Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu năm 2008 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp, vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Danh sách cổ đông sáng lập gồm: Công ty Viễn thông và truyền hình An viên; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Dịch vụ truyền thanh truyền hình Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất chương trình nghe nhìn Nhân Văn; Công ty cổ phần Tổ chức biểu diễn Venus.
Đến thời điểm chuyển nhượng cổ phần cho Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), cơ cấu cổ đông của AVG chỉ còn 2 pháp nhân, gồm Công ty Viễn thông và truyền thông An Viên và Công ty TNHH Giải pháp tích hợp công nghệ cao, còn lại là các cổ đông cá nhân.
Đầu năm 2015, MobiFone xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình bằng cách mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.
Đến cuối năm 2015, thương vụ MobiFone mua 95% vốn cổ phần của AVG cơ bản hoàn tất và gây chú ý trong dư luận bởi giá trị M&A rất lớn, lên tới 8.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra thương vụ này và sau khi có kết luận điều tra, hồ sơ tài liệu chuyển tới cơ quan điều tra.
Cơ quan này xác định, trong quá trình thực hiện việc mua cổ phần, nhiều cá nhân ở Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone, AVG và một số đơn vị khác đã có nhiều sai phạm, gây thiệt hại tài sản lớn của Nhà nước.
AVG được xác định là thua lỗ liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu. Giai đoạn 2010-2015, lỗ lũy kế của AVG là hơn 1.634 tỷ đồng, chiếm 45% vốn điều lệ.
Đến ngày 31/12/2015, con số này nâng lên 1.963 tỷ đồng, chiếm 54% vốn. Tại thời điểm 31/3/2015, AVG có khoản phải thu 78,2 tỷ đồng, nợ phải trả và vay ngắn hạn 818 tỷ đồng, vay và nợ dài hạn 904 tỷ đồng; tổng tài sản trên báo cáo kiểm toán là 6.047,3 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định giá trị tài sản của AVG tính đến ngày 31/3/2015 là 3.103 tỷ đồng, trừ đi tổng nợ phải trả là 1.133 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng còn là 1.970 tỷ đồng.
Trên cơ sở này, cơ quan công tố xác định, tổng số thiệt hại từ thương vụ MobiFone mua lại AVG là hơn 6.500 tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi).
Dù kinh doanh kém hiệu quả, nhưng AVG có lợi thế khá đặc biệt so với các hãng truyền hình khác.
Cụ thể, AVG được cấp thí điểm 4 kênh tần số cao từ nhiều năm trước, các kênh này giúp cho tín hiệu truyền hình ổn định, hình ảnh rõ và không bị nhiễu.
Bản cáo trạng không nêu rõ thời điểm AVG được cấp 4 kênh tần số cao, cũng như thời điểm thí điểm kết thúc.
Nhưng cơ quan công tố cho rằng, 4 kênh này phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định tại Luật Tần số vô tuyến điện.
Thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã không thu hồi các kênh này để thực hiện đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng.
Theo quy định tại Điều 18 - Luật Tần số vô tuyến điện, có 3 phương thức cấp phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là cấp trực tiếp trên cơ sở hồ sơ xin cấp phép, đấu giá và cấp phép thông qua thi tuyển quyền sử dụng.
Đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện thì phải tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển.
Quá trình thực hiện dự án mua lại AVG, MobiFone có văn bản kiến nghị cho phép tổng công ty này tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ kinh doanh truyền hình và viễn thông.
Đáng chú ý, dù Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến về việc sử dụng các kênh tần số đã cấp, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn ban hành quyết định phê duyệt dự án.
Bộ này cũng không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng, mà cho phép MobiFone được tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông.
Cơ quan công tố cho rằng, 4 kênh tần số cao không được quy hoạch phát triển mạng viễn thông di động, nên việc Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép MobiFone được sử dụng các kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ cho hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông của Tổng công ty là không đúng.