Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng ngân hàng

(ĐTCK) Việc STB tăng trần 2 phiên liên tiếp với thanh khoản mạnh, ACB cũng có những phiên tăng tích cực khiến nhà đầu tư kỳ vọng, đã đến thời của nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoài quốc doanh. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, khó kỳ vọng nhóm cổ phiếu này sẽ tạo sóng.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng ngân hàng

Sau một tuần giao dịch sôi đồng, thị trường đang có dấu hiệu điều chỉnh và theo dự báo của nhiều CTCK, thì xu hướng điều chỉnh có thể kéo dài sang tuần sau, trong vùng 610-615 điểm. Quan điểm của ông/bà?

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Tuần vừa qua, với 2 phiên tăng điểm trong đó phiên giao dịch giữa tuần tăng gần 10 điểm đã giúp VN-Index vượt được lên trên mốc 510 điểm.

Thông tin 2 ngân hàng lớn là Vietcombank và Vietinbank muốn nâng room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại tiếp tục duy trì mua ròng tại nhiều mã cổ phiếu lớn và giá dầu thế giới diễn biến tích cực là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong tuần. Tuy nhiên, việc một số nhóm ngành như thép đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, một số cổ phiếu lớn như VNM, VCB chưa vượt được vùng đỉnh và thanh khoản sụt giảm khá mạnh trong 2 phiên cuối tuần cho thấy tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư đang có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy, diễn biến của VN-Index trong tuần tới nhiều khả năng sẽ nghiêng về kịch bản giằng co quanh vùng 610-615 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Sau một chu kỳ tăng dài và đã chạm mức kháng cự mạnh tại 615, thì việc thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn là hợp lý và cần thiết.

Với các nhà đầu tư ngắn hạn T+, thì giai đoạn này sẽ không thu được lợi nhuận nhiều, nhưng đây là giai đoạn cần thiết để cơ cấu lại danh mục cổ phiếu và hướng trọng tâm vào những cổ phiếu đang có hoạt động kinh doanh nổi bật và có dòng tiền vào mạnh. Tôi cho rằng, thị trường không điều chỉnh quá lâu và sẽ nhanh chóng quay lại xu hướng tích cực trong tuần tới.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Agriseco

Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, thị trường chuẩn bị bước vào giai đoạn điều chỉnh. VN-Index đã tăng khoảng 10% trong hơn 1 tháng qua, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy, thị trường đang bước vào vùng quá mua và rủi ro giảm điểm trong ngắn hạn là khá lớn.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng ngân hàng ảnh 1

Bà Nguyễn Ngọc Lan 

Mặc dù vậy, tôi đánh giá thị trường khó giảm điểm mạnh do vẫn có các thông tin vĩ mô hỗ trợ như giảm lãi suất, Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam và thị trường chứng khoán thế giới vẫn đang ổn định.

Ở 2 phiên cuối tuần, cổ phiếu STB đã trở thành “hiện tượng” khi tăng trần 2 phiên liên tiếp với thanh khoản khá cao, đi ngược với xu hướng lình xình của nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung. Liệu đã đến thời điểm cổ phiếu ngân hàng ngoài quốc doanh tạo “sóng” ?

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Đúng là từ cuối tháng 4 trở lại đây, một số cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng như VCB, BID, MBB, CTG đã có sự tăng giá khá tốt, trong khi một số mã khác như ACB, STB, SHB chủ yếu đi ngang.

Trong những phiên gần đây, khi nhóm tăng điểm có dấu hiệu chững lại, thì dòng tiền có xu hướng tập trung vào nhóm còn lại mà điển hình là STB. Tuy nhiên, việc có hình thành "sóng" tăng điểm thì còn cần thêm thời gian, vì điều này vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của nhóm đầu cũng như dòng tiền cần phải duy trì được sức mạnh trong những phiên tới đây.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã im ắng khá lâu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoài quốc doanh, do tác động của làn sóng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian vừa qua. Việc STB bất ngờ tăng trần với mức thanh khoản đột biến một phần đến từ thông tin nới room đối với nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng ngân hàng ảnh 2

Ông Nguyễn Hồng Khanh 

Việc nới room là điều mong đợi của nhiều nhà đầu tư khối ngoại, nhưng đây là một quá trình đầu tư dài và vì vậy, nhà đầu tư sẽ chỉ mua ở mức giá hợp lý. Hệ thống ngân hàng vẫn còn trong quá trình cơ cấu và xử lý nợ xấu, vì vậy ít nhất cần 1 - 2 năm để ổn định hoạt động, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh. Do đó, đợt sóng tăng này có thể chỉ mang tính ngắn hạn và tôi vẫn kỳ vọng vào nhóm ngân hàng quốc doanh lớn nhiều hơn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Agriseco

Trong khi STB có vẻ như có câu chuyện riêng và đã tăng trần 2 phiên liên tiếp, tôi cho rằng, các cổ phiếu ngân hàng ngoài quốc doanh khác tăng tốt chủ yếu do những kỳ vọng về thay đổi trong chính sách tiền tệ.

Nếu kỳ vọng của thị trường là đúng, tôi đánh giá, đây là cơ hội của những cổ phiếu ngân hàng ngoài quốc doanh mà chưa tăng mạnh trong các phiên gần đây, cơ hội sẽ đến với các mã như SHB, ACB, EIB …Tuy nhiên, tôi đánh giá nhóm này khó tạo được “sóng” mạnh, mà chỉ diễn ra trong vài phiên do thị trường chung đang bất lợi.

Giai đoạn vừa qua, TTCK đã có sự khởi sắc nhất định, đi kèm với đó là mức sử dụng margin khá lớn so với thời điểm đầu năm, với con số ước tính dư nợ margin hiện nay khoảng hơn 25.000 tỷ đồng. Điều này có gây ra nhiều rủi ro đối với thị trường không, theo các ông/bà?

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Con số 21.000 tỷ đồng cho vay margin được đăng tải trên phương tiện truyền thông mới đây là số được tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I của một số CTCK, chứ hiện tại không có số liệu chính thức từ phía cơ quan quản lý.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Khó có sóng ngân hàng ảnh 3

 Ông Ngô Thế Hiển

Hơn thế nữa, số liệu cho vay margin tại các CTCK cũng thay đổi lên xuống tùy theo đối tượng khách hàng và diễn biến chung của thị trường.

Theo như tôi nhận thấy, trong những tuần gần đây mức độ sử dụng margin của nhà đầu tư trên thị trường đang có xu hướng giảm dần, do vậy rủi ro của việc này với thị trường là không nhiều.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Chúng ta cần nhìn nhận rằng, năm nay hoạt động cho vay margin các công ty chứng khoán đã dễ thở hơn so với năm ngoái. Năm ngoái, các công ty chứng khoán lớn đã phải áp dụng nhiều biện pháp để xoay sở nguồn cho vay margin, nhưng vẫn khá bị động và hậu quả là thị trường đã bị đè nén một thời gian dài. Năm nay, các hoạt động tài trợ vốn cung cấp cho thị trường đã dồi dào hơn và bản thân các công ty chứng khoán cũng đã chủ động hơn rất nhiều.

Hiện tại, nguồn cho vay margin chưa sử dụng đến của các công ty chứng khoán cũng còn khá lớn và sẵn sàng cung cấp cho thị trường thêm gần một nửa con số trên trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, đây là điều tích cực vì nó đáp ứng nhu cầu mở  rộng ngàu càng lớn của thị trường. Cái cần thiết là các công cụ quản lý rủi ro chặt chẽ và tránh tình trạng đầu cơ lan rộng sẽ giúp thị trường tăng trưởng bền vững.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Agriseco

Mức margin ước tính này mặc dù đã tăng hơn 60% so với thời điểm cuối quý I năm ngoái, nhưng không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm. Quan sát giao dịch thời gian gần đây, tôi cũng nhận thấy chưa có nhiều đột biến về thanh khoản để tạo áp lực margin tới thị trường.

Nhìn chung, yếu tố margin thời điểm hiện tại chưa phải là rủi ro lớn đối với thị trường, mà chỉ là rủi ro đối với một số mã đầu cơ có thanh khoản cao đột biến thời gian gần đây

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục