Giữa bóng đêm Covid-19, công nghệ số tỏa sáng

0:00 / 0:00
0:00
Công nghệ số là “vua”, còn những ngành khác buộc nhanh chân chuyển đổi số nếu không muốn bị bức tử trước Covid-19.
Giữa bóng đêm Covid-19, công nghệ số tỏa sáng

Công nghệ số, thương mại điện tử lên ngôi

Covid-19 đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng kép cả về y tế và kinh tế, nhưng thế giới lại chứng kiến những cuộc lên ngôi lịch sử của công nghệ số, thương mại điện tử và cả những ngành của tương lai.

Điều này cũng tỷ lệ thuận với độ giàu siêu tốc của các tỷ phú công nghệ. Trong 10 tỷ phú giàu nhất thế giới kiếm được hơn 400 tỷ USD kể từ khi Covid-19 xuất hiện, có đến một nửa là các tỷ phú công nghệ.

Xét về độ giàu siêu tốc, Elon Musk của Tập đoàn công nghệ ô tô Tesla đã lại bỏ xa các tỷ phú khác khi tài sản của ông tăng vọt lên 153 tỷ USD, từ 25 tỷ USD hồi tháng 3/2020, do các nhà đầu tư đặt cược rằng, Covid-19 sẽ khiến chính phủ các nước đẩy nhanh chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang sử dụng động cơ điện.

Cổ phiếu Tesla đã tăng gần gấp 7 lần kể từ tháng 3/2020 khi giới đầu tư xác định tập đoàn này sẽ dẫn đầu vượt trội trong cuộc đua phương tiện chạy bằng điện.

Trong khi đó, tài sản của Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, tăng thêm 20 tỷ USD so với hồi tháng 3/2020, lên khoảng 120 tỷ USD. Mark Zuckerberg của Facebook có khối tài sản phình to 80%, lên 100 tỷ USD. Hay tài sản của Larry Ellison, nhà đồng sáng lập Hãng phần mềm Oracle tăng thêm 50%, lên 88 tỷ USD.

Thế giới chứng kiến những cuộc lên ngôi lịch sử của công nghệ số, thương mại điện tử và những ngành của tương lai.

Ở lĩnh vực thương mại điện tử, không lấy làm ngạc nhiên khi giới phân tích và nghiên cứu thị trường toàn cầu bi quan với bán lẻ truyền thống, nhưng lại có niềm tin với thương mại điện tử.

Trong khi các nhà bán lẻ truyền thống trên thế giới than khóc vì phải đóng cửa nhiều tháng vì đại dịch, thì cổ phiếu của “gã khồng lồ” thương mại điện tử Amazon đã tăng 90% kể từ tháng 3/2020.

Jeff Bezos, người sáng lập, kiêm CEO của Amazon có khối tài sản tăng 70 tỷ USD kể từ tháng 3/2020, lên mức kỷ lục 185 tỷ USD.

Nạn nhân đau thương tiếp theo của Covid-19 là ngành du lịch thế giới, khi các nhà hàng, khách sạn, điểm đến du lịch buộc phải đóng cửa để tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Dẫu vậy, thị trường vẫn lóe lên những vệt sáng. Các chuyên gia của mạng lưới phân tích thị trường nợ tư nhân Private Debt Investor chẳng mấy ngạc nhiên khi các quỹ đầu tư trên thế giới lạc quan về công nghệ số, bất chấp tác động của Covid-19, bởi nhu cầu các dịch vụ trực tuyến tăng thẳng đứng khi dịch bệnh lan rộng và các nước áp dụng phong tỏa và giãn cách xã hội, cùng biện pháp hạn chế người dân ra ngoài và khuyến kích làm việc tại nhà. Nhờ vậy, những doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng công nghệ hay những nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến lại trở thành người thắng cuộc.

“Trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và logistics, chúng ta thấy, bán lẻ trực tuyến vẫn tăng trưởng dù chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm”, Eric Capp, quản lý cao cấp tại Ngân hàng Pemberton Bank cho biết.

Steve Sadove, cố vấn cấp cao của Mastercard cược rằng, xu hướng số hóa sẽ tiếp tục thăng hoa trong năm 2021 và các nhà bán lẻ quy mô nhỏ buộc phải áp dụng công nghệ mới nếu muốn đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm mới.

Tiền kỹ thuật số, fintech, big tech… là xu hướng

Các nhà kinh tế học hàng đầu châu Âu bình luận trên chuyên trang phân tích chính sách kinh tế VoxEU rằng, sự phát triển ồ ạt các công nghệ số trước Covid-19 đã dẫn tới sự xuất hiện của những đối thủ cạnh tranh mới của ngân hàng truyền thống.

Dù công nghệ trước Covid-19 kéo theo sự ra đời của nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, nhưng nó cũng đồng thời mở đường cho những “tân binh” công nghệ tài chính gia nhập thị trường và cạnh tranh ngược lại với các mô hình ngân hàng truyền thống.

Tác động của công nghệ đến các mô hình kinh doanh ngân hàng là rất sâu sắc khi tiến bộ công nghệ đã chi phối hệ thống thanh toán, hoạt động thị trường vốn, mở rộng tín dụng và dịch vụ gửi tiền.

Sự ra đời của đồng tiền kỹ thuật số và sự đa dạng các hình thức thanh toán điện tử thời Covid-19 khiến các ngân hàng gặp phải thách thức đáng kể. Nhiều thập kỷ qua, họ quá quen với việc kiểm soát các hình thức số hóa tiền mặt bằng các quy định pháp lý về bảo vệ tiền gửi, kết nối độc quyền với hệ thống xử lý của ngân hàng trung ương và bắt tay chặt chẽ với các công ty thẻ tín dụng.

Thế nhưng, các loại tài sản số như tiền ảo, ví điện tử, stablecoin - một loại tiền điện tử có giá trị được gắn với các tài sản khác như đô-la Mỹ hoặc euro, đang khiến các ngân hàng và cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lúng túng vì không biết đặt đâu trong bảng cân đối kế toán.

Lợi thế cạnh tranh của các “tân binh” tài chính số không nằm ở giá trị tài sản, mà chính là công nghệ thanh toán. Sự tiện lợi của công nghệ thanh toán và kết nối với các đơn vị/lĩnh vực khác đang trở thành một phần trong cuộc sống số của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Các nhà kinh tế học châu Âu biện giải rằng, các fintech sẽ hiện diện nhiều hơn khi trình độ phát triển của quốc gia đó cao hơn và hệ thống ngân hàng kém cạnh tranh, song chúng sẽ thoi thóp nếu quốc gia đó siết quy định hoạt động của fintech.

Việc gia nhập thị trường phi ngân hàng của các đơn vị/doanh nghiệp fintech hiện vẫn chưa phát huy được ý nghĩa, có thể do lo ngại về gánh nặng pháp lý. Ngay cả các nền tảng big tech, với công nghệ tiên tiến và khả năng truy cập dữ liệu lớn và có thể tạo ra những bước tiến lớn, đến nay vẫn chưa thể triển khai. Nhưng Covid-19, dù muốn hay không, buộc các quốc gia phải đánh giá lại một cách sòng phẳng hơn, cả về những ưu việt của công nghệ tài chính và rủi ro trong việc bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục