Nhìn chung, đặc điểm nổi bật của tuần là xu thế tăng điểm vẫn duy trì, tuy nhiên thanh khoản đang có tín hiệu chững lại và giảm dần. Theo một số CTCK, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự suy giảm của dòng tiền nội, còn dòng tiền ngoại được duy trì tốt và theo xu thế tăng dần.
Theo đó, việc VN-Index duy trì trên vùng 600 điểm đang phụ thuộc nhiều vào giao dịch của khối ngoại, phiên giao dịch mà khối ngoại mua mạnh các mã ngân hàng, bảo hiểm hay blue-chip thì thị trường tăng điểm khá, còn nếu giảm mua thì thị trường yếu hẳn đi.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia nghiên cứu cao cấp CTCK MB (MBS) dự báo, nhiều khả năng trong tuần tới, xu thế này vẫn tiếp tục, chỉ số tăng điểm thông qua giao dịch của khối ngoại. Tuy nhiên, dòng tiền đã yếu đi tương đối nhiều và đang có tín hiệu hình thành vùng đỉnh dao động trong khoảng 620 điểm. Sau đó, nhiều khả năng, thị trường đuối dần (trong đó có sự đuối dần của khối ngoại) và có thể tuần cuối tháng 5, xu thế giảm sẽ rõ ràng hơn.
Theo ông Ngọc, cơ sở để cho rằng thị trường có thể hình thành đỉnh là do quan sát từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam chạy song hành với các chỉ số TTCK Mỹ và giá dầu. Trong khi đó, câu chuyện lợi nhuận quý I của một số DN Mỹ không như kỳ vọng; chỉ số Dow Jones khó vượt vùng 18.000 điểm và khả năng đây sẽ là đỉnh trong ngắn hạn, thị trường có thể có nhịp điều chỉnh tương đối.
Yếu tố thứ hai là giá dầu, hiện đang giao dịch và hình thành đỉnh ngắn hạn quanh vùng 46 - 47 USD/thùng. Với nhìn nhận như vậy, khi TTCK Mỹ điều chỉnh giảm trở lại thì khối ngoại sẽ giảm dần mua cổ phiếu trên TTCK Việt Nam, thậm chí có khả năng bán ròng.
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Ngọc cho rằng, năm nay, áp lực tăng vốn của nhiều ngân hàng là khá cao vì tác động bởi nhiều yếu tố như thực hiện Basel II, thực hiện một số quy định mới của Thông tư 36 sửa đổi… Hiện một số ngân hàng đã có đề nghị xin nới room khối ngoại như VCB, CTG.
Theo đó, khối ngoại tăng mua cổ phiếu của nhóm này để có thể tăng tỷ lệ sở hữu trước, nếu đề xuất nới room được thông qua thì khả năng họ sẽ tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng lớn. Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng có tính đại diện chỉ số cao, thường nằm trong danh mục P-notes và thời gian qua dòng tiền ngoại chảy qua P-notes rất nhiều, do vậy, các quỹ cũng tự động mua các cổ phiếu ngân hàng.
Điều này đã giúp nhiều cổ phiếu đầu ngành ngân hàng tăng mạnh, giúp VN-Index vượt ngưỡng kháng cự thành công. Tuy nhiên, việc mua vào này mang tính thời điểm cao hơn là cho cả chu kỳ lớn, bởi trên bình diện vĩ mô thì ngành ngân hàng vẫn là nhóm chịu nhiều áp lực. Bên cạnh đó, đặc tính dòng tiền P-notes là có thể vào nhanh nhưng cũng có thể rút ra ngay, trong trường hợp đó có thể tác động tiêu cực ngay lập tức đến thị trường.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCK KIS Việt Nam - Chi nhánh TP. HCM dự báo, khối ngoại vẫn sẽ tiếp tục mua vào cổ phiếu ngân hàng. Các quỹ ngoại đã rục rịch từ trước trong việc mua cổ phiếu nhóm này nhằm đón nhận thông tin Chính phủ mở room sớm. Do vậy, trong ngắn hạn, việc mua ròng của nhóm này vẫn diễn ra.
Cần chú ý, các NĐT mua cổ phiếu ngân hàng là đầu tư cho trung và dài hạn, nhóm NĐT này sẽ tiếp tục mua vào. Bản thân họ nếu muốn trở thành NĐT chiến lược của ngân hàng thì việc gom mua cổ phiếu không thể một sớm một chiều. Còn với nhóm trading ngắn hạn, khi cho rằng nhóm ngân hàng đang có thông tin tích cực, họ sẽ đổ vốn vào, nhưng cũng sẽ sớm chốt lời.
Về xu hướng thị trường tuần tới, ông Phương dự báo vẫn trên đà tăng điểm, nhưng sẽ có những nhịp điều chỉnh vì tiệm cận vùng giá cao thì có nhiều NĐT chốt lời. Tuy nhiên, chỉ là điều chỉnh tích lũy chứ chưa vào xu thế giảm giá. Thanh khoản thị trường sẽ không khá hơn so với tuần này, nhưng giữ mức ổn định, tổng giao dịch cả hai sàn khoảng 2.500 - 3.500 tỷ đồng.
Hỗ trợ cho xu hướng này, theo ông Phương, đó là các yếu tố như: nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục được mua vào; cổ phiếu VNM có tin hỗ trợ trả cổ tức tốt và khả năng sớm chốt nới room do vậy dòng tiền vào mã này rất tốt. Ngoài ra, ngành dầu khí đang có đà hồi phục cũng giúp chỉ số tăng.
Nguyên nhân sâu xa cho đà hồi phục này là giá dầu luôn gắn liền với câu chuyện địa chính trị trên thế giới, với việc giá dầu ổn định và có xu hướng tăng cho thấy tình hình căng thẳng chính trị tại nhiều khu vực nóng đã dịu bớt. Theo đó, cổ phiếu dầu khí sẽ được chào đón (chủ yếu là các NĐT tổ chức, NĐT ngoại) vì giá nhóm cổ phiếu này đã giảm rất sâu trong thời gian qua.