Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bluechip sẽ trở lại?

(ĐTCK) Trong khi sản phẩm mới CW được chào đón khá tích cực thì nhóm cổ phiếu bluechip đột ngột giảm mạnh trong tuần cuối cùng của tháng 6 do hiệu ứng chốt NAV của một số quỹ đầu tư lớn trên thị trường. Liệu nhóm cổ phiếu bluechip sẽ khởi sắc trong tuần tới không?
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bluechip sẽ trở lại?

Phiên giảm hơn 16 điểm trong phiên ngày 27/6 của TTCK Việt Nam được cho là khá “sốc” trong bối cảnh các thị trường châu Á đều tăng. Dù vậy, thông tin kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm đã được công bố với số liệu khá tích cực, cùng với đà tăng trưởng trở lại của hầu hết các bluechip trong nhóm VN30 khởi sắc, đã giúp thị trường hồi phục trở lại ở phiên cuối tuần. Sự “giật cục” của thị trường có tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

TTCK Việt Nam trong tuần qua diễn biến kém tích cực so với xu hướng chung của các TTCK trong khu vực, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư toàn cầu được hỗ trợ bởi thông điệp ôn hòa của FED sau cuộc họp chính sách tháng 6, và kỳ vọng vào việc căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt khi lãnh đạo 2 nước gặp nhau tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20.

Nguyên nhân của diễn biến trên, bên cạnh đến từ các lo ngại của nhà đầu tư trong nước trước viễn cảnh Mỹ áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, sau khi ông Trump đăng bài trên Tweeter phê phán quan hệ thương mại Việt – Mỹ, còn đến từ diễn biến lao dốc đột ngột của 1 vài cổ phiếu trụ cột đã gây ra các tác động xấu đến tâm lý thị trường chung.

Đối với diễn biến thị trường trong tuần tới, nhìn chung tôi đánh giá kết quả cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ ông Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 thảo luận về vấn đề căng thẳng thương mại sẽ là yếu tố mang tính quyết định, chi phối biến động TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.

Các số liệu vĩ mô trong nước nhìn chung là tích cực, tuy nhiên không nằm ngoài dự báo của thị trường nên mức độ tác động là không lớn.

Ngoài ra, với việc tuần vừa qua là tuần cuối cùng của quý II, hoạt động chốt NAV của các quỹ có thể đã phần nào khiến thị trường trải qua các phiên biến động mạnh, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bluechips. Diễn biến tăng/giảm bất thường như vậy nhiều khả năng sẽ không lặp lại trong tuần tới.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Mấy phiên vừa qua được coi là khá đặc biệt, vì là phiên chốt quý 2 lẫn bán niên, thậm chí chốt niên độ lệch. Tất nhiên, cũng có tin tốt xấu đan xen ra cùng thời điểm, nhưng tôi tin rằng giao dịch trong những phiên đó không không bình thường cho lắm, mà có toan tính của những tổ chức lớn. Do đó, qua tháng 7 tôi nghĩ thị trường sẽ không còn giao dịch giống tuần trước.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tuần giao dịch vừa qua thị trường biến động rất mạnh ở các phiên giao dịch cuối tuần và có độ phân hóa lớn giữa các nhóm cổ phiếu. Điểm nổi bật là nhóm cổ phiếu VN30 đã có sự khởi sắc trong phiên cuối tuần, nhiều khả năng có thể đây là hoạt động chốt NAV quý thường niên của các quỹ đầu tư.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bluechip sẽ trở lại? ảnh 1

Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 950 điểm và giao dịch sideways quanh mức này trong tuần giao dịch tới.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK Bảo Việt (BVSC)

Các biến động mạnh có thể tiếp diễn trong những ngày đầu tuần tới khi xuất hiện rất nhiều thông tin tích cực từ cuộc họp G20 ngày 28-29/6.

Đầu tiên là thông tin chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có những diễn biến hạ nhiệt, 2 bên ngừng tăng mức áp thuế để tiếp tục đàm phán, Huawei thoát khỏi các lệnh cấm được mua các sản phẩm, linh kiện từ Mỹ.

Bên cạnh đó, rất nhiều thông tin tích cực từ cuộc họp G20 như quan hệ Mỹ-Triều Tiên tiếp tục được cải thiện, Mỹ hẹn sẽ thăm biên giới Hàn Quốc-Triều Tiên. Mỹ miễn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ… Các thông tin này có thể giúp các phiên đầu tuần có những diễn biến tích cực.

Điểm nhấn của tuần qua là sản phẩm chứng quyền có tài sản đảm bảo (covered warent) đã chính thức giao dịch. Việc phát hành hết ngay trong đợt đầu cho thấy sản phẩm CW đang có sức cạnh tranh khá tốt. Trong ngắn hạn, ông/bà đánh giá như thế nào về hiệu ứng của sản phẩm CW đối với thị trường?

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Việc chứng quyền phát hành hết ngay trong đợt đầu là tín hiệu đang mừng, phần nào cho thấy sức hấp dẫn của sản phẩm chứng quyền có đảm bảo.

Tuy nhiên, với khối lượng phát hành từ các CTCK trong đợt đầu là tương đối thấp và phần nhiều mang tính thăm dò thị trường, tác động của sản phẩm này đến dòng tiền trên thị trường cơ sở, theo tôi đánh giá, là chưa đáng kể.

Trên thực tế, giá trị giao dịch của sản phẩm chứng quyền có đảm bảo trên thị trường thứ cấp trong phiên giao dịch đầu tiên khi niêm yết trên sàn (28/06) cũng chiếm tỷ trọng ở mức rất thấp so với tổng giá trị giao dịch trên TTCK. 

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi không rõ ý báo hỏi là CW cạnh tranh với cái gì? Với cổ phiếu chăng, hay với phái sinh? Nói chung, CW có điểm hấp dẫn là do 2 yếu tố: thứ nhất là được công ty chứng khoán phát hành truyền thông tốt, thứ hai là bởi trước đó NĐT đã trải nghiệm qua phái sinh, nên không bỡ ngỡ khi chơi CW.

Ngoài ra, trên sàn thứ cấp tôi còn thấy biên độ giá CW quá lớn, như vậy rất kích thích đầu cơ, thậm chí đội lái. Bạn có thể chốt lời vài chục phần trăm ngay trong 1 phiên. Do đó tôi nghĩ thời gian tới NĐT sẽ còn giao dịch loại này nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Hiện tại, nhìn chung giá trị giao dịch của CW vẫn chưa lớn, tương tự như ngày đầu của sản phẩm Future. Tuy nhiên, tôi dự báo sức hấp dẫn của sản phẩm CW này chưa dừng lại đó và có thể thanh khoản sẽ ở mức cao trong thời gian tới khi nhà đầu tư có sản phẩm thị giá nhỏ để giao dịch cùng với tỷ suất sinh lợi cao hơn rất nhiều so với thị trường cơ sở và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các cổ phiếu full room ngoại.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK Bảo Việt (BVSC)

Hiệu ứng của sản phẩm trong ngắn hạn sẽ giúp thị trường sôi động hơn khi nhà đầu tư có thêm công cụ để đầu tư với mức đòn bẩy cao mà rủi ro thấp, không phải kỹ quỹ. Nhà đầu tư có chứng quyền được chia thành nhóm đầu cơ sẽ tham gia giao dịch tương đối thường xuyên, nhóm thứ hai là những nhà đầu tư sử dụng chứng quyền để hedging bảo vệ vị thế tránh cổ phiếu bị tụt giá quá sâu.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động phòng ngừa rủi ro bắt buộc, các tổ chức phát hành chứng quyền sẽ phải mua, bán cổ phiếu cơ sở theo phương án phòng ngừa rủi ro của mình, điều này được kỳ vọng gián tiếp góp phần gia tăng thanh khoản trên thị trường cổ phiếu. CWcũng sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài khi không hạn chế room, khiến hoạt động của khối ngoại trên TTCK Việt Nam thêm sôi động hơn.

Tuy nhiên, CW cũng có thể mang tính ảnh hưởng kép đến cổ phiếu, trong trường hợp chứng quyền bị biến động giá giảm, nhà đầu tư bán ra CW, các công ty chứng khoán cũng bán ra cổ phiếu để cân bằng trạng thái, quản trị rủi ro của mình. Điều này có thể khiến cổ phiếu tiếp tục giảm và chứng quyền lại tiếp tục giảm giá.

Việc các quỹ chốt NAV trong quý II/2019 có tạo hiệu ứng cho nhóm cổ phiếu bluechips khởi sắc trong tuần tới không, theo các ông/bà?

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Việc một nhóm cổ phiếu bluechips đột ngột giảm mạnh trong tuần qua, cũng là tuần cuối quý II, có thể được lí giải phần nào là do hiệu ứng chốt NAV của một số quỹ đầu tư lớn trên thị trường. Nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng khi hiệu ứng này kết thúc, nhóm cổ phiếu bị bán mạnh trong tuần qua sẽ hồi phục trở lại trong tuần tới.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bluechip sẽ trở lại? ảnh 2

Ông Trần Đức Anh

Tuy nhiên, trong tuần qua cũng có 1 vài cổ phiếu bluechips bị bán mạnh đến từ các nguyên nhân khác như kết quả kinh doanh quý II dự báo kém tích cực, hoặc một số doanh nghiệp có thông tin bên lề tiêu cực liên quan đến lãnh đạo…

Nhìn chung, hoạt động chốt NAV chỉ là 1 trong những nguyên nhân khiến thị trường biến động mạnh trong tuần vừa qua và nhà đầu tư không nên sử dụng yếu tố này như cơ sở duy nhất để lựa chọn chiến lược đầu tư trong tuần tới. 

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bluechip sẽ trở lại? ảnh 3

Ông Hoàng Thạch Lân

Quỹ đã chốt NAV xong, như vậy giá cổ phiếu tuần tới coi như không tác động gì đối với họ. hàng của thị trường, giờ trả lại cho thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Hiện tại, với hiệu ứng chốt NAV của các quỹ đã giúp chỉ số VN-Index dần lại lại được mức 950 điểm trong phiên 28/06/2019 và kịch bản xấu hơn chưa thể xảy ra. Tuy nhiên, mức độ thanh khoản sẽ vẫn còn đang ở mức thấp khi mức độ tham gia của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giảm mạnh xuống còn 52%.

Do đó, tôi đánh giá thị trường sẽ ổn định lại trong tuần tới nhưng chưa kỳ vọng thị trường sẽ tăng mạnh và kèm thanh khoản vẫn ở mức thấp.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK Bảo Việt (BVSC)

Không chỉ việc chốt NAV, mà hiện tại một số thông tin vĩ mô cuối tuần như đàm phán thương mại Mỹ-Trung đạt được một số thoả thuận có khả năng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bluechips hồi phục.

Dòng vốn ngoại trong tuần tới có khả năng tích cực khi rủi ro toàn cầu giảm bớt, các nước mới nổi như Việt Nam sẽ thu hút được dòng tiền. Cụ thể nhất là trong những tuần gần đây, các quỹ ETF liên tục phát hành thêm lượng chứng chỉ quỹ tương đối lớn.

Ở thời điểm này, chiến lược duy trì tỷ trọng danh mục cổ phiếu ở mức như thế nào là phù hợp, theo các ông/bà

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

 Ở thời điểm hiện tại tôi vẫn đang duy trì tỷ trọng ở mức trung bình thấp, phù hợp với mức độ rủi ro và tính biến động mạnh của thị trường.

Các thông tin liên quan đến cuộc gặp mặt lãnh đạo 2 nước Mỹ - Trung thảo luận về vấn đề chiến tranh thương mại sẽ là yếu tố quan trọng quyết định chiến lược đầu tư trong 1 vài tuần tới.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ là có cả 2, vừa cổ phiếu vừa tiền mặt. VN-Index chưa cho thấy rõ khả năng bứt phá, vậy full cổ làm gì?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Trong ngắn hạn, tôi cho rằng tỷ trọng cổ phiếu phù hợp vào thời điểm này là 40% cổ phiếu và nên lựa chọn các cổ phiếu mạnh nhất và hưởng lợi bởi các catalyst ngắn hạn như thủy sản, dệt may, dầu khí.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK Bảo Việt (BVSC)

Nhà đầu tư nên xem xét giảm giữ tỷ trọng danh mục về mức trung bình khoảng 40-50% cổ phiếu trong giai đoạn này khi rủi ro về chiến tranh thương mại đang giảm bớt, hiệu ứng tích cực có thể duy trì trong thời gian tới. Tuy nhiên, không nên giữ danh mục ở mức quá cao khi trong giai đoạn này các rủi ro khác về vĩ mô vẫn còn.

Đầu tiên là việc rủi ro Fed không giảm lãi suất trong năm nay trong khi các nhà đầu tư thế giới đều kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất, khi đó mức độ tác động lên toàn thị trường sẽ tương đối mạnh. Ngoài ra, các số liệu về tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm được công bố thì sẽ cũng sẽ làm thị trường có nhiều biến động.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục