Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Vì sao thị trường hay bị “đánh úp” ATC?

(ĐTCK) Thị trường trong nhiều tuần trở lại đây thường tạo ra những lo lắng cho nhà đầu tư trong đợt khớp lện ATC, bởi lệnh bán mạnh được tập trung mạnh trong đợt này. Vì sao lại xuất hiện hiện tượng này và nó tác động như thế nào tới thị trường. Cùng nhà báo Hải Vân tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn trong tuần này.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Vì sao thị trường hay bị “đánh úp” ATC?

Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/11/2014. Theo đó, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa buộc phải lên sàn niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Nguồn cung “hàng hóa” dồi dào sẽ tác động đến TTCK ra sao, theo ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, quyết định này sẽ tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực. Nhiều nhà đầu tư lo lắng nguồn cung nhiều sẽ làm “loãng” thị trường, nhưng theo tôi, điều này không đáng lo, vì nếu doanh nghiệp tốt mới thu hút được dòng tiền quan tâm, còn không vẫn ế như chúng ta vẫn thường nhìn thấy trên TTCK, vào những phiên giao dịch tích cực nhất vẫn có nhiều mã giao dịch rất ít thậm chí không hề có giao dịch.

Điểm tích cực theo tôi sẽ hút thêm các dòng tiền mới, ví dụ như của cán bộ nhân viên của bản thân doanh nghiệp đó, các nhà đầu tư mới, như các tổ chức tài chính, hay dòng tiền từ các kênh khác như vàng, tiết kiệm.

 Mặc dù TTCK vẫn đang phát triển, nhưng nhiều tổ chức tài chính lớn vẫn chia sẻ với tôi những dòng tiền lớn vẫn vào Việt Nam rất hạn chế, chủ yếu các dòng tiền vừa và nhỏ mà thường lựa chọn thị trường Hồng Kông, Singapore hay ít nhất là Thái Lan.  Bởi vì, những quỹ hay tổ chức tài chính quản lý tài sản hàng chục hay hàng trăm tỷ USD chưa hề có mặt tại Việt Nam, vì hàng hóa trên TTCK chúng ta chất lượng kém hơn, đồng thời vốn hóa của các doanh nghiệp đối với họ là nhỏ.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Vì sao thị trường hay bị “đánh úp” ATC? ảnh 1

 Ông Phan Dũng Khánh

Những doanh nghiệp lớn, tiềm năng thì Nhà nước nắm cổ phần chi phối quá lớn, như GAS. Những tổ chức tài chính chỉ cần mang vài trăm triệu USD vào Việt Nam cũng đã được xem là rất lớn rồi. Bởi thế, việc thêm nhiều hàng hóa lên thị trường với chất lượng cao thì vẫn là điều tích cực giúp các tổ chức tài chính lớn dễ tham gia vào thị trường hơn đồng thời tạo hiệu ứng kéo theo các dòng tiền từ các kênh khác lẫn nhà đầu tư cá nhân chưa đầu tư cũng sẽ mạnh dạn tham gia vào TTCK.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank

Cụ thể của quy định này, các doanh nghiệp cổ phần hóa sau ngày 1/11/2014 phải có kế hoạch tham gia giao dịch tập trung trên UPCoM trong vòng 90 ngày hoặc niêm yết trong vòng 1 năm kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thì phải có kế hoạch tham gia giao dịch tập trung trong vòng 1 năm kể từ ngày 1/11/2014. 

 Do đó, kể từ quý II/2015, hàng loạt các doanh nghiệp sẽ niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tập trung. Điều này sẽ có 2 mặt, một mặt là các nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn những cô phiếu tốt. Mặt khác, đây là cơ hội thoái vốn của nhiều nhà đầu tư đối với những doanh nghiệp tốt hoặc không triển vọng, vì thị trường niêm yết và giao dịch tập trung có tính thanh khoản cao.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect

Đối với các doanh nghiệp lớn như Mobiphone, Viettel, Habeco, Sabeco, Vinatex…, khi lên sàn chắc chắn sẽ giúp thu hút được nhiều dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư ngoại và tạo các hiệu ứng tích cực lên thanh khoản và sự tăng trưởng của TTCK. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ và có chất lượng tài sản kém, làm ăn kém hiệu quả sẽ tạo ra gánh nặng cho thị trường chung.

Do đó, điều tôi quan tâm nhất không phải ở số lượng các doanh nghiệp cổ phần hóa và niêm yết mà là chất lượng của các doanh nghiệp này mới có tính chất ảnh hưởng tới thị trường.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC

Theo tôi, điểm tích cực đối với thị trường là nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc đầu tư và làm thị trường hấp dẫn hơn, thu hút thêm dòng tiền. Điểm tiêu cực là các nhà đầu tư lớn của doanh nghiệp có thể tận dụng cổ phiếu lên sàn để thoái vốn dẫn tới dòng tiền sụt giảm.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

 Ông Trần Xuân Bách

Tôi cho rằng, quyết định này nhắm đến mục đích chủ yếu là tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp sau thời điểm IPO. Điều này có 2 tác động, một mặt tăng tính hấp dẫn hơn đối với dòng tiền cho các đợt IPO, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước, vì nhiều doanh nghiệp trong nhóm này từ trước đến nay có xu hướng khá chậm trễ trong việc triển khai các quy trình thực hiện niêm yết chính thức cổ phiếu trên sàn giao dịch sau ngày IPO; mặt khác, sẽ tăng số chứng khoán niêm yết, tăng “hàng hóa” cho TTCK.

Nếu đó là những “hàng hóa” tốt thì chắc chắc sẽ thu hút được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư và tăng tính thanh khoản, giao dịch nhộn nhịp hơn cho thị trường đặc biệt ở khía cạnh thu hút dòng vốn ngoại.

Thị trường đã có những phiền hồi tích cực. Tuy nhiên, quan sát diễn biến của thị trường trong 2 tuần gần đây cho thấy, áp lực bán ATC khá lớn và lặp lại đi lặp ở nhiều phiên. Các ông/bà có thể lý giải về hiện tượng này?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Theo tôi quan sát hoạt động này thông thường là hoạt động cơ cấu danh mục đầu tư, nhất là của các nhà đầu tư lớn, bởi vì chỉ có phiên này là phiên có 1 mức giá (khớp lệnh định kỳ) và sẽ là giá đóng cửa (giá quan trọng nhất trong ngày). Các quỹ ETF cũng rất ưa chuộng việc giao dịch vào phiên cuối cùng này như các nhà đầu tư thường thấy ở phiên ATC vào ngày cuối cùng đảo danh mục của họ.

Hoạt động này có thể là xác lập một mức giá thấp hơn để tận dụng lợi thế “gom hàng” ở những phiên sau. Việc này trong lịch sử TTCK đã xảy ra nhiều lần nhưng thông thường chỉ là một giai đoạn ngắn, đồng thời nằm trong một xu hướng tăng điểm của TTCK. Bởi thế, nếu việc này không xảy ra liên tục trong dài hạn, thì sẽ không tác động xấu đến thị trường và ngược lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư tác động xấu đến TTCK.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank

Tôi cho rằng, lệnh bán ra ATC liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây được xuất phát từ lệnh bán ra của khối ngoại và tập trung bán ra ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Khối ngoại đã có 5 tuần liên tiếp bán ròng trên 2 sàn với tổng giá trị bán ròng trên cả 2 sàn đạt hơn 1.600 tỷ đồng.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Vì sao thị trường hay bị “đánh úp” ATC? ảnh 3

 Ông Nguyễn Vũ Phong

Xu hướng rút ròng của khối ngoại đã diễn ra trên thị trường châu Á trong nhiều tuần nay với lo ngại bất ổn chính trị tại Hồng Kông. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,6%, xuống 136,47 điểm, ghi nhận mức điểm thấp nhất trong hơn 6 tháng qua. Đây cũng là tuần thứ 5 liên tiếp chỉ số này giảm điểm.

Xu hướng bán ròng liên tiếp của khối ngoại phần nào khiến suy yếu dòng tiền trên thị trường và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect

Theo tôi, các nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp càng ngày càng có xu hướng đưa ra quyết định giao dịch về gần cuối phiên hơn, bởi thời điểm cuối phiên có tính quyết định xu hướng cao nhất.

Khi thị trường tích cực, thì các quyết định dạng này giúp thị trường đóng cửa ở giá cao cuối phiên và ngược lại, khi thị trường suy yếu, thì các quyết định này cũng làm thị trường giảm sâu về cuối phiên.

Điều này tạo ra những hiệu ứng cộng hưởng chung khi hiệu ứng tâm lý vẫn ảnh hưởng tới các nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, các cổ phiếu có tác động lớn tới điểm số thị trường như GAS, VIC thời gian gần đây tăng giảm khá thất thường với những biến động mạnh càng làm tâm lý nhà đầu tư dao động và hiệu ứng theo.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC

Theo tôi, hiện tượng này một phần nguyên nhân là do nước ngoài bán ròng trên thị trường. Lượng bán ròng của thị trường tập trung vào các cổ phiếu bluechips, dẫn tới ảnh hưởng tới thị trường làm thị trường giảm về cuối phiên.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Sau nhịp hồi phục gần 2 tuần trở lại đây, thị trường chung và khá nhiều các mã cổ phiếu có vai trò dẫn dắt đang thử thách một vùng kháng cự khá mạnh trong ngắn hạn. Tại các điểm ranh giới nhạy cảm này nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư thường gia tăng để cân bằng lại tỷ trọng danh mục tùy theo khả năng chấp nhận rủi ro.

Bên cạnh đó, nhiều mã bluechips vẫn chưa thoát khỏi nhịp điều chỉnh kéo dài từ giữa tháng 9, thông tin KQKD quý III và mức độ phản ánh của những thông tin này vào diễn biến giá cổ phiếu đang tạo ra sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành.

Trong bối cảnh thông tin có phần bão hòa đó, việc tâm lý nhà đầu tư dễ dao động, đặc biệt trong những phút cuối của phiên giao dịch, là phản ứng dễ hiểu.

Có một điểm đáng lưu ý là sự luân phiên của các dòng tiền đến trước và đến sau. Trong khi các dòng tiền đã rút ra sớm trong nhịp tăng điểm trước đang tìm thời điểm quay trở lại, xây dựng các vị thế mới thì các dòng tiền trễ nhịp chưa kịp rút ra vẫn đang loay hoay chờ điểm giảm tỷ trọng. Điều này tạo nên hiện tượng “thay máu” cho thị trường trong những nhịp điều chỉnh tích lũy ngắn hạn trước khi có thể tiếp tục đi lên trong trung hạn.

Có thể thấy, sự phân hoá của thị trường đang ngày một tăng cao trước kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Theo nhận định của ông/bà, TTCK tuần tới (13/10 đến 17/10) sẽ theo xu hướng nào?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, thị trường tuần tới sẽ tích lũy nhiều hơn, vì việc phân hóa mạnh cho thấy dòng tiền đang thay đổi giữa các ngành. Những ngành tăng quá mạnh trong thời gian qua như dầu khí đang có các dấu hiệu dòng tiền thoái lui khi nhiều mã bị bán mạnh, thậm chí những phiên giảm điểm vừa qua chủ yếu do nhóm này giảm chính.

Như vậy, trong thời gian tới, nhóm dầu khí sẽ ít được sự quan tâm của dòng tiền hơn trước, đồng thời việc dịch chuyển của dòng tiền sang các ngành được dự báo là tiềm năng sẽ khiến thị trường tiếp tục phân hóa và như thế xu thế đi ngang tích lũy dễ xảy ra hơn việc thị trường tăng hoặc giảm mạnh.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tôi cho rằng, 2 chỉ số có thể tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần và đồ thị giá có thể tích lũy tại vùng giá 614 của chỉ số VN-Index 89,5 của chỉ số HNX-Index trong tuần giao dịch tới.

