Thực phẩm, xây dựng, vật liệu xây dựng dự báo tiếp tục thu hút vốn ngoại

(ĐTCK) Hơn 3.725 tỷ đồng là số tiền khối ngoại đã chi ra để mua ròng trên TTCK Việt Nam trong quý I/2017. Theo nhiều dự báo, giao dịch khối ngoại sẽ tiếp tục là “bệ đỡ” quan trọng cho đà tăng của chỉ số trong thời gian tới.
Thực phẩm, xây dựng, vật liệu xây dựng dự báo tiếp tục thu hút vốn ngoại

Ngắn hạn: xu hướng mua ròng sẽ tiếp diễn

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), tính đến hết tháng 3/2017, trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8 triệu đơn vị, nhưng xét về giá trị, khối ngoại mua ròng hơn 3.276 tỷ đồng. Tính chung cả 2 sàn, giá trị mua ròng của khối ngoại đạt hơn 3.725 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, khối ngoại bán ròng trong năm 2016 mang tính chất kỹ thuật, không ảnh hưởng đến xu hướng giao dịch của khối nàu trong 3 tháng đầu năm nay. Quý I/2017, khối ngoại mua ròng mạnh nhất kể từ năm 2014 đến nay, trong đó mua ròng tập trung vào ngành thực phẩm và đồ uống, với 3 cổ phiếu nổi bật là VNM, SAB và MSN. Ngược lại, xu hướng trong vòng 2 năm trở lại đây, nhóm ngành dầu khí và bất động sản tiếp tục trong Top bán ròng của khối ngoại.

Bên cạnh đó, giao dịch sôi động của khối ngoại đến từ 2 quỹ ETF khi 2 quỹ này thực hiện tái cơ cấu danh mục trong tháng 3 vừa qua. “Hiện chưa có thông tin về khả năng thay đổi xu hướng mua ròng của khối này, ít nhất là trong ngắn hạn”, VDSC nhận định.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán ACBS cho biết, thị trường chứng khoán luôn biến động, nhưng xu hướng mua ròng của khối ngoài diễn ra đều đặn. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 4/4/2017, khối ngoại đã mua ròng liên tiếp 12 phiên. Theo ACBS, dòng vốn ngoại dự kiến được duy trì trong thời gian tới, đóng vai trò làm bệ đỡ quan trọng cho cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index.

Doanh nghiệp ngành thực phẩm, xây dựng, vật liệu xây dựng dự báo tiếp tục thu hút vốn ngoại

Nhìn lại lịch sử giao dịch của khối ngoại, theo VDSC, xu hướng của chỉ số không hẳn là yếu tố tác động lên quyết định giao dịch của khối ngoại. Chẳng hạn, trong năm 2015, có nhiều khoảng thời gian thị trường giảm nhưng khối ngoại vẫn mua ròng. Ngược lại, năm 2016, chỉ số tăng gần như liên tục trong năm nhưng khối ngoại vẫn bán ròng. Ngoại trừ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số nên xu hướng của VN-Index ảnh hưởng lớn đến giao dịch, thì các quỹ ngoại khác chủ yếu chọn lọc cơ hội đầu tư ở từng cổ phiếu/nhóm cổ phiếu.

Cụ thể, trong Top mua ròng trên sàn HOSE và HNX của khối ngoại tháng 3, sự chọn lọc thể hiện khá rõ. Ngoại trừ ROS, NVL là giao dịch chủ yếu của ETF thì các mã khác như VNM, HPG, VJC, MSN, VIC, DBC, VGC… đều là những doanh nghiệp mà kết quả kinh doanh có xu hướng tích cực.

Theo đó, thực phẩm, xây dựng, vật liệu xây dựng, tài nguyên cơ bản (thép) dự báo tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu sáng lên.

Ở khía cạnh khác, tương quan giữa hoạt động của khối ngoại và diễn biến của VN-Index trong những năm gần đây cho thấy, nhà đầu tư trong nước ngày một hiểu sâu hơn về hoạt động mua/bán của khối ngoại. Thị trường diễn biến tích cực là cộng hưởng từ cả 2 khối, nội lẫn ngoại, chứ không còn đơn thuần như trước đây “khối ngoại tác động tâm lý lên nhà đầu tư nội”.       

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục