Nhóm cổ phiếu thực phẩm và ngân hàng có thể dẫn dắt đà tăng

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index và HNX-Index đang nằm trong Top 15 thị trường chứng khoán châu Á tăng trưởng tốt nhất. Triển vọng thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn do có nhiều yếu tố hỗ trợ. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Tâm lý nhà đầu tư toàn cầu lạc quan trở lại sau thời gian cách ly xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, số lượng việc làm bổ sung tại Mỹ tăng đột biến trong tháng 5/2020.

Các ngân hàng trung ương tiếp tục đưa ra các gói kích thích nhằm hồi phục nền kinh tế và tránh các đợt suy thoái mạnh, điều này đúng như kỳ vọng của chúng tôi về các gói chính sách tiền tệ và tài khóa đang thực hiện vai trò đảm bảo thanh khoản của thị trường và nền kinh tế.

Giá dầu Brent đã có tuần tăng mạnh mẽ sau khi OPEC dự kiến kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng, điều này có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu.

Tuy nhiên, xét về yếu tố dài hạn, sức tiêu thụ gia tăng mới là bài toán giải quyết chính cho xu hướng của giá dầu trong tương lai.

Hàng không và dầu khí là những lĩnh vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP của các quốc gia, nhất là các nước Trung Đông và Đông Nam Á. Do đó, đà đi xuống của giá dầu cũng khiến dòng tiền đầu tư toàn cầu dịch chuyển từ châu Á sang Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có chuỗi tăng kéo dài và điểm tích cực nhất là phần lớn các chỉ số chính đều vượt đường trung bình 200 ngày, cho thấy niềm tin trong dài hạn của thị trường cổ phiếu đang quay trở lại và vì thế dòng tiền dịch chuyển ra khỏi các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu sang thị trường cổ phiếu.

Ngoài ra, đà tăng của thị trường chứng khoán kèm khối lượng giao dịch gia tăng cho thấy xu hướng tăng ngắn và trung hạn có thể sẽ được củng cố.

Thị trường chứng khoán được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, diễn biến tăng của thị trường cho thấy sự kỳ vọng cao đối với đà hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế sau dịch bệnh. Mặc dù các gói kích thích kinh tế chưa thể phát huy hiệu quả ngay, nhưng đây là bàn đạp để nền kinh tế có thể nhanh chóng vận hành bình thường trở lại.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng cũng tạo ra lợi thế cho các quốc gia đang phát triển khác khi Trung Quốc vẫn đang là thị trường phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ và châu Âu.

Dự báo, GDP năm 2020 của Việt Nam tăng khoảng 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là 6,8% do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, mức tăng trưởng tín dụng có thể chỉ đạt 9 - 10% trong năm nay. Nhưng tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tích cực nhất so với khu vực và thế giới nhờ vào hiệu quả của các biện pháp chống dịch và các chính sách hỗ trợ kịp thời cho nền kinh tế.

Chỉ số VN-Index và HNX-Index hiện nằm trong Top 15 thị trường chứng khoán châu Á tăng trưởng tốt nhất năm 2020.

Khối ngoại giảm bán ròng trong tháng 4 và tháng 5, đặc biệt có khuynh hướng mua ròng ở các quỹ ETF nội mới niêm yết. Các chứng chỉ quỹ ETF mới chủ yếu nắm giữ các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết, tạo điều kiên thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng nắm giữ ở nhóm cổ phiếu này.

Trong tương lai, các quỹ truyền thống không còn đạt hiệu quả thì dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển qua các quỹ ETF. Do đó, để thu hút dòng tiền khối ngoại quay trở lại thị trường sau làn sóng rút vốn kỷ lục trước đó thì việc niêm yết thêm nhiều chứng chỉ quỹ ETF sẽ là giải pháp hiệu quả.

Trong ba tháng vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự gia tăng các tài khoản mở mới, với hơn 100.000 tài khoản, cho thấy các nhà đầu tư trong nước quan tâm nhiều hơn đến thị trường này, đặc biệt là khi dòng vốn giá rẻ ngoài thị trường trở nên dồi dào và các kênh đầu tư khác giảm sức hấp dẫn.

Trong khi đó, với tình hình vĩ mô ổn định nhất và không bị suy thoái như các nền kinh tế khác, giá nhiều cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh đầu tư đặc biệt hấp dẫn.

Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển FDI và các hiệp định thương mại tự do cũng tạo ra động lực tăng trưởng mạnh cho Việt Nam.

Chỉ số VN-Index đang giao dịch gần ngưỡng 900 điểm và đường trung bình 200 ngày, báo hiệu thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc.

Nhưng điểm tích cực là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (Midcap) và vốn hóa nhỏ (Smallcap), cho thấy dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường và xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường nhiều khả năng được củng cố.

Ngành sản xuất thực phẩm và ngân hàng được xem là nhóm cổ phiếu dẫn dắt chính đà tăng của thị trường.

Bài viết theo sự cộng tác của CTCK Yuanta Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục