Gỡ rối cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Sửa nghị định chỉ là điều kiện cần

0:00 / 0:00
0:00
Về cơ bản, điều kiện cần nhất để giải quyết câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp là dòng tiền thật vào mua trái phiếu và niềm tin.
Gỡ rối cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Sửa nghị định chỉ là điều kiện cần

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, đây mới chỉ là điều kiện cần về mặt pháp lý.

Ba điểm đáng chú ý của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP

Thứ nhất, cho phép dùng tài sản khác để thanh toán nợ trái phiếu.

Cụ thể, đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 08) cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Thứ hai, được đàm phán kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm.

Nếu như Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 65) quy định, doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành, thì Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, mặc dù phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định.

Thứ ba, hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Cụ thể, Nghị định 08 có “ba tạm ngưng”: tạm ngưng quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; tạm ngưng quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; và tạm ngưng quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Lợi ích đối với thị trường trái phiếu

Về cơ bản, Nghị định 08 đã góp phần sửa đổi một số vấn đề về pháp lý do Nghị định 65 tạo ra, tạo hành lang pháp lý cho 2 đề xuất của các chuyên gia trong thời gian gần đây về việc “gỡ rối” cho thị trường trái phiếu. Đó là cho phép sử dụng tài sản khác để thanh toán nợ, lãi vay trái phiếu và đàm phán giãn nợ kỳ hạn trái phiếu.

Tương tự, việc hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân cũng góp phần làm giảm áp lực đối với việc phải mua lại trái phiếu.

Mặc dù còn một số giới hạn (như chỉ cho điều chỉnh kỳ hạn lên tối đa 2 năm và trong trường hợp người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, thì doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư), nhưng ít nhất, đây cũng là giải pháp về mặt pháp lý mở đường cho những phương án “gỡ rối” cho thị trường trái phiếu.

Với những giải pháp này, ít nhất có thể hy vọng sẽ giảm bớt áp lực trên thị trường trái phiếu trong bối cảnh áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2023 và 2024 khá lớn, nhất là với lĩnh vực bất động sản, vốn đang đứng trước nhiều khó khăn. Ước tính, khoảng 37.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong quý II/2023 và gần 66.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023.

Chỉ mới là điều kiện cần, chứ chưa đủ

Nhìn toàn bộ cục diện, việc sửa đổi Nghị định 65 chỉ mới tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp phát hành thương lượng với nhà đầu tư để giãn nợ hoặc dùng tài sản khác trả nợ, cũng như tạm giảm áp lực mua lại trái phiếu với một số doanh nghiệp phát hành. Mấu chốt của vấn đề là, nhà đầu tư có thể chấp nhận những phương án giãn nợ hay hoán đối trái phiếu thành tài sản khác hay không.

Về việc dùng tài sản khác để trả nợ, ví dụ bất động sản, khá nhiều sản phẩm bất động sản được đề nghị dùng hoán đổi trái phiếu lại là tài sản được hình thành trong tương lai, thậm chí có vấn đề về pháp lý. Như vậy, giải pháp này có thể đơn giản là hoán đổi rủi ro này sang rủi ro khác cho nhà đầu tư, mà trách nhiệm pháp lý sau đó thì không biết ra sao, ai chịu?

Vậy là, vấn đề quay lại câu chuyện pháp lý mà nhiều tỉnh, thành phố đang tìm cách tháo gỡ. Nếu dự án có thể được tháo gỡ pháp lý, thì rủi ro này thấp. Ngược lại, sẽ thành một câu chuyện tranh chấp nhiều kỳ khác và rủi ro pháp lý sẽ chuyển từ doanh nghiệp phát hành sang nhà đầu tư trái phiếu.

Còn với câu chuyện giãn nợ, thì câu hỏi lại là: phương án tái cấu trúc nợ là gì, thương lượng ra sao? Không những vậy, hiện tại, nhiều công ty bất động sản không chỉ phát hành trái phiếu, mà còn có rủi ro bị chuyển nhóm nợ của mình tại các ngân hàng. Nếu ngân hàng chuyển nhóm nợ của các nhà phát triển, thì những thỏa thuận giãn nợ được đồng ý trước đó sẽ ra sao? Quyền lợi của người mua trái phiếu đồng ý thỏa thuận giãn nợ sẽ thế nào?

Có thể thấy, dùng Nghị định số 08 để sửa đổi Nghị định 65 mới chỉ là bước đi đầu tiên trong tiến trình gỡ rối cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu bất động sản nói riêng hiện nay, tức là điều kiện cần. Gỡ rối pháp lý cho bất động sản, tìm đường để doanh nghiệp bất động sản tiếp cận được nguồn vốn và để lãi suất trong nền kinh tế hạ xuống mới là giải pháp căn cơ.

Thậm chí, những điều đó vẫn chưa phải là điều kiện đủ.

Điều kiện đủ là phải thiết lập lại niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, điều mà có thể sẽ cần không ít thời gian để lấy lại những gì đã mất.

Về cơ bản, điều kiện cần nhất để giải quyết câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp là dòng tiền thật vào mua trái phiếu và niềm tin. Phải có niềm tin, thì mới có dòng tiền quay lại. Sửa pháp lý thì cần, nhưng chưa đủ.

Hồ Quốc Tuấn
Giảng viên Đại học Bristol (Anh)/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục