Giá lương thực liên tục tăng, mã nào hưởng lợi?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá lương thực, đặc biệt là gạo, không ngừng tăng lên, giúp nhiều doanh nghiệp hưởng lợi như LTG, PAN...
Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo.

Đại dịch khiến giá lương thực tăng cao

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 3/2021 tăng 2,1% so với tháng 2, đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ 10 liên tiếp và ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014.

Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Trong khi đó, nguồn cung bị gián đoạn vì dịch bệnh, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và USD suy yếu. Đây là nguyên nhân chính khiến giá lương thực tăng cao.

Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp diễn trong thời gian tới do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi, trong khi sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu thúc đẩy nhu cầu về lương thực.

Bên cạnh đó, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu lúa mì và ngô ở mức cao, ước tính lần lượt là 8,5 triệu tấn và 16,5 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021, để phục vụ hoạt động tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Đây cũng là nguyên nhân đẩy giá ngũ cốc tăng vọt trong 8 tháng liên tiếp.

Dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối năm 2021 được FAO dự báo sẽ giảm 1,7% so với năm ngoái, xuống 808 triệu tấn; tỷ lệ dự trữ ở mức 28,4%, thấp nhất trong 7 năm.

Tổ chức này nâng dự báo về giao dịch thương mại ngũ cốc thế giới trong niên vụ 2020/2021 lên 466 triệu tấn, tăng 5,8% so với niên vụ trước, một phần là do Trung Quốc nhập khẩu ngô cao kỷ lục. Đối với mặt hàng gạo, dự báo thương mại quốc tế sẽ tăng 6%.

Người mừng

Giá gạo và đường tại Việt Nam trong quý đầu năm nay tăng lần lượt 18,6% và 31,8%, giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất hai mặt hàng này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đột biến.

Cụ thể, kết thúc quý I/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đạt doanh thu thuần hợp nhất 2.397 tỷ đồng, tăng 227,1% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu từ lương thực tăng 204%, đạt 605 tỷ đồng, chiếm 25% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 184 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 37 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN), quý I năm nay, mảng giống và nông sản ghi nhận lợi nhuận tăng 111% so với cùng kỳ.

Đối với Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS), quý I/2021 ghi nhận doanh thu từ mảng sản phẩm đường tăng 55% so với cùng kỳ, đạt 408 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp mảng này ghi nhận 49,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 3 tỷ đồng.

Góp phần vào kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp mía đường là quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời của Bộ Công thương đối với đường thô và đường tinh luyện có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế cho hai sản phẩm lần lượt là 44,88% và 33,88%, có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày 16/2/2021. Mức thuế chính thức được kỳ vọng sẽ tương đương với mức thuế tạm thời hiện tại.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo, thị trường đường thế giới trong niên vụ 2020-2021 sẽ chuyển từ tình trạng cung vượt cầu sang cung không đáp ứng đủ nhu cầu, với mức thiếu hụt khoảng 3,5 triệu tấn. Do vậy, giá đường thế giới nhiều khả năng duy trì xu hướng tăng trong năm 2021.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới. Niên vụ 2020 - 2021, sản lượng đường Việt Nam vẫn thuộc về đường nhập khẩu do nguồn cung nội địa thấp.

Với xu hướng tăng giá hiện tại, các công ty sản xuất gạo và đường được nhận định sẽ mở rộng biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn tiếp theo.

Bà Hà Thu Hiền, chuyên gia phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định: “Với xu hướng tăng giá hiện tại, các công ty sản xuất gạo và đường sẽ mở rộng biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành đường còn được hưởng lợi từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá”.

Các công ty phân bón cũng được kỳ vọng hưởng lợi gián tiếp từ nhu cầu tăng cao do nông dân tăng cường sản xuất để tận dụng xu hướng giá lương thực tăng.

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) là hai cái tên đáng chú ý. Mặc dù vậy, DCM và DPM vẫn đối mặt với yếu tố bất lợi là giá khí đốt toàn cầu tăng cao làm tăng giá vốn hàng bán của mặt hàng phân bón.

Kẻ lo

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn tại Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu sữa bột, ngũ cốc, dầu thực vật. Vì thế, giá các nguyên liệu này tăng cao làm cho không ít doanh nghiệp gặp khó khăn.

Mảng đường của QNS tăng trưởng mạnh, nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh mảng sữa đậu nành sụt giảm khi giá đậu nành bình quân trong quý I/2021 ước tính tăng trên 40% so với mức giá bình quân năm 2020.

Với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), gần 70% nguyên liệu sữa tươi được nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Giá sữa bột tăng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong quý I/2021: doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 7% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM cho biết, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sức mua thị trường giảm sút, VNM bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu thế giới năm nay tăng cao chưa từng có.

VCBS nhận định, đợt tăng giá này sẽ ảnh hưởng rõ rệt hơn đến chi phí nguyên liệu của VNM trong nửa cuối năm 2021 do Công ty đã chốt giá sữa bột (gần như không đổi so với cùng kỳ) cho hoạt động sản xuất đến tháng 6/2021 vào cuối năm 2020.

Trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi nguyên liệu thông thường chiếm 80 - 85% giá thành sản xuất.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn từ năm 2015 đến quý III/2020, giá nguyên liệu nhìn chung ổn định. Giá các loại nguyên liệu chính của thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng từ tháng 10/2020 và tăng cao đến thời điểm hiện nay, với mức tăng trung bình từ 30 - 35%, giá ngô và giá đậu tương có mức tăng cao hơn.

Về giá bán sản phẩm, tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước có 5 - 6 đợt tăng, với mức tăng 200 - 300 đồng/kg/lần, tổng cộng tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg, tùy từng loại, tương đương tăng 10 - 15%.

Giá thành phẩm tăng không tương xứng với giá nguyên liệu đầu vào khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp suy giảm. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) có biên lợi nhuận gộp giảm từ 26% xuống 25,4% trong quý I/2021. Tương tự, Công ty cổ phần Masan MEATLife (MML) có doanh thu và lợi nhuận tăng, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,5% xuống 14,2%.

Tại Công ty cổ phần Chăn nuôi - Mitraco (MLS), trong ba tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận trên 106 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế giảm 19%, còn 18 tỷ đồng.

Theo Cục Chăn nuôi, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính chưa có dấu hiệu sẽ giảm trong quý II/2021, nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm nhiều khả năng tăng thêm 5 - 10% (500 - 1.000 đồng/kg).

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục