra cơ hội giao cắt với đường tín hiệu. Bên cạnh đó, đường giá đang áp sát đường PSAR và nhiều khả năng sẽ cắt lên trên chỉ báo này trong phiên kế tiếp.

Những tín hiệu trên đang hỗ trợ cho kịch bản chỉ số tiếp tục tăng điểm trong một vài phiên tới. Vùng kháng cự gần nằm tại 720-725 điểm và 730-735 điểm. Vùng hỗ trợ gần nằm quanh 710 điểm và 700-705 điểm.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index tăng điểm nhẹ, tạo thành chuỗi 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn được giữ ở mức tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 712-714 điểm (MA5-10) và kháng cự tại 718 điểm (đỉnh phiên 6/3).

Tín hiệu kỹ thuật trong trung hạn duy trì tích cực, với hỗ trợ tại 711 điểm (MA20). Xu hướng dài hạn của VN-Index vẫn là đi lên trong một bull market, với hỗ trợ tại 683 điểm (MA100).

Dự báo phiên 8/3, VN-Index sẽ điều chỉnh trở lại để kiểm tra lực cầu trong vùng hỗ trợ tại 712-714 điểm và kháng cự của chỉ số ở mốc 718 điểm.

HNX-Index tăng điểm trở lại với mức tăng khá nhẹ. Tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn chuyển từ tiêu cực lên tích cực, với hỗ trợ tại 86,6 điểm (MA5-10) và kháng cự gần nhất tại 87 điểm (đỉnh phiên 6/3). Tín hiệu kỹ thuật trong trung hạn duy trì tích cực, với hỗ trợ gần nhất tại 86,3 điểm (MA20). Xu hướng dài hạn của HNX-Index tiếp tục là đi lên trong một bull market, với hỗ trợ tại 83,3 điểm (MA200).

Dự báo phiên 8/3, HNX-Index sẽ giảm điểm trở lại để kiểm tra mốc hỗ trợ 86,6 điểm, với kháng cự tại 87 điểm.

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS 

CTCK FPT – FPTS

Phiên 7/3 tiếp tục ghi nhận đà tăng nhẹ của VN-Index. Mô hình nến được thiết lập trong phiên cho thấy nỗ lực đỡ giá khá tốt, khiến thân nến của phiên rất mỏng và tập trung hoàn toàn ở gần mức cao nhất trong ngày.

Dòng tiền được giao dịch đã có sự cải thiện, khối lượng khớp lệnh quay lại mức bình quân 20 phiên gần nhất thể hiện bên mua đang quan tâm đến thị trường nhiều hơn.

Theo đó, nếu chỉ số vượt qua được khu vực 720 điểm, thị trường có thể sẽ chứng kiến thanh khoản sôi động và xu hướng tăng sẽ có thể tiếp diễn.

Mặc dù số điểm tăng của VN-Index phiên là khá khiêm tốn, nhưng mô hình nến ngày 7/3 vẫn tích cực khi biến động giá trong phiên không vi phạm khoảng trống giá của phiên liền trước. Thực tế, mức thấp nhất trong ngày tại 714,28 điểm cũng khá gần với giới hạn trên của khoảng trống, nên khu vực 712-714 sẽ được đánh giá với vai trò hỗ trợ cho các biến động theo ngày.

Tuy vậy, với các tín hiệu thu được từ nhóm chỉ báo chậm (có độ tin cậy cao) như MACD và RSI, cảnh báo rủi ro xu hướng vẫn đang được duy trì. Bollinger bands chưa thể mở rộng nếu VN-Index không xuất hiện phiên giao dịch đột biến về điểm số. Theo đó, vẫn để ngỏ khả năng chỉ số sẽ tiếp tục giằng co trong các phiên cuối tuần nếu dòng tiền không duy trì được sự sôi động cần thiết.

CTCK Phú Hưng - PHS

VN-Index có phiên phục hồi thứ 3 liên tiếp. Khối lượng giao dịch gia tăng trên bình quân 20 phiên cho thấy, dòng tiền gia nhập thị trường có dấu hiệu tích cực.

Không những vậy, chỉ số tiếp tục duy trì đóng cửa trên MA 5 và 20, đồng thời đường RSI có tín hiệu phục hồi trở lại vùng 64 cho thấy, động lực đi lên chỉ số có thể còn tiếp diễn. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng khi các chỉ báo MACD và ADX đang có dấu hiệu hội tụ cho thấy, kịch bản chỉ số có khả năng sẽ còn giao dịch giằng co trong biên độ hẹp quanh vùng 710-720 điểm trong những phiên tới.

HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên tăng điểm trở lại, kèm khối lượng giao dịch gia tăng hàm ý động lực phục hồi đang được cải thiện. Thêm vào đó, chỉ số đóng cửa trên MA 20 và 50 cho thấy, xu hướng phục hồi đang tiếp diễn, ngưỡng mục tiêu gần nhất có thể là vùng 88 điểm (đỉnh cũ tháng 7/2016).

Nhìn chung, thị trường tiếp tục tăng điểm, thể hiện xu hướng phục hồi đang được duy trì, tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang phát đi tín hiệu rằng, thị trường có thể cần thêm những phiên giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp, trước khi tiến lên thử thách các ngưỡng kháng cự cao hơn. Do đó, nhà đầu tư có thể gia tăng một tỷ trọng nhỏ vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và có tính dẫn dắt thị trường.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục