Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Sau ngân hàng, dòng tiền sẽ chảy vào nhóm nào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền vẫn luôn luân chuyển rất nhanh giữa các nhóm ngành để tìm kiếm cơ hội, sau cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền sẽ hướng vào nhóm nào hay dòng bank vẫn là vua?
Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Sau ngân hàng, dòng tiền sẽ chảy vào nhóm nào

Thị trường đã có chuyển động khá tích cực cả về thanh khoản lẫn điểm số trong tuần qua khi chỉ số VN-Index ghi nhận tăng 25 điểm, chốt phiên cuối tuần ở mức 1.266,36 điểm. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng chuyển động của thị trường trong tuần tới?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong tuần vừa qua đã chạm lại vùng kháng cự thêm một lần nữa sau khi đã có bước tăng hơn 25 điểm. Điểm tích cực ở những phiên vừa qua là dòng tiền luân chuyển rất tốt giữa các nhóm cổ phiếu vì vậy thanh khoản chung vẫn đạt ở mức cao.

Thông thường tháng 5, 6 thị trường theo hướng đi ngang nhiều hơn do đi vào vùng trũng thông tin doanh nghiệp. Vì vậy, khả năng vnindex sẽ có khó có sự bức phá mạnh trong tuần tới mà chủ yếu đi ngang nhiều hơn. Các nhịp co giãn của index cũng có thể xem là cơ hội tốt để nhà đầu tư lướt sóng cổ phiếu ngắn hạn.

Ông Phan Dũng Khánh. Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Thị trường nhìn chung vẫn biến động trong biên độ hẹp những tuần gần đây. Giá trị giao dịch dù vẫn ở mức cao nhưng thanh khoản không có sự cải thiện, đặc biệt so với tháng 4 thì mức này còn thấp nữa.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài bán ròng, tin tốt là tự doanh mua ròng trở lại và nhà đầu tư cá nhân vẫn là bệ đỡ lớn của TTCK.

Do giá nhiều cổ phiếu hiện nay cao hơn nhiều lần so với năm ngoái dù VN-Index chỉ tăng gấp đôi nhưng HNX-Index còn tăng vài lần cho thấy cần có dòng tiền mạnh hơn nữa để thị trường tiếp cận các vùng đỉnh mới và trước mắt là kháng cự 1.280.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Xu thế tăng điểm của thị trường đã được khẳng định khi VN-Index vượt vùng kháng cự mạnh quanh 1.260 điểm, bất chấp diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên với những biến số hiện tại (thế giới, thiếu thông tin hỗ trợ...), khả năng tăng mạnh của thị trường sẽ khó xảy ra.

Khả năng đà đi lên của chỉ số trong tuần tới đây sẽ theo dạng bò chậm dần lên, đan xen các phiên tăng giảm đồng thời sẽ có sự phân hóa ngày càng rõ nét theo từng ngành nghề.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco.

Trong tuần tới theo tôi thị trường vẫn duy trì giao dịch đi ngang trong biên độ hẹp 1.230 – 1.280 điểm. Kịch bản thường thấy giai đoạn này là yếu tố “kéo trụ”, có thể tiếp tục trong các phiên tới.

Khối ngoại có thể tiếp tục duy trì bán ròng, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều tới thị trường. Các thông tin dịch bệnh Covid, nếu có ảnh hưởng thì chỉ mang tính thời điểm, khó tác động mạnh được tới thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng thị trường có thể duy trì đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự ngắn hạn 1.283 – 1.300 điểm, đây vẫn là vùng kháng cự mạnh và tôi cho rằng chỉ số VN-Index khó có thể vượt qua được vùng kháng cự này cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự này.

Thanh khoản vẫn duy trì tăng là một dấu hiệu tích cực, nhưng điều này cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư đặt băn khoăn về khả năng thị trường đang ở giai đoạn phân phối vùng đỉnh, cũng như mơ hồ khi biến động giá cổ phiếu không theo yếu tố cơ bản, mà đang theo yếu tố tâm lý. Đâu là góc nhìn của ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thanh khoản cao chứng tỏ dòng tiền vẫn đổ vào thị trường dồi dào, không những ở các cổ phiếu có động lực tăng tốt nhờ kết quả kinh doanh mà còn ở các nhóm cổ phiếu đầu cơ, lướt sóng ngắn. Dòng tiền luân chuyển liên tục giúp thị trường luôn sôi động và trải đều ở nhiều cổ phiếu và nhóm ngành khác nhau.

Năm nay, lợi nhuận chung của các doanh nghiệp tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ vì vậy tạo một lực hút tốt cho các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu có thể biến động ngắn hạn theo thị trường nhưng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì không sớm thì muộn giá sẽ phản ánh kết quả kinh doanh đúng giá trị thật.

Ông Phan Dũng Khánh. Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Thị trường đang bị phân hóa nặng khi mà nhiều phiên thị trường tăng nhưng số lượng mã giảm áp đảo, bên cạnh đó các mã cổ phiếu bluechip lớn như CTD, SAB, VNM... vẫn giảm đều đặn bất chấp thị trường tích cực những tuần qua. Điều này cho thấy đầu tư giai đoạn hiện nay khó hơn hẳn năm ngoái. Do đó, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn, đặc biệt các nhà đầu tư lớn không quá mặn mà gom hàng trong giai đoạn này.

Minh chứng là nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa ngừng bán ròng và tự doanh, nhà đầu tư tổ chức gia tăng bán ròng trong năm nay. Dù có thêm dòng tiền mới từ một số quỹ nhưng dòng vốn rút ra có xu hướng áp đảo hơn thể hiện ở nhiều phiên bán ròng.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Không hẳn thanh khoản đang trên đà tăng, thậm chí nếu so sánh với thời điểm cách đây 1-2 tháng (xuất hiện các phiên giao dịch tỷ USD), mặt bằng thanh khoản hiện tại có sự sụt giảm đáng kể. Thị trường cũng đang ở vùng trũng thông tin (cả về vĩ mô, doanh nghiệp), do vậy sức mạnh của dòng tiền sẽ là sự chi phối chính tới biến động giá cổ phiếu.

Nhà đầu tư lướt sóng thời điểm này nếu xác định danh mục đúng với xu hướng dòng tiền thì vẫn đang đem lại lợi nhuận. Ví dụ tại thời điểm hiện tại, các cổ phiếu thuộc ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán) hay ngành thép vẫn đang cho sức tăng tốt hơn so với phần còn lại.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco.

Thanh khoản tăng một phần do nhà đầu tư quay trở lại giao dịch sau giai đoạn nghỉ lễ 30/4 - 1/5; bên cạnh đó việc Covid lây lan trở lại trong cộng đồng cũng gây e ngại cho nhà đầu tư khi muốn điều chuyển dòng tiền sang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Biến động giá cổ phiếu giai đoạn vừa rồi, theo tôi vẫn có yếu tố cơ bản, vì mặc dù thị trường tăng tốt trong 2 tháng gần đây nhưng chủ yếu đến từ ngành ngân hàng hoặc các mã vốn hoá lớn có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Nhóm vốn hoá vừa và nhỏ theo thống kê thì giảm điểm chiếm đa số.

Góc nhìn của tôi giai đoạn này thì những mã bluechip, có thương hiệu, uy tín tốt vẫn sẽ hút dòng tiền, ngược lại những mã nhỏ, kém tên tuổi, ít hoạt động pr/truyền thông, có thể sẽ lình xình giảm điểm.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Mặc dù thanh khoản vẫn duy trì tích cực, nhưng dòng tiền không có lan tỏa đều ở nhiều nhóm cổ phiếu mà chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt phần lớn chủ yếu là nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán và Thép cho thấy độ rộng thị trường kém tích cực. Vì vậy, đà tăng của thị trường sẽ khó bền vững trong ngắn hạn. Đồng thời, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn cũng trở nên khó khăn hơn.

Tuần qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn, đặc biệt phiên cuối tuần, khối này bán ròng tổng giá trị hơn 1.670 tỷ đồng và cũng là phiên bán ròng mạnh nhất trong vòng 4 tháng qua, tập trung chủ yếu các Bluechips như VIC, CTG, MBB, HPG… Điều này có tác động nhiều đến tâm lý thị trường không?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khối ngoại thời gian vừa qua có một chuỗi bán ròng khá dài và liên tục ở nhiều mã cổ phiếu. Dĩ nhiên trong ngắn hạn có thể không ảnh hưởng nhiều nhưng nếu kéo dài thì cũng tác động đáng kể đến dòng tiền đầu tư vào cổ phiếu đó.

Còn xét về tổng thể chung toàn thị trường thì dòng tiền khối ngoại hiện nay chỉ còn chiếm dưới 10% giao dịch hàng ngày vì vậy, dù có những phiên bán mạnh nhưng phần lớn là giao dịch thoả thuận và áp lực chung cũng không lớn đủ để làm chao đảo thị trường như trước đây.

Ông Phan Dũng Khánh. Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Tâm lý thị trường vốn quen với việc bán ròng này từ năm ngoái, do đó thị trường vẫn lên đều đặn bất chấp Covid cũng như khối ngoại bán ròng liên tiếp.

Tuy nhiên, giai đoạn này, với nhiều cổ phiếu tăng giá gấp nhiều lần năm trước, một số đạt đỉnh lịch sử chưa có dấu hiệu dừng lại thì nếu chỉ có dòng tiền nhà đầu tư cá nhân, F0 là chủ đạo, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức duy trì lực bán khiến thị trường thiếu đi sự đồng thuận. Vì thế nếu điều này tiếp tục duy trì trong những tuần tới sẽ tạo áp lực ngày càng đè nặng lên xu hướng tích cực của thị trường hoặc ít nhất cũng ngăn cản xu hướng tăng như việc chỉ số biến động trong biên độ khá hẹp những tuần gần đây.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Không chỉ tác động về mặt tâm lý, việc khối ngoại bán ròng liên tục với giá trị rất lớn trong thời gian qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền trên thị trường. Nếu dòng tiền không có sự bù đắp từ các nguồn khác (như F0), tác động đáng kể sớm hay muộn cũng sẽ tới.

Bên cạnh đó, diễn biến 1 số cổ phiếu trụ cột thời gian qua bị tác động khá tiêu cực và có biến động giá trái ngược so với xu thế của thị trường như VNM, VRE... có thể ảnh hưởng tới chỉ số chung.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco.

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Đóng góp của khối ngoại vào thanh khoản thị trường đã không còn lớn như giai đoạn trước (từ mức 10 - 20% các tháng trước về mức dưới 10% giai đoạn hiện tại).

Quan sát có thể thấy, mặc dù khối ngoại liên tục bán ròng mạnh nhưng dòng tiền nội rất mạnh và cân lại được toàn bộ, thậm chí giúp Index tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Giai đoạn này theo tôi cần quan sát kỹ chỉ tiêu về số tài khoản mở mới hàng tháng của VSD, khi con số tài khoản mở mới của nhà đầu tư có dấu hiệu sụt giảm thì cũng là lúc cần cẩn trọng.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Khối ngoại đã bán ròng 3.627 tỷ trọng tuần giao dịch vừa qua, đây cũng là tuần bán ròng mạnh nhất kể từ tháng 4/2021 đến nay. Tuy nhiên, xét từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ lệ giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm 8,56% giá trị giao dịch toàn thị trường cho thấy khối ngoại không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường.

Mặc dù không tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhưng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đã giảm xuống còn 17,71% cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp biến động mạnh do bị tác động bởi chính các nhà đầu tư cá nhân.

Đúng như dự báo, dòng cổ phiếu thép đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau một đợt sóng khá dài vừa qua. Ngoài dòng “Bank” vẫn là tâm điểm của thị trường thì dòng tiền manh nha chuyển sang cổ phiếu phân bón như DPM, DCM, BFC, VAF… luân phiên nhau tìm các cơ hội. Việc giá nhiều nguyên vật liệu có xu hướng tăng giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi, cổ phiếu cũng chuyển động theo hướng tích cực. Ở thời điểm này, nếu đầu tư vào các cổ phiếu của ngành sản xuất nguyên liệu nói chung, nhà đầu tư cần lưu ý điểm gì, theo các ông/ bà? Và cụ thể, ngành nào đang còn nhiều triển vọng?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các cổ phiếu ngành nguyên vật liệu năm nay có nhiều điểm thuận lợi nhờ vào sự biến động nguồn cung lớn của toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng lên. Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp ngành này tăng trưởng mạnh đã chứng minh qua kết quả quý I vừa qua và khả năng còn tiếp tục trong quý 2 và 3 sắp đến.

