Nhận định thị trường ngày 22/10: Vùng giá an toàn đang được thiết lập

(ĐTCK) Nhiều cổ phiếu đã bắt đầu đứng giá và khối lượng giao dịch tụt giảm mạnh, có nghĩa vùng giá an toàn đang được thiết lập.
Nhận định thị trường ngày 22/10: Vùng giá an toàn đang được thiết lập

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 21/10. 

Vùng giá an toàn đang được thiết lập

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Tiếp tục một phiên tăng giảm trái chiều và vẫn với GAS, VIC, VNM, MSN... giúp cho chỉ số VN-Index có được phiên tăng mạnh này.

Tất nhiên, sự tăng giá mạnh của GAS và VIC đều có những thông tin bên lề của nhà đầu tư giúp cho cầu mua đẩy vào khá mạnh. Điều đó khiến nhiều nhà đầu tư nhìn nhận thị trường tăng giá kiểu xanh vỏ đỏ lòng này nên vì thế cầu mua là không thực sự mạnh.

Tuy nhiên, tổng chung thì nhiều cổ phiếu đã bắt đầu đứng giá và khối lượng giao dịch tụt giảm mạnh, có nghĩa vùng giá an toàn đang được thiết lập.

Nếu như những diễn biến tới đây không có quá nhiều biến động mạnh mang tính tiêu cực, thì rất có thể những cổ phiếu này sẽ có sự hồi phục trở lại. Sẽ xuất hiện những cổ phiếu tăng mạnh và có tính bứt phá cả về giá và khối lượng.

Nhà đâu tư trading ngắn hạn có thể tìm kiếm những cổ phiếu có tính chất này để tham gia, bởi điều đó có thể vẫn mang lại cơ hội ngắn hạn.

Tiếp tục quan sát

CTCK FPT (FPTS)

VN-Index tiếp tục có một phiên tăng điểm ấn tượng giúp chỉ số này một lần nữa chinh phục lại mốc 600 điểm đã để mất cách đây không lâu, với sự giúp sức của GAS, VIC, PVD, không khó khăn gì khi chỉ số này duy trì được đà tăng mạnh từ đầu cho đến cuối phiên.

Trong khi đó, tại sàn HNX-Index xu thế điều chỉnh vẫn tiếp diễn khi mà những cổ phiếu dẫn dắt như PVS, PVC… chưa thể tăng điểm trở lại.

Thanh khoản của thị trường ở mức thấp không thay đổi nhiều so với phiên liền trước, điều này được lý giải là do tâm lý nhà đầu tư còn khá thận trọng sau đợt sụt giảm vừa qua.

Khối ngoại bán ròng hơn 62 tỷ đồng trên toàn thị trường, xu thế bán ròng vẫn được duy trì, tuy nhiên áp lực bán đã giảm đi nhiều so với những phiên bán mạnh mẽ của tuần trước.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, các cổ phiếu trụ tăng điểm mạnh, nhưng không tạo được nhiều sự lan tỏa đến phần còn lại của thị trường, nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục xu thế điều chỉnh, nhưng có thể thấy mực độ giảm điểm đã ít đi, tâm lý ổn định hơn mỗi khi thị trường chùng xuống trong phiên, không còn nhiều áp lực bán quá lớn ở giá thấp.

Nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường trong những phiên tới, có thể giải ngân nếu HNX-Index có dấu hiệu tạo đáy ở 86 và tăng điểm trở lại, mức độ lan tỏa của nhóm cổ phiếu trụ đến các cổ phiếu thị trường khác rõ rệt hơn, kéo thanh khoản và dòng tiền tăng trở lại.

Áp lực chốt lời ngắn hạn ngày càng gia tăng

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường bất ngờ có phiên tăng điểm mạnh về cuối phiên, đặc biệt trên sàn HOSE khi chỉ số VN-Index chốt phiên tăng gần 2%, tái lập mốc 600 điểm. Tuy vậy, mức độ phân hóa là khá rõ nét khi mức tăng chủ yếu nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VIC, PVD… Đáng chú ý, cổ phiếu GAS sau chuỗi phiên giảm điểm gần đây đã bật tăng và giữ được mức giá trần về cuối phiên với thanh khoản được cải thiện đáng kể (tăng gần 3 lần) so với phiên 20/10.

Trên sàn HNX, diễn biến giao dịch khá trầm lắng khi không có cổ phiếu nào đủ lực kéo chỉ số đi lên.

Mặc dù VN-Index đã tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái khá thận trọng. Áp lực bán không quá lớn đã giúp chỉ số tăng điểm mạnh, nhưng chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy cầu đã hồi phục thật sự.

Sẽ cần thêm một vài phiên nữa khi các chỉ số gặp các ngưỡng kháng cự để kiểm chứng về

sức cầu trong đợt hồi phục này. Về các yếu tố mang tính cơ bản, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang dần được công bố với những kết quả đầu tiên khá khả quan của các công ty thuộc nhóm ngành chứng khoán như SSI, BVS, CTS…

Dự kiến, một số nhóm ngành khác cũng sẽ có kết quả kinh doanh quý III khả quan là hàng tiêu dùng, cao su chế biến, dược phẩm, các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.

Đà hồi phục của thị trường sẽ sớm gặp trở ngại khi các chỉ số tiếp cận các ngưỡng kháng cự và áp lực chốt lời ngắn hạn từ các giao dịch trading T+ ngày càng gia tăng. Nhà đầu tư được khuyến nghị tuân thủ nguyên tắc trading cho danh mục ngắn hạn, bán ra khi chỉ số tiếp cận vùng điểm kháng cự, đồng thời có thể tái cơ cấu danh mục trung hạn sang các mã cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm.

Tiếp tục tăng điểm

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Thị trường tiếp tục có một phiên hồi phục mạnh về điểm số nhờ sự tăng điểm ấn tượng của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn sụt giảm mạnh do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn đang ở mức cao.

Chúng tôi cho rằng, ngày 22/10 có thể tiếp tục là phiên tăng điểm. VN-Index có thể tăng 5-6 điểm chạm ngưỡng MA20 sau đó giật lại, nhưng vẫn là một phiên tăng điểm. Thanh khoản giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư vẫn còn e ngại vào sự hồi phục của thị trường.

Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm về xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn do đó khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng với các quyết định trading T+. Đối với nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu 2-3 tháng có thể lựa chọn các cổ phiếu tốt, có dòng tiền bắt đáy và giải ngân với tỷ lệ thấp trong các phiên giảm điểm.

Kiên nhẫn đứng ngoài

CTCK BIDV (BSC)

Việc thị trường tăng điểm trong ngày 21/10 không nằm ngoài dự báo của chúng tôi về một đợt phục hồi kỹ thuật. Như đã đề cập trong báo cáo trước, trong quá trình giảm sẽ có những lần hồi phục để lôi kéo sự tham gia của nhà đầu tư. Điểm tích cực trong phiên 21/10 là những mã trụ như HPG PVD GAS đã giảm đà rơi mạnh. Điểm số mặc dù tăng nhưng khối lượng không tăng nhiều cho thấy lực cầu vẫn khá e dè, đặc biệt là tại những mức giá cao.

Không thể biết chắc chắn rằng sẽ có bao nhiêu đợt phục hồi kĩ thuật cho đến khi quá trình giảm kết thúc, có thể là 3-4 lần như đợt biển Đông, nhưng cũng có thể chỉ cần 1-2 lần. Để xác nhận sự thành công của một đợt hồi phục, chúng ta phải nhìn vào phản ứng của những mã dẫn dắt thị trường, khi nào những cổ phiếu đó dừng đà rơi và tích lũy trở lại, lúc đó tình hình thị trường chung mới bớt nguy hiểm. Quá trình này cần nhiều thời gian hơn là chỉ 1-2 phiên để xác nhận.

Vì những lý do nêu trên, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư kiên nhẫn đứng ngoài, hạn chế tham gia mua bán trong giai đoạn này. Nhà đầu tư nào còn cổ phiếu trong danh mục thì nên tận dụng những phiên tăng như hôm nay để bán. Chúng tôi sẽ khuyến nghị mua trở lại khi nhận thấy những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường trong thời gian tới.

Sẽ tiếp tục giao dịch giằng co

CTCK MB (MBS)

VN-Index có phiên tăng điểm mạnh nhờ sự tăng giá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi HN-Inxex tiếp tục sụt giảm phiên thứ 2 liên tiếp và đang là chỉ số phản ánh đúng trạng thái thị trường trong ngắn hạn.

Tại sàn HOSE, sự tăng giá mạnh của GAS, PVD, VIC, VNM là nguyên nhân chính giúp cho VN-Index tăng 11,31 điểm, trong khi đa số cổ phiếu tại sàn này vẫn giảm giá, chúng tôi cũng nhận thấy hiện tượng phân hóa khi những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quỹ 3 tốt đã tăng khá trở lại (một bộ phận dòng tiền đẩy mạnh mua các cổ phiếu này là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường được cải thiện so với phiên trước). Điều này trái ngược với diễn biến giao dịch ảm đạm tại sàn Hà Nội, đa số cổ phiếu vẫn giảm khá, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí, thanh khoản tại sàn này cũng suy giảm so với phiên trước.

Nhìn chung, thị trường phiên này tiếp tục ghi nhận trạng thái giao dịch thận trọng của đa số nhà đầu tư, mặt bằng giá cổ phiếu vẫn suy giảm so với phiên trước và việc VN-Index tăng mạnh cuối phiên do sự tăng giá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn chưa thực sự phản ánh đúng thực trạng thị trường. Với diễn biến này chúng tôi dự báo, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch giằng co, chỉ số ít biến động và giá cổ phiếu sẽ có sự phân hóa theo kết quả kinh doanh quý 3, do đó các hoạt động giải ngân cần được lựa chọn kỹ theo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Kỳ vọng thu hẹp biên độ rung lắc

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Hiệu ứng GAS tăng trần cùng với bluechip phần nào khởi sắc giúp VN-Index tăng vọt. Tuy nhiên, phiên tăng điểm ngày hôm nay chỉ mang ý nghĩa về mặt kĩ thuật khi nội tại thị trường vẫn chưa phát đi tín hiệu tích cực.

Cụ thể, tâm lý thận trọng vẫn đang là yếu tố khiến dòng tiền tham gia thị trường duy trì ở mức thấp. Ngoài ra, làn sóng thoái vốn của khối ngoại chưa có điểm dừng đang là trở ngại đáng kể cho quá trình phục hồi bền vững trong ngắn hạn. Điểm hỗ trợ đáng kể nhất hiện nay là BCTC quý III đang được công bố hàng loạt với kết quả nhìn chung khá tích cực dù hiện tượng phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành.

Điều này sẽ hạn chế mức độ rủi ro cho vị thế nắm giữ danh mục trung dài hạn, đặc biệt là các mã có kết quả kinh doanh khả quan. Chúng tôi cho rằng, quá trình phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu sẽ trở nên rõ nét hơn trong giai đoạn sắp tới. Theo đó, các chỉ số được kỳ vọng sẽ sẽ thu hẹp biên độ rung lắc trong những phiên tới. Nhà đầu tư lướt sóng tiếp tục được khuyến nghị thận trọng và duy trì tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục.

Rủi ro điều chỉnh giảm điểm vẫn hiện hữu

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Sức ảnh hưởng từ sự tăng điểm đồng loạt của các mã trụ giúp VN-Index tiếp tục có phiên tăng điểm ấn tượng. Trong khi đó, HNX-Index điều chỉnh trong biên độ hẹp do xu hướng bán ròng của nhóm các cổ phiếu trụ thuộc sàn này vẫn chưa có sự cải thiện.

Khối ngoại tăng vị thế mua, tập trung tại nhiều các mã Bluechips là tín hiệu tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, thanh khoản trên 2 sàn vẫn chưa có Chúng tôi đánh giá tâm lý thận trọng sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên giao dịch tới trong bối cảnh kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong ngắn hạn, rủi ro điều chỉnh giảm điểm vẫn hiện hữu, đặc biệt khi VN-Index đã tiệm cận mốc cản 600 và một vài mã dẫn dắt đã có xu hướng tăng mạnh trong 2 phiên vừa qua. Tuy nhiên, cơ hội giao dịch ngắn hạn dành cho các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao tiếp tục xuất hiện tại nhiều mã có thông tin hỗ trợ tích cực, có xu hướng vận động ổn định trở lại sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua.

Duy trì tỷ trọng tiền/cổ ở mức cân bằng

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Thị trường 2 phiên đầu tuần có diễn biến “cân bằng hơn” nếu so sánh với đà bán mạnh tuần trước. Góc nhìn ngắn hạn của chúng tôi dù vậy vẫn là thận trọng do dòng tiền chỉ hoạt động yếu và rủi ro khối ngoại gia tăng lại cường độ bán hoàn toàn có thể xảy ra.

Với nhìn nhận nêu trên, nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục duy trì tỷ trọng tiền/cổ ở mức cân bằng. Với nhà đầu tư trung dài hạn, việc tìm kiếm và tích lũy các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt được khuyến khích.

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục