Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/3 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/3

Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu VHC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Năm 2017, giá bán và nhu cầu tại các thị trường Châu Á tăng là hai thuận lợi đối với ngành cá tra xuất khẩu tuy nhiên những thách thức ngành vẫn còn rất nhiều. Dự luật thanh tra cá da trơn vẫn có khả năng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cá sang Mỹ, hình ảnh cá tra lại bị bôi xấu tại thị trường Châu Âu và tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước là các thách thức doanh nghiệp ngành cá đang phải đối mặt.

Là một doanh nghiệp đầu ngành, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) với khả năng tự cung nguyên liệu có thể hạn chế được tình trang thiếu nguyên liệu và thị trường Châu Á cũng đang là thị trường mà Công ty chú trọng. Nhưng Mỹ và Châu Âu vẫn là hai thị trường lớn của Công ty nên chắc chắn Vĩnh Hoàn sẽ gặp không ít khó khăn trong năm 2017. Điều này đã và đang được phản ánh bởi chuỗi giảm giá cổ phiếu của VHC từ đầu năm đến nay.

Ở mức giá hiện tại, PE forward là 7,4x, khá hấp dẫn cho 1 cổ phiếu đầu ngành. Tuy nhiên trong ngắn hạn, do thiếu những thông tin hỗ trợ tích cực, nhà đầu tư cần kiên nhẫn và xem xét tích lũy cổ phiếu tại vùng giá 45.000 - 47.000 đồng/cp. Với mục tiêu PE 9x, giá VHC theo phương pháp so sánh PE là 56.500 đồng/cp, cùng với giá cổ phiếu theo phương pháp DCF là 57.800 đồng/cp, chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VHC.

 JVC được định giá ở mức 157.000 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Vietjet (Vietjet Air) là hãng hàng không tư nhân của Việt Nam được thành lập năm 2007 với 3 cổ đông chính là Tập đoàn T&C, Sovico Holdings và HD Bank. VietJet là hãng hàng không hàng đầu tại Việt Nam với thị phần nội địa đứng thứ 2 và đang vươn lên vị trí dẫn đầu, tương đương khoảng 41% so với 42% của Vietnam Airlines, dựa trên số lượt hành khách di chuyển trong Việt Nam được vận chuyển bởi các hãng hàng không Việt Nam trong 12 tháng 2016 theo CAAV.

Hiện nay, Vietjet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông theo danh sách chốt đến ngày 12/1/2017. Trong đó có 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (23,24%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%).

Năm 2016, Vietjet đạt hơn 27.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 39% so với năm 2015. Trong đó bao gồm 15.500 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách, 11.700 tỷ đồng doanh thu từ nghiệp vụ chuyển giao sở hữu và thuê lại máy bay và phần còn lại là từ dịch vụ phụ trợ, cho thuê máy bay và doanh thu khác.

Lợi nhuận trước thuế đạt 2.394 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.291,7 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 8.726 đồng/cp. Công ty cho biết kế hoạch 2017 lãi 3.395 tỷ, cổ tức hàng năm 50% trong đó ít nhất 30% bằng tiền mặt từ nay đến 2019. Doanh thu và lợi nhuận của VJC có đóng góp lớn từ hoạt động chuyển giao sở hữu và thuê máy bay. Mảng này bắt đầu chiếm tỷ trọng lớn trên 40% tổng doanh thu từ 2015.

Mức định giá P/E và P/B trung bình của các hãng hàng không trong khu vực so sánh là 19,6 lần và 1,81 lần. Định giá theo EV/EBITAR, áp dụng mức bội số trung bình EV/EBITAR là 4,5 lần (mức trung bình của so sánh các công ty trên bloomberg) thì định giá của VJC là 70.000 đồng/ cổ phiếu. Nếu lấy mức bội số 8,8 mà một số công ty sử dụng để định giá cho HVN hiện tại thì định giá VJC là 157.000 đồng/ cổ phiếu.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục