Trước sự phát triển mạnh mẽ của thời đại 4.0, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị số 01/CT-TTg năm 2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với một trong những lĩnh vực tập trung phát triển là ngành tài chính ngân hàng. Theo đó, chuyển đổi số được coi là nhiệm vụ mà ngành ngân hàng phải đảm nhiệm trước chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Hành trình dẫn dắt nền tảng số
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 82,2 triệu món, giá trị đạt 59,1 triệu tỷ đồng.
Số lượng giao dịch thanh toán qua thẻ đạt gần 205,6 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 475.900 tỷ đồng; số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt 240,9 triệu giao dịch với giá trị đạt 15,2 triệu tỷ đồng (tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 574,4 triệu giao dịch với giá trị đạt 5,9 triệu tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, không phải ngân hàng nào trong hệ thống đều dễ dàng chinh phục được công nghệ số.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi sự cộng hưởng nhiều yếu tố về khuôn khổ pháp lý, mô hình quản trị điều hành, cấu trúc sản phẩm, thiết bị công nghệ số, đội ngũ nhân sự chất lượng.
Trong hệ thống, mỗi ngân hàng bước vào cuộc cách mạng công nghệ số bằng một cách riêng.
Mới đây, Vietcombank ra mắt ngân hàng số VCB Digibank cung cấp nhiều tiện ích mà khách hàng không cần đến điểm giao dịch. Đặc biệt, VCB Digibank tích hợp sẵn phương thức xác thực giao dịch qua Smart OTP, thay thế việc gửi mã xác thực qua SMS truyền thống.
Còn VietinBank có ứng dụng VietinBank iPay Mobile nâng cấp với 50 tính năng mới, mang đến cho khách hàng trải nghiệm thú vị về ngân hàng số. BIDV có Trung tâm ngân hàng số với các sản phẩm tiên tiến, hiện đại, hướng tới khách hàng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ.
Song, Techcombank mới là hiện tượng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong nỗ lực chinh phục công nghệ số và trở thành ngân hàng dẫn dắt cuộc chơi. Lợi thế này xuất phát từ việc ngân hàng này đã công bố sẽ chi 300 triệu USD để đầu tư công nghệ và xây dựng cơ sở dữ liệu hiện đại.
Cú hích từ "zero fee" - dịch vụ ngân hàng điện tử "0 đồng" cho cá nhân đã mang những bước tiến nhảy vọt cho Techcombank từ cuối năm 2016 và được áp dụng cả cho doanh nghiệp từ năm 2019.
Trong năm 2018, Techcombank tiếp tục thực hiện chương trình Debit Cashback để hoàn tiền lại cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua thẻ debit. Tính đến năm 2020, hàng nghìn tỷ đồng phí giao dịch đã được Techcombank “đầu tư” trở lại cho khách hàng.
Nền tảng số hóa dẫn đầu thị trường giúp khách hàng của Techcombank có thể thực hiện giao dịch 24/7 từ bất cứ nơi đâu.
Tính đến năm 2020, Techcombank đã thiết lập hệ thống kết nối với 54 nhà cung cấp dịch vụ lớn trên khắp cả nước để khách hàng có thể thanh toán các dịch vụ cơ bản thiết yếu như điện, nước, truyền hình hay phí dịch vụ, bảo hiểm… chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối internet.
Bên cạnh đó, Techcombank đã triển khai giải pháp kết nối ví điện tử thông qua thẻ nội địa và thẻ visa debit với các đối tác như kết nối thanh toán thẻ nội địa VinID Pay, thanh toán thẻ Debit với Grab by Moca. Giải pháp này nhanh chóng giúp khách hàng tối ưu hoá thời gian và chi phí trong sử dụng các dịch vụ phục vụ đời sống hàng ngày.
Lãnh đạo Techcombank cho biết, hiện hơn 85% giao dịch của Ngân hàng đã được thực hiện bởi tiện ích số hóa. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc xác định rõ “thương hiệu” Techcombank gắn với nền tảng số hoá từ sớm đã giúp ngân hàng này tạo dựng được bản lề vững chắc.
Hiệu quả là trải nghiệm khách hàng
Xu hướng giao dịch điện tử tăng mạnh hiện nay chính là tiền đề để các ngân hàng dốc sức vào cuộc chơi số hóa và hiệu quả được đo bằng trải nghiệm khách hàng. Do vậy, miếng bánh về thị phần ngân hàng trực tuyến vẫn chưa thấy sự phân định rõ ràng.
Tuy nhiên, có thể thấy từ số lượng khách hàng đến tỷ lệ giao dịch thì Techombank đang chiếm ưu thế.
Chiến lược theo đuổi công nghệ số từ những năm trước đã giúp Techcombank tạo ra những bứt phá kỳ tích.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Techcombank đã có thêm hơn 330.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng đang hoạt động mà Ngân hàng phục vụ lên gần 8 triệu.
Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2020 lần lượt đạt 153 triệu giao dịch (tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái) và gần 2 triệu tỷ đồng (tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái).
Sự tín nhiệm của khách hàng gia tăng đã đưa Techcombank lên “Top 2 ngân hàng uy tín nhất Việt Nam 2020” và giữ vững vị thế “Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân uy tín nhất 2020” (theo đánh giá của Vietnam Report). Với những kết quả đạt được, tốc độ tiến về mục tiêu đặt ra trong tương lai của Techcombank tiếp tục gia tăng chắc chắn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, sự thành công của Techcombank đến từ chính sự tiên phong trong lĩnh vực công nghệ số.
“Chiến lược theo đuổi công nghệ số từ những năm trước đã giúp Techcombank tạo ra những bứt phá kỳ tích. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Techcombank tiếp tục vượt qua thách thức trong thời điểm nền kinh tế khó đoán định”, ông Hiếu nhấn mạnh.