Việc đầu tư vào những cổ phiếu đã tăng giá từ 50% đến vài lần là điều cần cân nhắc liên quan đến mức dự báo khả năng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm có thể đạt được bao nhiêu và cả khả năng tăng trưởng dài hạn sau đó.

Việc định giá tốt sẽ giúp nhà đầu tư quyết định mức giá nào là phù hợp và việc giải ngân hiện tại có rẻ hay không. Nhìn chung các nhóm ngành thép, phân bón, dệt may năm nay vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư tốt dù giá đã tăng khá nhiều trong đợt vừa qua.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Mối lo lạm phát bắt đầu tăng lên trên toàn thế giới không chỉ riêng Việt Nam trong bối cảnh nới lỏng tiền tệ, chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó, kinh tế phục hồi mạnh ở các nước lớn như Mỹ đẩy giá cả leo thang trong khi nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó. Nghĩa là một số ngành nghề hưởng lợi từ việc lệch pha này chứ không phải từ những yếu tố bền vững xuất phát từ kinh tế. Do các đặc điểm này những ngành nghề trên chỉ nên đầu tư ngắn hạn do việc hưởng lợi thiếu yếu tố bền vững.

Còn những ngành triển vọng là những ngành có yếu tố tương lai, nghĩa là nắm bắt được xu hướng phát triển nhưng số hóa, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh (không giới hạn ở lĩnh vực nào), công nghệ xanh, năng lượng sạch... sẽ là những doanh nghiệp đáng để nhà đầu tư lưu tâm và thu hút dòng tiền trong thời gian tới.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Dòng tiền vẫn luôn luân chuyển rất nhanh giữa các nhóm ngành để tìm kiếm cơ hội, dù thép hay phân đạm.. thì giá nguyên vật liệu thế giới vẫn luôn cần được theo dõi sát sao cho các mục tiêu lướt sóng ngắn hạn, bên cạnh đó động thái bình ổn thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần được chú ý.

Các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt thuộc các ngành được dự báo sẽ duy trì được đà tăng trưởng trong các năm tới thường sẽ là điểm đến tiếp theo của dòng tiền. Do vậy, ngoài nhóm phân đạm đang quay trở lại chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của các ngành như phát triển khu công nghiệp, dịch vụ viễn thông, dược phẩm và thiết bị y tế.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco.

Ngành thép hưởng lợi lớn từ việc giá bán thép xây dựng tăng mạnh từ đầu năm. Tuy nhiên tôi lưu ý đây là ngành có tính chu kỳ, việc tăng giảm giá đầu vào/đầu ra sẽ được trung hoà trong trung và dài hạn.

Giá cổ phiếu cũng đã tăng mạnh từ đầu năm, phản ánh giá trị doanh nghiệp tăng lên tương ứng. Chỉ số định giá nhìn có vẻ rẻ do lợi nhuận tăng mạnh, nhưng khi giá hàng hoá đảo chiều thì con số P/E sẽ tăng lên rất nhanh.

Xét về nhóm ngành triển vọng, tôi vẫn duy trì view tích cực với ngành ngân hàng nhờ lợi nhuận năm nay rất tốt, bên cạnh đó nhà đầu tư có thể chú ý tới nhóm ngành dịch vụ/hàng không/logistics. Theo tôi các nhóm ngành này sẽ có sự thay đổi đáng kể về core trong thời gian tới, nhất là sau khi đã bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng giá hàng hóa đã tăng rất nóng trong thời gian qua do ảnh hưởng từ nguồn cung bị gián đoạn và dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại các nước trong khu vực châu Á, nhưng các hiện tượng này chỉ mang tính ngắn hạn và dự báo cung có thể sẽ sớm tăng trở lại kể từ tháng 5 khi đỉnh điểm dịch bệnh tại châu Á đang dần được xác lập.

Do đó, nhóm cổ phiếu sản xuất nguyên vật liệu cơ bản có thể sẽ sớm hạ nhiệt trong giai đoạn tới cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế gia tăng thêm tỷ trọng ở nhóm này và có thể xem xét chốt lời một phần tỷ trọng.

Tôi cho rằng nhóm ngành còn triển vọng phải kể đến vẫn là dòng Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Hóa chất và Bán lẻ.

Trong khi đó, một số khuyến nghị cho rằng, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường quan sát thêm, còn nếu vẫn đánh cược giải ngân, nên ưu tiên nhóm vốn hóa lớn, vì chính những mã này đang kéo Index. Còn ông/bà chọn chiến lược nào?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Chỉ số Index hiện nay đang ở vùng kháng cự khá cao vì vậy nhà đầu tư nên giữ trạng thái chờ đợi các nhịp điều chỉnh để giải ngân trở lại sẽ an toàn hơn. Các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, nguyên vật liệu, phân phối tiếp tục dẫn đầu thị trường nên ưu tiên nắm giữ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Việc ưu tiên đầu tư vào nhóm blue chip cũng là chiến lược đầu tư hay vì nhiều cổ phiếu trong nhóm này vẫn đang vận động rất tốt như NVL, MSN, CTG, VIC, VPB ... việc chọn đúng mã blue chip đầu tư vừa an toàn cũng có thể tạo lợi nhuận ngắn hạn so với việc đầu tư dàn trải mà không nắm rõ sẽ kém hiệu quả hơn.

Ông Phan Dũng Khánh. Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Mã vốn hóa lớn phân làm 2 nhóm, nhóm tăng mạnh giá ngày càng cao như thép, nhưng nhóm yếu như VNM, SAB, TDH, CTD... Do đó, nhà đầu tư vẫn có thể bị thua lỗ nặng nếu chọn đúng nhóm xuống khi những cổ phiếu này cũng là bluechip nên được margin cao.

Do đó, chiến lược tốt nhất là không cần biết vốn hóa nhiều hay ít, chỉ cần thanh khoản tốt, thu hút được dòng tiền, tùy vào chiến lược của nhà đầu tư là lướt sóng ngắn hạn hay nắm giữ trung dài hạn mà quan sát các dòng tiền phù hợp ở từng nhóm thì sẽ có giúp nhà đầu tư có quyết định chính xác hơn.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng xu hướng tăng của thị trường trong giai đoạn này đã bắt đầu chậm lại, biên lợi nhuận từ việc lướt sóng cũng đã hẹp dần đồng thời rủi ro cổ phiếu điều chỉnh giảm (khi không chọn đúng mã cổ phiếu) cũng ngày càng lớn dần.

Còn nếu đã chấp nhận “đánh bạc”, nên hạn chế sử dụng đòn bảy tài chính, và danh mục lướt sóng cần linh hoạt theo sự dịch chuyển của dòng tiền ngắn hạn, hiện tại các nhóm ngành đang thu hút sự chú ý của dòng tiền là các cổ phiếu Bluechips thuộc các ngành Ngân hàng, Chứng khoán, Thép.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco.

Tôi đồng ý với chiến lược này. Nhóm vốn hoá lớn vẫn là trụ kéo thị trường trong 2 tháng vừa rồi, và được hỗ trợ rất lớn từ các nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Trong trường hợp xấu, khi lực bán thắng thế thì với hiệu ứng FOMO (Fear of missing out) đang lan toả không chỉ ở Việt Nam mà cả ở toàn cầu; những cổ phiếu này cũng khó giảm sâu.

Về mặt dài hạn, những cổ phiếu đầu ngành, bluechips, mặc dù có thể mua tại vùng định giá cao nhưng nhìn chung nếu kiên nhẫn nắm giữ thì khả năng cao vẫn có lãi.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng các nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp dưới 40% và chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp cho các cơ hội ngắn hạn. Đối với vị thế trung hạn, các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ và hạn chế giải ngân trong giai đoạn này hoặc xem xét bán ra một phần tỷ trọng cổ phiếu.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