Doanh nghiệp và cổ đông: Nghịch lý kiếm lãi trong chiều dài… T+3

(ĐTCK) Một trong những tiêu chí quan trọng khi lựa chọn đầu tư vào doanh nghiệp là có chiến lược kinh doanh bài bản, rõ ràng. Thế nhưng, đa số nhà đầu tư trên thị trường không đủ bình tĩnh để nắm giữ cổ phiếu quá T+3, nếu cổ phiếu giảm giá.
Niềm tin vào doanh nghiệp của nhiều nhà đầu tư suy giảm nếu giá cổ phiếu có diễn biến giảm Niềm tin vào doanh nghiệp của nhiều nhà đầu tư suy giảm nếu giá cổ phiếu có diễn biến giảm

Tìm đâu cổ phiếu chỉ có tăng giá?

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của một doanh nghiệp niêm yết, sau khi nghe ban lãnh đạo doanh nghiệp dốc bầu tâm sự về chiến lược kinh doanh, nhiều cổ đông rất hào hứng.

Theo đó, với thực trạng gần như hoạt động hết công suất ở nhiều mảng, để có thể tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, công ty cho biết, trong ngắn hạn sẽ không chia cổ tức bằng tiền mà dành mọi nguồn lực cho tái đầu tư. Với những dự án quy mô lớn, có độ khó cao đã được trình bày, cả hội trường hướng đến “ngày hái quả” trong dài hạn.

Tại cuộc họp, ban lãnh đạo công ty mong mỏi, mỗi năm chúng ta sẽ gặp nhau một lần để điểm lại những thành tựu ấy. Dưới hội trường, các tiếng vỗ tay đầy hào hứng.

Thế nhưng, chỉ vài ngày sau cuộc họp, giá cổ phiếu giảm. Nhiều cổ đông bắt đầu hoang mang và đặt câu hỏi: liệu lãnh đạo doanh nghiệp có nói thật về những gì họ đang làm? Vì sao giá cổ phiếu giảm? Có phải doanh nghiệp làm giá? Niềm tin vào doanh nghiệp trở nên mong manh theo diễn biến giảm của giá cổ phiếu trên sàn. Thậm chí, tất cả những thông tin liên quan đến dự án đã công bố trước đó đều bị đưa vào vòng nghi vấn.

Tìm đâu ra cổ phiếu chỉ có tăng giá? Tìm đâu ra doanh nghiệp luôn tăng trưởng lợi nhuận, nhất là khi hoạt động đã chạm đến ngưỡng giới hạn của năng lực sản xuất?

Với một doanh nghiệp bất động sản, thời gian từ lúc bắt đầu triển khai dự án đến khi có đủ điều kiện ghi nhận lợi nhuận có thể lên tới 4 năm, bao gồm 2 năm hoàn thành các thủ tục cấp phép, 2 năm để thi công và ghi nhận lợi nhuận, nếu thuận lợi. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể chiều lòng cổ đông, mọi năm đều ghi nhận lãi, đều tăng trưởng… nếu không có quỹ dự án dày đặc để gối đầu liên tục, hoặc không dùng các thủ thuật để hạch toán lợi nhuận?

Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng chia sẻ, ông vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các cổ đông bên ngoài, vì doanh nghiệp hoạt động thua lỗ sau khi tăng vốn điều lệ. Theo vị chủ tịch này, nếu duy trì quy mô hoạt động cũ, công ty có thể đạt được mức lãi đều đặn, với thu nhập trên mỗi cổ phiếu duy trì khoảng 2.000 đồng. Thế nhưng, công ty đã duy trì như thế cả chục năm trước, dù sở hữu lợi thế rất tốt về sản phẩm.

Muốn tăng trưởng lợi nhuận, không có cách nào khác là đầu tư, bao gồm cả đầu tư máy móc, kho xưởng, hệ thống phân phối. Năm đầu tiên sau chính sách này, công ty tăng 50% doanh thu, nhưng lợi nhuận là con số âm. Nguyên nhân là để phát triển đội ngũ phân phối, công ty phải mất thêm chi phí.

Trước đây, một nhân viên kinh doanh bán được 100 triệu đồng/tháng, thì nay con số trung bình toàn công ty giảm còn 30 triệu đồng/tháng, do đội kinh doanh ở các thị trường mới đang trong giai đoạn tiếp cận thị trường.

Doanh số trung bình mỗi nhân viên kinh doanh giảm, nhưng chi phí thì không, dẫn đến tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu tăng mạnh. Đầu tư máy móc để mở rộng nhà máy dẫn đến khấu hao lớn, nhưng doanh số chưa thể tăng theo. Hai yếu tố này khiến công ty sau quá trình mở rộng hoạt động là lỗ.

Thế nhưng, vị chủ tịch cho rằng, lỗ này nằm trong kế hoạch, bởi mục tiêu ưu tiên số 1 giai đoạn hiện nay của công ty là thị phần, chứ không phải lợi nhuận. Năm vừa qua, công ty hoàn thành mục tiêu thị phần vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều cổ đông không hài lòng, bởi thực tế trước mắt, họ đã bỏ tiền vào doanh nghiệp và doanh nghiệp đang thua lỗ. Điều họ muốn thấy là con số lợi nhuận tăng mạnh sau mỗi kỳ báo cáo. 

Trái ngọt nhất ở cuối con đường

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang đã có một câu phát biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tập đoàn nhận được sự tán đồng đặc biệt và trích dẫn lại nhiều lần của giới doanh nhân trong các cuộc nói chuyện: “Trái ngọt nhất ở cuối con đường, không phải hai bên đường”.

Ngay cả làm thương mại thuần, doanh nghiệp cũng chưa chắc đã có thể sáng bỏ vốn, tối kiếm lời. Vậy làm sao kỳ vọng sự tăng trưởng đột biến từ dự án khi quá trình từ khi chuẩn bị thủ tục đầu tư đến triển khai, vận hành và đưa sản phẩm ra thị trường có thể kéo dài hàng năm?

Thị trường muốn doanh nghiệp kinh doanh bài bản, nhưng những phản ứng nhìn thuần vào câu chuyện lợi nhuận vô tình đang tạo áp lực lên doanh nghiệp, tạo nên những méo mó trong hạch toán tại không ít trường hợp, chỉ để cân đối và hài hòa với “khẩu vị” lãi luôn, lãi tốt và lãi thường xuyên của… nhà đầu tư.               

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục