Thị trường sôi động hơn đã giúp một số công ty chứng khoán (CTCK) có sự bứt phá mạnh mẽ.
CTCK Rồng Việt (VDSC) lội ngược dòng một cách ấn tượng, từ lỗ gần 1,3 tỷ đồng vào quý III năm ngoái đã chuyển sang lãi gần 42 tỷ đồng cùng kỳ năm nay. Tính chung 9 tháng đầu năm, CTCK này lãi hơn 50,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với chưa đến 4 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm ngoái.
VDSC dự kiến lợi nhuận của quý còn lại sẽ tương đương con số thực hiện trong cả 9 tháng đầu năm, và như thế, kết quả cả năm sẽ trên 100 tỷ đồng, cách xa kế hoạch ban đầu là 12 tỷ đồng. VDSC đang mau chóng “ngoi lên mặt đất” khi mà khoảng cách giữa vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ đang được rút ngắn dần; vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu hiện lần lượt là 350 tỷ đồng và 288 tỷ đồng.
Một trường hợp lội ngược dòng khác đó là CTCK Maybank Kim Eng (MBKE). CTCK này đã xoay chuyển cục diện kể từ sau khi chuyển thành 100% vốn nước ngoài vào tháng 1/2014. Quý III vừa qua, MBKE lãi hơn 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 7,4 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận đạt hơn 13,7 tỷ đồng, so với âm hơn 10,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. MBKE đã lọt vào Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE trong quý III vừa qua.
Do quý III năm nay CTCK ACB (ACBS) không có thu nhập đột biến từ hoạt động đầu tư như cùng kỳ năm trước, nên lợi nhuận năm nay chưa bằng một nửa của năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kết quả kinh doanh của ACBS vẫn khả quan khi lợi nhuận đạt 198,5 tỷ đồng, so với hơn 186 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu tổng hợp được từ 28 CTCK đã công bố báo cáo tài chính quý III, chỉ có 7 CTCK có lợi nhuận trên “chục” tỷ đồng. Bức tranh chung không chỉ có màu hồng khi mà tổng lợi nhuận quý III đạt hơn 204,3 tỷ đồng, thấp hơn so với 228,1 tỷ đồng cùng kỳ.
Đáng chú ý, CTCK VBPBank (VBPS) từ lãi gần 42,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước đã chuyển sang lỗ 4,8 tỷ đồng trong quý III năm nay. Lý do chủ yếu là năm trước VPBS có đột biến về doanh thu tư vấn nhưng năm nay thì không.
Ngoài 7 CTCK vừa đề cập và trường hợp đặc biệt của VPBS, các CTCK còn lại có lợi nhuận “lèo tèo” theo kiểu được chăng hay chớ. Chẳng hạn như CTCK Châu Á (ASC) lỗ triền miên nhưng quý vừa qua lãi được hơn 100 triệu đồng; tính chung 9 tháng vẫn lỗ hơn 2 tỷ đồng. Có 8 CTCK lãi chưa đến 1 tỷ đồng, thậm chí trong số này có 2 CTCK lãi dưới 100 triệu đồng.
Số CTCK thua lỗ nếu tính cả VPBS cũng là 8, trong đó CTCK Phố Wall (WSS) đứng đầu với lợi nhuận quý III âm 21,4 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng âm hơn 29,1 tỷ đồng. WSS cách “mặt đất” không xa khi vốn chủ sở hữu hiện nay ở mức gần 481,6 tỷ đồng và vốn điều lệ đang là 503 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh không mấy khả quan như vừa qua thì để “ngoi lên mặt đất” sẽ phải cần nhiều thời gian.
CTCK Đại Việt (DVSC) tiếp tục lỗ thêm hơn 2,3 tỷ đồng trong quý III sau khi đã lỗ hơn 19,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. DVSC là CTCK có lỗ 9 tháng đầu năm lớn thứ 2 sau WSS. DVSC ngày càng chìm sâu dưới “mặt đất” khi vốn điều lệ là 250 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 200 tỷ đồng. Đây cũng là CTCK còn sót lại đến thời điểm này vẫn chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2013.
Vẫn còn một số CTCK tiếp tục tồn tại mà không có định hướng gì rõ ràng. Chẳng hạn như CTCK Thành Công (TCSC) có vốn chủ sở hữu hơn 325,5 tỷ đồng, thấp hơn so với 360 tỷ đồng vốn điều lệ, và phần lớn nguồn vốn này được để dưới dạng tiền gửi ngân hàng từ nhiều năm nay. Thị trường lên hay xuống thì hàng quý CTCK này vẫn lãi vài ba tỷ đồng. Tất cả các mảng nghiệp vụ đều hoạt động cầm chừng. Quý nào TCSC “nhảy vào” tự doanh là quý đó lỗ ngay.
“Bi kịch” đối với nhiều CTCK yếu kém đó là lãnh đạo của chúng tin rằng, chúng có thể tiếp tục tồn tại với một thị trường sôi động như những tháng vừa qua. Tuy nhiên, số phận của những CTCK này dường như đã được đoán định khi mà thị trường dù có sôi động hơn cũng chẳng khiến kết quả kinh doanh của chúng cải thiện.