CTCK FPT (FPTS)
Với phiên tăng điểm ngày 21/10, VN-Index đã hoàn bù phần nào cho phiên giảm mạnh ngày 16/10 và đồng thời tái lập ngưỡng 600 điểm.
Các chỉ báo nhanh theo đó cũng đã bắt đầu cho tín hiệu đảo chiều trở lại, đường Williams’R 14 đã bật lên khỏi vùng giá trị OverSold cùng MACD, RSI cũng cho tín hiệu hồi phục. Tuy vậy, điểm thiếu tích cực là Volume không có sự cải thiện tương đồng với mức tăng của đường giá, khối lượng giao dịch của 2 phiên tăng liên tiếp chỉ đạt mức thấp phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và đồng thời cảnh báo diễn biến hồi phục này là không chắc chắn.
Trong các phiên cuối tuần, nếu thanh khoản không được cải thiện thì chúng tôi cho rằng, VN-Index sẽ khó có khả năng phá vỡ trend giảm ngắn hạn bắt đầu từ đầu tháng 9/2014. Theo đó, nhà đầu tư vẫn cần đề phòng rủi ro về một nhịp điều chỉnh tiếp diễn.
Bất chấp đà tăng tích cực trên sàn HOSE, chỉ số HNX-Index tiếp tục có một phiên điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, điểm tích cực là một cây nến đỏ hẹp với bóng dưới dài sau phiên 21/10 đã một lần nữa khẳng định vai trò hỗ trợ tích cực của SMA 50 và ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6% (tương ứng mốc 86 điểm).
Với diễn biến này, chúng tôi vẫn bảo lưu đánh giá khả năng đường giá xuyên phá mốc hỗ trợ 86 điểm là thấp. Tuy nhiên, theo biến động về điểm số thì nhóm các chỉ báo Momentum vẫn chưa cho tín hiệu về khả năng hồi phục, RSI tiến sát vùng OverSold cùng MACD có xu hướng cắt xuống mốc giá trị 0 cho thấy rủi ro điều chỉnh vẫn còn.
Trong các phiên cuối tuần, chúng tôi vẫn đề nghị theo dõi sát đối với diễn biến HNX-Index quanh mốc 86 điểm, nếu xuất hiện dao động mạnh quanh mốc điểm này thì có thể sẽ là tín hiệu cảnh báo cho xu hướng biến động tiếp theo.
CTCK Bảo Việt (BVSC)
VN-Index có phiên tăng điểm mạnh và tạo thành cây nến trắng dài giúp đường giá chớm cắt lên trở lại đường SMA100, kèm theo đó các chỉ báo momentum (RSI, STO) vẫn đang đi lên mạnh mẽ từ vùng quá bán.
Diễn biến này về mặt kỹ thuật tiếp tục được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số diễn biến tích cực và tiếp tục tăng điểm trong phiên kế tiếp.
Tuy nhiên, độ rộng thị trường trong phiên bứt phá của điểm số lại khá cân bằng giữa hai bên xanh đỏ, còn thanh khoản dù tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức thấp dưới trung bình. Điều này xảy ra trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật khác (MACD, ADX) vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, còn đường PSAR và nhóm MA ngắn hạn thì vẫn đang hướng xuống với độ dốc lớn để gây sức ép với đường giá.
Những tín hiệu trên không những cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi đà tăng của chỉ số đang bị chi phối bởi một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, mà còn khiến chúng tôi tiếp tục để ngỏ khả năng đảo chiều của chỉ số khi tiếp tục đi lên và tiếp cận vùng kháng cự tạo bởi các đường SMA20, SMA50 trong ngắn hạn.
Vùng kháng cự gần của VN-Index được điều chỉnh lên 610-615 điểm và giữ nguyên tại quanh 89.5 điểm đối với HNX-Index. Đây tiếp tục được xem là điểm bán quay vòng một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn đang nắm giữ.
Đồ thị phân tích kỹ thuật HNX-Index (Nguồn: VCBS)
CTCK BIDV (BSC)
Cây nến xanh thân ngắn, giá đóng cửa gần với mức giá mở cửa tiến sát ngưỡng kháng cự 590, thân nến nằm hoàn toàn trong dải Bollinger, khối lượng giao dịch giảm sút chỉ bằng 0.64 lần khối lượng giao dịch trước đó.
VN-index chủ động tăng điểm ngay từ đầu phiên, kiểm tra nhiều lần dưới ngưỡng kháng cự 590 nhưng mất điểm nhanh chóng và lao về mốc tham chiếu 585.28. Thị trường sau đó nhanh chóng hồi phục và vượt ngưỡng kháng cự 590 vào cuối phiến sáng. Phiên chiều, VN-Index thiết lập một vùng giá xung quanh mốc 592 và duy trì đến cuối phiên. VN-Index đóng cửa tại 589.24 điểm, phục hồi 3.96 điểm.
Chỉ báo RSI(14) nảy trở lại sau khi chạm đường 30, đạt 33.8 điểm. Chỉ báo MFI(14) không thể hiện xu hướng rõ rệt, trạng thái đi ngang trên đường 50 tiếp tục được duy trì, chạm 54.2 điểm. Đường Stochatics đang trong vùng quá bán, có dấu hiệu hướng trở lại đường 20, chỉ báo chậm vẫn nằm trên đường này. Đường MACD và chỉ báo chậm của nó vẫn nằm dưới đường Zero và tín hiệu bán vẫn duy trì.
Thị trường đang đứng trước ngưỡng kháng cự nhạy cảm ngưỡng 590, VN-Index cũng đã duy trì một trạng thái tích lũy trên ngưỡng này trong suốt phiên chiều. Ngưỡng hỗ trợ mới rộng vùng 574.Với sự phục hồi của VN30, thị trường có thể sẽ tiếp tục kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 590 trong phiên tiếp theo, kèm theo sự gia tăng khối lương giao dịch, cần thiết phải thiết lập một nền tảng tích lũy sau đà giảm điểm mạnh mẽ tuần qua.
CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)
VN-Index tiếp tục có phiên tăng điểm khá ấn tượng với sự đóng góp rất lớn của mức tăng trần GAS và các cổ phiếu trụ khác như PVD, VNM, MSN Thanh khoản tăng nhẹ trở lại so với phiên giao dịch trước tuy nhiên lượng giao dịch vẫn ở mức khá thấp so với bình quân giao dịch tuần trước đó. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng vẫn tiếp tục diễn ra mặc dù thị trường tăng điểm khá mạnh.
Đồ thị hình thành 1 Long White Candle sau khi tạo nến Doji đảo chiều trong phiên trước đó cho chỉ báo kỹ thuật về xu hướng tăng điểm đang mạnh trở lại.
Chỉ báo này cũng hình thành phân kỳ dương với Stochastic. Điều này cho thấy lực mua đang khá mạnh. Tuy nhiên, chỉ số này đang tiệm cận ngưỡng 600 điểm, khả năng điều chỉnh tại vùng này có thể xảy ra trong phiên giao dịch tiếp theo.
HNX-Index tiếptục có phiên giao dịch thiếu tích cực do các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm chứng khoán và dầu khí vẫn bị bán ròng khá mạnh.
Thanh khoản giảm sút rất mạnh. Dòng tiền trở nên thận trọng trước những diễn biến gần đây trên sàn này.
Chỉ số này rớt xuống dưới đường SMA50 và mốc hỗ trợ 87.5 điểm. Mốc hỗ trợ tiếp theo của chỉ số này là vùng 85 điểm.
Chỉ báo Stochastic cho tín hiệu tích cực khi bật lên tại vùng quá bán.
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
VN-Index bất ngờ có phiên tăng mạnh hôm nay, dù vậy xem xét kỹ, có ảnh hưởng quá lớn từ một số “trụ đỡ” tác động mạnh lên kết quả của chỉ số, đáng kể nhất là GAS, VIC và PVD. Trên bình diện rộng, toàn sàn HOSE có 102 mã tăng/100 mã giảm.
Xét ngắn hạn, kết quả bật tăng của đường giá tại hỗ trợ 575 điểm là diễn biến đáng chú ý. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy chưa đủ dữ kiện kết thúc quá trình điều chỉnh đã kết thúc.
KLGD nằm sâu bên dưới vùng thanh khoản trung bình 50 ngày, phản ánh rõ mức hoạt động yếu của dòng tiền. NĐT rõ ràng vẫn đang hết sức thận trọng với các diễn biến tiếp theo của thị trường. Đây là một điểm trừ.
Chỉ báo kỹ thuật kém. Các phiên giảm liên tiếp trước đó khiến nhiều chỉ báo di chuyển về vùng kém tích cực hơn.
Cần nhấn mạnh quá trình tích lũy của VN-Index đến hiện tại vẫn chưa xác nhận kết thúc dù đã xuất hiện sự bật tăng tại vùng hỗ trợ 575 điểm.
HNX-Index có phiên giảm nhẹ thứ hai liên tiếp. Nhìn chung đường giá đang ở vào trạng thái “cân bằng hơn” nếu so sánh với đà rơi mạnh trong tuần trước.
Áp lực bán vẫn còn đè nặng khi bên mua thể hiện rõ sự thận trọng trong việc giao dịch tại các mức giá cao trong ngày.
Xét ngắn hạn, khu vực hỗ trợ quan trọng của HNX-Index tiếp tục là biên dưới của vùng tích lũy đi ngang hiện nay, mức 86 điểm. Nếu phá vỡ mức hỗ trợ này, triển vọng của HNX-Index sẽ xấu hơn đáng kể.
KLGD rơi về những mức rất thấp chưa bằng 60% mức thanh khoản trung bình 50 ngày, kết quả cho thấy rõ dòng tiền đang hoạt động kém.
Các chỉ báo đang giảm trở lại và hầu hết nằm trong vùng trung tính.
Trong ngắn hạn hơn, đường giá nằm trong vùng tích lũy và triển vọng thị trường phụ thuộc vào cách HNX-Index phản ứng với vùng tích lũy này.
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi cho rằng, 2 chỉ số chưa thể hồi phục mạnh và vẫn lo ngại về nhịp “Bulltraps” của thị trường. Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng về xu hướng hiện tại, đặc biệt thanh khoản thị trường vẫn còn đang giao dịch ở mức thấp dưới mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn vẫn chưa xuất hiện các tín hiệu đảo chiều cho nên chúng tôi vẫn còn rất thận trọng về nhịp hồi phục kỹ thuật này.