Dù thị trường đã ghi nhận phiên khởi sắc cuối tuần, nhưng dự báo trạng thái giao dịch giằng co tiếp tục diễn ra trong tuần tới, khi 2 chỉ số tiệm cận các ngưỡng kháng cự ngắn hạn, còn quan điểm của các ông?
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Thị trường có vẻ như đã quá lo lắng với những yếu tố cả từ bên ngoài, cho đến bên trong và có những phản ứng thái quá. Tuy nhiên, 1-2 phiên gần đây, tôi cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đã có sự ổn định lại và cầu mua vào có phần chắc hơn.
Nhưng về mặt xâu xa, thì 1-2 phiên như vậy không đủ để nhà đầu tư cảm thấy rằng thị trường hoàn toàn tích cực được mà tôi chỉ nhìn nhận nó là sự phục hồi. Nhịp phục hồi này chỉ số VN-Index có khả năng sẽ tiếp cận trở lại vùng 560 điểm trong sự phân hóa mạnh.
Ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia chứng khoán
Thị trường cuối tuần qua khởi sắc chủ yếu ở nhóm dầu khí, với thông tin giá dầu thế giới tăng rất mạnh. Chúng ta đều biết, dầu khí là nhóm giảm giá mạnh nhất thị trường trong năm qua, ngay cả những công ty lớn như GAS, PVD, PVS cũng mất giá hơn 60%. Nay giá dầu bật mạnh như vậy thì cổ phiếu các công ty đó tăng cũng không có gì ngạc nhiên cả.
Ông Hoàng Thạch Lân
Tuy nhiên, thị trường nói chung thì không bật mạnh được như nhóm dầu khí đơn lẻ, ngay cả khi đang trong "mùa" BCTC quý IV/2015. Lý do chính là thông tin từ thế giới bên ngoài liên tục tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, nhất là những diễn biến từ nước láng giềng Trung Quốc. Do đó, chúng tôi cho rằng, VNindex sẽ còn dao động xung quanh mức 550 điểm cho đến Tết.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
VN-Index hiện đang giao dịch quanh hỗ trợ khá mạnh 530 điểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm giá mạnh trong thời gian vừa qua đã giao dịch tích cực trở lại.
Giá dầu cũng đang được hỗ trợ mạnh ở vùng giá 30 USD/thùng. Do đó, tôi dự báo, VN-Index có thể giao dịch tích cực lên lại vùng 560 điểm trong tuần tới.
Liệu kỳ nghỉ Tết đang cận kề có làm “phân tán” tâm lý nhà đầu tư không, theo ông/bà?
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Điều này chắc chắn sẽ xảy ra và 2 phiên đầu tuần tới, hiệu ứng “chốt lời” sẽ bắt đầu. Nhà đầu tư hiện nay giống như “chim đau sợ cành cong”, nên sẽ chốt lời mạnh vì lo ngại những ngày nghỉ dài rủi ro khó kiểm soát.
Ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia chứng khoán
Tôi nghĩ là có. Cổ phiếu Việt Nam ngày càng chịu tác động lớn hơn từ phía bên ngoài, tức là từ các sự kiện kinh tế, tài chính lớn trên thế giới.
Mới chưa hết 1 tháng kể từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam đã hứng chịu rất nhiều tác động từ bên ngoài, như cuộc chiến giá dầu OPEC-Mỹ-Nga, khủng hoảng chứng khoán ở Trung Quốc, những thay đổi trong chính sách tiền tệ ở Mỹ, EU hay Nhật Bản tác động lên sự chuyển dịch các dòng vốn nóng...
Tết Âm lịch này chỉ diễn ra ở nhiều nước châu Á, ở nơi khác vẫn bình thường. TTCK Việt Nam sẽ nghỉ giao dịch nguyên 1 tuần từ 8/2 đến hết 12/2/2016, mà trong 5 phiên đó, tôi cũng không dám chắc thế giới ngồi yên chia sẻ Tết với chúng ta. Những nhà đầu tư hay lướt sóng và xài margin tốt nhân nên lưu ý đưa danh mục về trạng thái an toàn hơn.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Ông Nguyễn Nhật Cường
Do áp lực giảm điểm thời gian trước, nhà đầu tư đã rút khá lượng margin ra khỏi thị trường. Do đó, áp lực về chi phí vốn trong thời gian nghỉ Tết có thể không lớn và không ảnh hưởng tới quyết định giao dịch của nhà đầu tư.
Khối ngoại tiếp tục duy trì áp lực bán ròng kể từ đầu năm 2016 khiến giao dịch trở nên thận trọng đáng kể. Các ông nhìn nhận như thế nào về hoạt động cũng như sự tác động của dòng vốn này đến thị trường trong giai đoạn hiện nay?
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Trước đây, theo số liệu tính toán, tôi cho rằng, việc bán ra là không quá ảnh hưởng và phần lớn là từ các quỹ bị rút vốn như ETF hay Red River… Tuy nhiên, việc bán ròng gần đây kể cả khi các quỹ trên không chịu sức ép đang đặt ra câu hỏi khó. Liệu rằng, những nhà đầu tư nước ngoài bán ra liên tục kia có chịu tác động từ yếu tố chính trị kiểu nhà đầu tư nội vừa chịu hay không?
Và nếu như họ tiếp tục bán ròng như vậy sẽ tác động rất lớn đến khả năng hồi phục của thị trường. Vì thế tôi đang có cái nhìn thận trọng về khía cạnh này và sẽ đánh giá lại nếu như thời gian tới họ vẫn tiếp tục bán ròng.
Ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia chứng khoán
Hiện tại, tôi vẫn cho rằng, tác động lớn nhất của việc khối ngoại bán ròng là tâm lý.
Kể từ đầu năm đến nay, họ bán ròng quá lớn, nếu so sánh với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, có những mã sụt giảm giá mạnh, có mã lại không. Do đó, dù vẫn phải dè chừng việc bán ròng, nhưng nhà đầu tư cũng nên xem xét hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty niêm yết, nhất là bây giờ lại đang vào mùa BCTC quý IV/2015. Đối với những công ty có nền tảng tài chính tốt, hoạt động kinh doanh ổn định thì không việc gì phải lo chuyện bán ròng.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Chúng tôi kỳ vọng ở vùng giá này sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cân bằng trở lại. Các nhà phân tích dự báo tại cuộc hợp tới FED sẽ chưa có những hành động mới với lãi suất sẽ giúp ổn định dòng tiền ngoại chảy ra khỏi các thị trường như Việt Nam.
Là nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu lao dốc, tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí có sự bứt phá trở lại khi giá dầu hồi phục. Tuy rằng, diễn biến của nhóm cổ phiếu này vẫn đang là một ẩn số, nhưng với sự sụt giảm mạnh trong thời gian qua, liệu đây đã phải là thời gian thích hợp để giải ngân vào nhóm dầu khí?
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Thực tế, nhiều cổ phiếu dầu khí đã giảm quá đà có lẽ một phần do nhà đầu tư khôgn chịu nổi áp lực do tài chính hoặc do thua lỗ quá nhiều. Ngay như cổ phiếu PVD giảm về giá 18.000 đồng/cp, rõ ràng là mức giá khó tưởng tượng với nhiều người. Việc hàng loạt cổ phiếu dầu khí tăng mạnh vừa qua rõ ràng xuất phát từ 2 yếu tố là giá dầu thế giới hồi phục mạnh mẽ và có lẽ là hiện tượng giải chấp, cắt lỗ đã ở mức quá mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Tuy nhiên, giá dầu hiện nay chưa biết thế nào, vì nó nằm ngoài dự báo ngay cả với một quốc gia. Nó rõ ràng là một ẩn số và chưa biết bao giờ chính sách của OPEC mới dừng lại để đưa giá dầu tăng lên. Tuy nhiên, nếu đầu tư dài hạn hay có cái nhìn tích cực như Warrant Buffet khi ông tận dụng cơ hội giá dầu giảm mạnh để mua CP dầu khí Phillips 66, thì những khoản đầu tư dài hạn 3-5 năm với nhiều cổ phiếu thuộc nhóm “vàng đen” này đang có cơ hội tốt.
Nhưng một điểm mà mọi người cần hết sức lưu tâm, là chính sách của OPEC hiện nay là tiêu diệt các nhà sản xuất và khai thác dầu bằng việc ép giá dầu xuống thấp. Vì thế, 3-5 năm có thể chưa kịp hồi phục thì đã phá sản, hoặc bị thôn tính. Do đó, chúng ta tìm đến những DN thực sự lớn và có tiềm lực tài chính vượt qua khủng hoảng trước khi phục hồi lại.
Về kỹ thuật, thông thường, giá suy giảm sâu sẽ có cơ hội hồi phục lại khi ngắn hạn có những yếu tố tích cực. Nhưng nhìn dài hơn chút, giá cổ phiếu thực sự tạo đáy và những áp lực đòn bẩy, cắt lỗ đi qua khi cổ phiếu đó sụt giảm mạnh về thanh khoản, đồng thời giá cổ phiếu không suy chuyển bất chấp, nhưng tin xấu về ngành diễn ra. Đó có lẽ mới là lúc an toàn hơn để nhìn vào xu hướng đầu tư dài hơi vì thực tế giá những cổ phiếu dầu khí này chưa thể tăng ngay được do còn chịu tác đọng mạnh từ thế giới.
Ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia chứng khoán
Theo tôi tìm hiểu thì rất nhiều dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí (PVN) bị hoãn, giãn tiến độ, nhiều hoạt động cốt lõi của các công ty lớn trong quý IV/2015 cũng bị suy giảm khối lượng và giá trị, dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận.
Tôi cũng cũng nghe nói có nhiều ý kiến cho rằng, giá dầu phải quay trở lại trên mức 40 USD/thùng 1 thời gian, thì hoạt động ngành dầu khí mới bình ổn trở lại, bởi mức hòa vốn của các đơn vị khai thác thượng nguồn đã trên 30 USD/thùng.
Hiện nay, giá dầu đã tiệm cận mức 35 USD/thùng và cũng có thể còn tăng thêm, nhưng vẫn chưa đạt trên mức 40 USD. Do đó, BCTC quý IV/2015 nhìn chung là xấu. Thậm chí, đối với vài công ty, dự phóng là quý I/2016 cũng không khả quan hơn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tâm lý nhà đầu tư đang bị neo chặt theo mọi diễn biến giá dầu. Cứ hôm nào giá dầu tăng/giảm mạnh chừng 5% trở lên là giá cổ phiếu dầu khí cũng tăng/giảm theo. Cổ phiếu dầu khí luôn là mục tiêu bắt đáy đối với dân lướt sóng.
Về dài hạn, quan điểm của tôi là đa số công ty lớn trong ngành này đều có nền tảng tài chính tốt, doanh thu và lợi nhuận suy giảm chỉ mang tính giai đoạn nhất thời, nhưng giá cổ phiếu đã giảm rất mạnh và đang rất rẻ. Đối với 1 số công ty, cho dù P/E dự phóng 2016 là cao (do EPS giảm), nhưng nếu xét theo P/B hay tỷ lệ cổ tức/thị giá thì lại rất hấp dẫn. Do đó, đối với những nhà đầu tư giá trị, chúng tôi cho rằng, có thể kỳ vọng vào tương lai sáng lạn hơn cho ngành dầu khí từ nửa sau 2016 trở đi. Do đó, có thể giải ngân ngay từ bây giờ, nhất là đối với các công ty đang có hệ số P/B quá thấp.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Về định giá với vùng giá này, tôi nhận định, giá cổ phiếu dầu khí khá hấp dẫn.