Các chỉ báo trạng thái xu hướng đang trong trạng thái tích lũy và các chỉ báo xung lượng giảm dưới vùng quá mua cho thấy áp lực bán có thể giảm dần trong những phiên tới và 2 chỉ số khó có thể giảm sâu dưới các mức hỗ trợ trên.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Vì sao thị trường hay bị “đánh úp” ATC? ảnh 4

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Ngoài ra, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức TĂNG xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ lên mức 609,98 của chỉ số VN-Index và 89,31 của chỉ số HNX-Index.

Do đó, chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể duy trì vị thế nắm giữ và chưa nên bán ra khi 2 chỉ số vẫn chưa vi phạm các mức cắt lỗ. Đồng thời, trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư có thể quan sát thêm trong 1 - 2 phiên giao dịch tới nếu muốn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó tổng giám đốc CTCK Seabank

Thị trường đã có 2 tuần phục hồi sau khi 2 lần VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ 594 điểm ở những phiên cuối tháng 9. Trong nhịp phục hồi này, dòng tiền tập trung ở cổ phiếu bất động sản mạnh hơn và độ rộng lan tỏa trong nhóm ngành này tăng lên so với thời gian trước đó.

Ngoài ra, dòng tiền cũng luân chuyển ngắn với các nhóm vật liệu xây dựng, vận tải, thủy sản và khoáng sản. Những ước tính về kết quả kinh doanh quý III đã được hé lộ ở rất nhiều doanh nghiệp và phần nào đã được thể hiện vào giá. Đồng thời, đây là quãng thời gian bão hòa thông tin, dòng tiền đang có dấu hiệu suy yếu ở vùng giá cao, nhưng không đáng ngại khi lực cầu giá thấp duy trì tốt.

Trong tuần tới, diễn biến giằng co theo chiều hướng điều chỉnh giảm vẫn tiếp tục. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất với VN-Index là 610 điểm và HNX-Index là 87 điểm. Trong trường hợp các ngưỡng này không giữ được thì VN-Index sẽ test lại vùng hỗ trợ 600 điểm.

Hiện tại, xu thế chưa xấu đi, nhưng nhà đầu tư cũng nên giữ trạng thái thận trọng cần thiết. Trong ngắn hạn, có thể thực hiện mua tại vùng hỗ trợ và bán ra tại vùng kháng cự. Nhiều mã bất động sản đã giảm về vùng hỗ trợ nên tôi lưu ý nhóm này với cơ hội dòng tiền trở lại.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect

Thực tế thì thị trường đang hoạt động ngày càng hiệu quả hơn và đây là điều tích cực nhất mà tôi thấy trong những năm vừa qua.

Trước đây, các cổ phiếu tốt xấu tăng giảm đồng loạt khi thị trường đi lên hoặc đi xuống nó cho thấy tâm lý nhà đầu tư quá “bầy đàn”. Tuy nhiên, một thị trường chuyên nghiệp là thị trường có sự phân hóa rõ rệt, các cổ phiếu tốt về cơ bản còn hấp dẫn vẫn đi lên trong khi các cổ phiếu không có các yếu tố nội tại hỗ trợ không tăng giá hoặc thậm chí giảm giá ngược.

Trong tuần giao dịch tới, tôi cho rằng, thị trường sẽ mất vài phiên dao động theo hướng giảm nhẹ ở các phiên đầu tuần nhưng sẽ tích cực dần lên ở các phiên sau đó bởi sau các phiên giảm vừa qua các cổ phiếu đa số đã về các hỗ trợ tốt và trở lên hấp dẫn.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC

Theo tôi, thị trường sẽ giao động quanh mức 600- 630 điểm. Phân hóa mạnh theo kết quả kinh doanh quý III.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Tuần qua, thị trường mặc dù đã có được sự bứt phá khỏi ngưỡng 615 điểm (tương ứng với đường SMA20 trên đồ thị ngày của chỉ số) sau nhiều phiên giằng co tích lũy trước đó nhưng với áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần đã khiến VN-Index điều chỉnh sâu và lấy đi phần lớn số điểm đã có được.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh thanh khoản có phần thấp hơn tương đối trên sàn Hà Nội khi HNX-Index chớm vượt lên vùng đỉnh ngắn hạn cũ, còn các chỉ báo momentum cũng đã đảo chiều và cắt xuống dưới vùng quá mua. Sự phân hóa của thị trường với vai trò dẫn dắt nhịp này có phần chuyển sang cho nhóm cổ phiếu penny đang cho thấy sự khó khăn trong việc lựa chọn điểm đến tiếp theo của dòng tiền. Điều này khiến tôi thiên về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh giằng co trong tuần sau.

Một câu hỏi luôn được nhà đầu tư đón chờ. Theo các ông/bà, nhóm cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Theo tôi, những nhóm bất động sản, chứng khoán, vận tải, khoáng sản và đầu tư khi nhóm này mạnh hơn thị trường trong 2 - 3 tuần qua, giảm ít hơn cũng như tăng mạnh hơn.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)

Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ việc đồng euro và yen mất giá như CTCP Xi măng Hà Tiên 1, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC)… Ngoài ra, thông tin về mỏ khí Cá Voi Xanh giúp GAS và PVS tăng.

Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa xác nhận vị trí cũng như quyết tâm khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh. Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc cho biết, mỏ khí này nằm ở vùng biển giữa tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, chỉ cách đất liền khoảng 80 km và nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. PVN hiện đang thương lượng với Exxon Mobil nhằm khai thác khí tại mỏ Cá Voi Xanh từ năm 2021.

Đây là mỏ khí có trữ lượng lớn nhất được tìm thấy tại Việt Nam từ trước đến nay (gấp ba lần mỏ khí lớn nhất hiện nay của Việt Nam tại Nam Côn Sơn). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được biết, Dự án khí Lô B có thể sẽ có tiến triển trong thời gian tới.

Các nhà máy này sẽ giúp tăng nhu cầu đối với dịch vụ dầu khí của các công ty như PVD và PVS, trong khi GAS cuối cùng sẽ là công ty hưởng lợi nhiều nhất. Điều này thấy rõ trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, GAS và PVS được mua mạnh, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX, tập trung vào PVS.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect

Hiện tại, trong vài tuần qua, dòng tiền vẫn tập trung nhiều ở cổ phiếu bất động sản và xu hướng từ giờ tới cuối năm hoặc đầu năm sau, xu hướng của dòng tiền vẫn tập trung nhiều ở nhóm này, bởi những kỳ vọng hồi phục của ngành này đang dần tiến triển tốt.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Vì sao thị trường hay bị “đánh úp” ATC? ảnh 5

 Ông Nguyễn Trung Du

Do đó, theo cá nhân tôi, nhóm ngành này vẫn là nhóm ngành tiếp tục thu hút được dòng tiền và có tính nổi bật trong tuần giao dịch tới.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC

Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu dầu khí đã tăng khá trong tuần này, nên tuần tới, có thể các cổ phiếu bất động sản sẽ thay thế cổ phiếu dầu khí để dẫn dắt thị trường.

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia thị trường, Khối phân tích, CTCK BVSC

Tuần tới, những thông tin liên quan đến triển vọng kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết sẽ dần được hé lộ và có thể tiếp tục khiến thị trường diễn biến giằng co, rung lắc và phân hóa mạnh mẽ giữa các dòng cổ phiếu.

Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu tăng mạnh trong nhịp trước nhờ nền tảng cơ bản ổn định và triển vọng kết quả kinh doanh tích cực như dầu khí, may mặc, nông thủy sản… vẫn đang cần thêm thời điều chỉnh tích lũy trước khi quay lại xu hướng tăng điểm trung hạn, thì nhiều khả năng dòng cổ phiếu trễ nhịp đang trong giai đoạn tích lũy hoặc chưa tăng nhiều trong nhịp trước như bất động sản, thép… sẽ tiếp tục có được sự quan tâm của dòng tiền trên thị trường sau những tín hiệu tích cực được phát đi trong tuần qua.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục