Vẫn còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”
Sáu tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn tất việc kiểm tra, đốc thúc tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ phân bổ, giải ngân còn thấp. Và kết quả, sau kiểm tra, đốc thúc, số lượng các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết vốn ngân sách nhà nước đã giảm 4 đơn vị, lượng vốn chưa phân bổ cũng giảm hơn 1/3, từ hơn 11.800 tỷ đồng xuống còn hơn 7.994 tỷ đồng.
Cùng với đó, số đơn vị chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%) giảm từ 17 bộ, cơ quan trung ương xuống còn 5 đơn vị. “Tình hình có chuyển biến nhưng chưa nhiều”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Thậm chí, không chỉ ở các bộ, ngành, địa phương được kiểm tra, chuyện “chuyển biến chưa nhiều” còn diễn ra ở nhiều nơi khác trong cả nước, với trên 36.872 tỷ đồng cho đến nay chưa được phân bổ hết, bằng 7,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Không phân bổ được hết nên đã có 6 bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022, với tổng vốn trên 1.385 tỷ đồng.
Số vốn trên là của 24 dự án đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục thẩm định, phê duyệt, quyết định đầu tư dự án, làm cơ sở để giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022. “Vẫn còn tình trạng vốn chờ dự án đủ thủ tục”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trên thực tế, dù năm 2022 là năm thứ hai triển khai Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhưng thực chất lại là năm đầu tiên, bởi Kế hoạch mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021. Trong khi đó, việc chuẩn bị thủ tục cho các dự án mới thường mất khoảng 6-8 tháng. Bởi thế, gần như chắc chắn, việc giải ngân các dự án này chỉ có thể được thực hiện vào cuối năm nay.
“Chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn đối với các dự án đầu tư mới, nhất là các dự án có quy mô liên vùng”, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Một ví dụ được bà Nguyễn Hương Giang nhắc tới, đó là Dự án cầu Kênh Vàng, kết nối Bắc Ninh và Hải Dương. Dự án này thuộc thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải, nhưng trước khi triển khai còn phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận theo quy định của Luật Đê điều.
“Trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư phải qua nhiều bước lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án”, bà Giang nói và còn nhắc đến những vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, thủ tục xây dựng các khu tái định cư… khiến kéo dài thời gian triển khai dự án.
Đó chắc chắn không phải là dự án duy nhất gặp khó khăn về thủ tục. Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam từng “than” về chuyện thủ tục đối với các dự án mới. Theo đó, mỗi bước quy trình lên đến 30-35 ngày, do đó để hoàn thành thì phải mất vài tháng. Chưa kể, còn hàng loạt “điểm nghẽn” khác cũng đang ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án đầu tư.
Gỡ “điểm nghẽn” để khơi thông vốn đầu tư
Một trong những khó khăn mang tính “đặc trưng” của năm 2022, mà các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đúc kết, đó là những vướng mắc liên quan đến giá các loại nguyên vật liệu đầu vào, như sắt thép, xi măng… không ngừng “leo thang”. Càng làm càng lỗ, nhất là với các gói thầu được ký theo phương thức trọn gói, nên các nhà thầu có xu hướng chờ đợi để được bù giá.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải, giá thành xây dựng của gói thầu xây lắp có thể tăng khoảng 12-18%, trong khi giá trị bù đắp theo chỉ số giá do địa phương công bố chỉ được khoảng 8-12%. “Không chỉ giá cao, mà còn là rất hiếm, không tìm đâu ra đất đá đắp nền”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã nói như vậy.
Vướng mắc nằm ở chỗ, theo quy định hiện hành, khoáng sản được hiểu là “khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”. Để có thể kịp thời khai thác, đáp ứng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các dự án đầu tư công, nhất là dự án động lực, một loạt địa phương đã đề nghị sửa đổi khoản 1, Điều 2, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định về khái niệm “khoáng sản” theo hướng: “tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản”.
Một câu chuyện tưởng nhỏ, nhưng đang cản trở tiến độ triển khai của một loạt dự án quy mô lớn, đặc biệt là các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, chỉ riêng dự án này đã thiếu hàng triệu mét khối đất đá đắp nền.
Chưa kể, hàng loạt vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật cũng tiếp tục được các địa phương “kêu”. Chẳng hạn, chuyện thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công, chuyện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương, hay kể cả chuyện tách giai đoạn bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập…
Hiện nay, Luật Đầu tư công đã quy định chuyện tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện trước, nhưng chỉ áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A. Đối với các loại dự án còn lại, việc giải phóng mặt bằng chỉ được triển khai tại bước thực hiện dự án, tức là sau khi dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân khi chưa có sẵn mặt bằng sạch.
Trong các phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu cũng như lãnh đạo các địa phương đã đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh quy định của Luật Đầu tư công để phù hợp với thực tiễn theo hướng cho phép xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng riêng và xem xét đây là hoạt động chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án.