Gỡ "nghẽn" thông tin trên thị trường bảo hiểm

(ĐTCK) Từ những bài viết, phản ánh của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều “nút thắt” trên thị trường bảo hiểm đã được tháo gỡ.
Trong sự phát triển của thị trường bảo hiểm, có sự đồng hành của các cơ quan báo chí, trong đó có ấn phẩm Đầu tư Chứng khoán.

Gỡ vướng cho khách hàng

Ngày 17/9/2022, phóng viên nhận được tin nhắn từ người đại diện cho khách hàng Bùi Quang Huy (Hà Nội) - một thương binh đã nghỉ hưu - báo tin Ngân hàng S. và Công ty Bảo hiểm M. đã đồng ý trả lại khoản tiền đã đóng bảo hiểm cho khách hàng này.

Trước đó, trong đơn khiếu nại gửi phóng viên vào chiều 15/9/2022, khách hàng này cho biết, vài năm trước, ông đem 150 triệu đồng ra Phòng giao dịch Long Biên (Gia Lâm, Hà Nội) của Ngân hàng S. gửi tiết kiệm.

Đến tháng 10/2020, khi sổ tiết kiệm đáo hạn, ông được nhân viên ở phòng giao dịch trên và một người được giới thiệu là nhân viên Công ty bảo hiểm M. chào mời sản phẩm có tính chất tương tự gửi tiết kiệm nhưng được hưởng lãi suất cao hơn, mỗi năm đóng 150 triệu đồng, 6 năm là 900 triệu đồng, sau 6 năm sẽ thu về cả gốc và lãi trên 1 tỷ đồng (tiền hàng năm đóng vào cộng với tiền lãi theo lãi suất từ 8,7 - 12%/năm).

Ông Huy trả lời rằng mức phí này là quá sức với một cán bộ về hưu thì được họ tư vấn là “chỉ cần năm đầu đóng 150 triệu đồng, các năm tiếp theo có bao nhiêu đóng bấy nhiêu”, mức thấp nhất là khoảng 30 triệu đồng.

“Do đã giao dịch tại ngân hàng này nhiều năm, tôi tin tưởng nên đồng ý. Tới tháng 9/2022, do gần đến hạn đóng phí năm thứ 3, tài chính eo hẹp nên tôi muốn dừng hợp đồng thì mới phát hiện ra đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, khách hàng này cho biết.

Ngay trong chiều 15/9/2022, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với phụ trách truyền thông báo chí của ngân hàng và công ty bảo hiểm để tìm hiểu về hướng giải quyết của bên bán bảo hiểm trong trường hợp này, thì đến ngày 17/9, phóng viên nhận được tin nhắn khách hàng đã được giải quyết hoàn phí bảo hiểm theo nội dung như trên.

Trong vòng 5 tháng qua, phóng viên cũng nhận được đơn thư phản ánh từ nhiều khách hàng, luật sư là người đại diện được ủy quyền của khách hàng về việc bị “mua nhầm” bảo hiểm tại một vài ngân hàng. Phóng viên đã liên hệ với các công ty bảo hiểm và ngân hàng liên quan, kết quả là có 10 trường hợp khách hàng được hủy hợp đồng bảo hiểm, hoàn trả lại tiền phí đã đóng do tư vấn viên ngân hàng tư vấn ẩu, khách hàng lại không am hiểu về các sản phẩm tài chính nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng.

10 trường hợp khách hàng được hủy hợp đồng bảo hiểm, hoàn trả lại tiền phí đã đóng do tư vấn viên ngân hàng tư vấn ẩu, khách hàng lại không am hiểu về các sản phẩm tài chính nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng.

Hầu hết những trường hợp như trên đều là khách hàng đến ngân hàng gửi tiền nhưng được mời mua sản phẩm của quỹ đầu tư sinh lời, với lãi suất hấp dẫn và sẽ trả lại khoản tiền đầu tư sau 5 năm, nhân viên tư vấn cũng không hề nhắc đến từ “bảo hiểm”. Có trường hợp đã gửi đơn khiếu nại lên tận Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính.

Chị Nguyễn Thu Hiền, con gái của khách hàng Nguyễn Thị Lan Hương, một trong những trường hợp được hoàn trả tiền bảo hiểm đã nhắn tin cho phóng viên: “Vụ việc được giải quyết phần lớn là nhờ phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán hỗ trợ, đồng hành vô điều kiện. Tôi cảm thấy may mắn và biết ơn Báo nhiều”.

Ngoài các vụ việc mua bảo hiểm qua ngân hàng như trên, thời gian qua, Báo Đầu tư Chứng khoán cũng ghi nhận và phản ánh nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến bồi thường bảo hiểm nhân thọ, xe ô tô, tài sản… Nhiều vụ việc sau khi được Báo phản ánh, phía nhà bảo hiểm đã đồng ý chi trả bồi thường cho khách hàng.

Thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh hơn

Ngay sau khi bài báo “Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải công khai thêm nhiều thông tin nóng” được đăng tải trên Báo Đầu tư Chứng khoán, phản ánh việc nhiều doanh nghiệp “quên” công bố thông tin báo cáo tài chính 2021, ngày 31/8/2022, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã ra Công văn số 1348/QLBH-PNT gửi từng công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm đề nghị nghiêm túc thực hiện quy định này.

Từ phản ánh của báo chí, cùng sự đốc thúc từ cơ quan quản lý, việc công bố báo cáo tài chính 2021 đã có chuyển biến khi tính đến ngày 12/9, nhiều công ty bảo hiểm đã đăng tải đầy đủ báo cáo này như Xuân Thành, Phú Hưng, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI (khối phi nhân thọ); Cathay Life, BIDV MetLife, Bảo Việt Nhân thọ (khối nhân thọ)...

Tương tự, sau khi Báo Đầu tư Chứng khoán có loạt bài phản ánh tình trạng chủ xe mô tô, xe máy tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nhưng khi chi trả bảo hiểm thì bị công ty bảo hiểm gây khó khăn, thủ tục rườm rà thì đến nay, một số quy định gây ách tắc đã được dỡ bỏ.

Cụ thể, theo Nghị định số 03/2021, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (trong khi theo quy định cũ, chỉ trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm mới phải tạm ứng bồi thường). Nghị định này cũng cắt giảm hồ sơ, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giải quyết bồi thường bảo hiểm (cắt giảm 2/5 tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng so với quy định trước đây).

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng cảnh sát cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra. Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ đồng hồ, doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, chủ xe cơ giới các biện pháp đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Trong vòng 24 giờ, tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Đối với tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, chỉ giải ngân nếu khách mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ đã được báo chí phản ánh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mới đây đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống; xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng.

Trước đó, ngày 31/7/2021, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Những năm qua, các cơ quan báo chí nói chung, Báo Đầu tư Chứng khoán nói riêng đã liên tục đăng tải những bài viết phản ánh ý kiến của các chuyên gia bảo hiểm, công ty bảo hiểm, khách hàng… về việc cần thiết phải có hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm, hay công ty bảo hiểm phải tăng cường năng lực tài chính, công khai hơn nữa các thông tin phi tài chính lẫn tài chính… Nhiều kiến nghị, đề xuất đã được cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu.

Theo Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi mới ban hành đã bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện cho công ty bảo hiểm có tình hình tài chính tốt, quản trị lành mạnh phát triển; kịp thời chấn chỉnh các công ty bảo hiểm có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro.

Thị trường bảo hiểm cũng hứa hẹn minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin. Luật mới cũng đưa ra các quy định tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường sự chủ động cho công ty bảo hiểm trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.

Theo giới quan sát, các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm đang dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa theo kịp được mức độ phát triển nhanh của thị trường. Chính sách bồi thường tuy được nhìn nhận là cải thiện nhưng vẫn chưa thật thông thoáng.

Quá trình giải quyết bồi thường tại các công ty bảo hiểm dù thuận tiện hơn trước nhưng vẫn chưa thật sự tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm, dẫn đến nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện suốt thời gian.

Với vai trò thông tin và phản biện xã hội, Báo Đầu tư Chứng khoán nói riêng, các cơ quan báo chí nói chung còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, lành mạnh hơn.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục