Xét xử vụ AVG: Thẩm định viên “không làm nhưng vẫn ký”

(ĐTCK) Để nhận được hoa hồng, thẩm định viên Công ty AMAX không biết về thực trạng doanh nghiệp, không làm gì nhưng vẫn ký báo cáo thẩm định, chứng thư thẩm định giá.
Bị cáo Hoàng Duy Quang tại phiên tòa ngày 17/12 Bị cáo Hoàng Duy Quang tại phiên tòa ngày 17/12

Tại phiên tòa xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, bị cáo Hoàng Duy Quang, nguyên thẩm định viên Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX khai bị cáo chỉ ký vào báo cáo thẩm đinh, chứng thư thẩm định giá, bị cáo không làm gì.

Theo kết quả điều tra, Công ty AMAX là đơn vị được Mobifone chọn để xác định giá trị doanh nghiệp của AVG. AMAX xác định giá trị AVG theo 2 phương pháp: phương pháp tài sản là 16.565 tỷ đồng và phương pháp thu nhập là 17.184 tỷ đồng. Mobifone đã sử dụng kết quả thẩm định của AMAX để đàm phán với tổng mức đầu tư dự án này là 11.700 tỷ đồng.

Bị cáo Quang khai: bị cáo không phải định giá chuyên nghiệp, chưa làm bao giờ. Bị cáo không làm nhưng vẫn ký và tự làm không theo chỉ đạo của ai.  

Bị cáo Hoàng Duy Quang thừa nhận được hưởng thù lao của công ty. Nếu ký như vậy thì được hưởng 15% giá trị hợp đồng. Nếu bị cáo không làm thì chỉ được 5%, khoảng 18 triệu đồng “thêm tiền mua sữa cho con”.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Quang khai nhận “tìm mối” để AMAX ký hợp đồng xác định giá trị doanh nghiệp AVG với Mobifone. Bị cáo không tham gia thẩm định giá trị doanh nghiệp nhưng vẫn ký với tư cách là thẩm định viên trong chứng thư và báo cáo để được hưởng hoa hồng.

Tại tòa, bị cáo khai nhận không biết ai làm, không biết giá trị hơn 16.500 tỷ đồng được cấu thành như nào. Sau này có điều kiện xem lại hồ sơ đầu tư vào của Mobifine cung cấp bị cáo thấy là cao.

Trước sự truy vấn của chủ tọa, bị cáo thừa nhận đưa ra con số dựa vào báo cáo “anh em công ty làm nên bị cáo ký” do non kém chuyên môn nghiệp vụ. Bị cáo không có thực tế làm định giá doanh nghiệp, không xem tài liệu. Bị cáo nhận thức việc ký là không đúng.

Bị cáo Võ Văn Mạnh, nguyên Giám đốc Công ty AMAX đã ký chứng thư, báo cáo tư cách giám đốc.

Bị cáo Mạnh khai, nhận hợp đồng ký thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG với mục đích làm cơ sở xem xét quyết định việc mua bán doanh nghiệp, thời hạn thực hiện trong 7 ngày. Hồ sơ tài liệu về AVG do Mobifone cung cấp gồm tài sản lưu động, tài sản cố định, tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản vô hình đã được hạch toán và chưa hạch toán. Tài sản vô hình khoảng 13.400 tỷ đồng.

“Riêng tài sản vô hình xác định như thế theo cách hiểu của bị cáo thời điểm đó là hoàn toàn đúng”, bị cáo Mạnh khai.

Bị cáo Mạnh cho rằng, việc sử dụng phụ lục 02 của CTCK Vietcombank (VCBS) không xin phép là không đúng. Tài liệu là do Mobifone cung cấp, trên phụ lục có bút phê. AMAX không kiểm chứng tài liệu, không khảo sát doanh nghiệp, không kiểm kê phân loại.

Kết quả điều tra xác định, quá trình thực hiện dự án, Tổ giúp việc và Ban giám đốc Mobifone đã 5 lần đàm phán với AVG để xác định giá mua bán cổ phần.

Quá trình đàm phán, Phạm Nhật Vũ - đại diện cho AVG đã đưa ra mức giá trên cơ sở công ty nước ngoài trả giá mua AVG 700 triệu USD và AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu USD. 

Đây chỉ là thông tin do AVG đưa ra và không có cơ sở chứng minh nhưng vẫn được Tổ giúp việc, Ban giám đốc Mobifone đồng ý chấp nhận mà không đánh giá nội dung trên có căn cứ hay không.

Bên cạnh đó, Tổ giúp việc và Ban giám đốc đã sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỷ đồng làm căn cứ để đàm phán, thỏa thuận giá mua là không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy, vi phạm các quy định, các tiêu chuẩn thẩm định giá.

Việc thống nhất giá mua 95% cổ phẩn của AVG là 8.898,3 tỷ đồng đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 6.590 tỷ đồng.

Bùi Trang - Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục