Thanh toán không dùng tiền mặt, những con số bất ngờ

(ĐTCK) Trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động thanh toán điện tử ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể cho thấy thói quen dùng tiền mặt của người dân đang dần thay đổi. Kết quả này một phần lớn là nhờ Covid-19.
Thanh toán không dùng tiền mặt, những con số bất ngờ

Số liệu được đưa ra tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai” tổ chức cuối tuần qua cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Ðặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt.

Triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (lần 1 là 517 tỷ đồng và lần 2 là 487 tỷ đồng).

NHNN cũng có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng; ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng, áp dụng từ 1/4-31/12/2020…

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Ðức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, từ sự hợp tác giữa nhà bán lẻ, công nghệ ví điện tử và cơ quan truyền thông, chỉ trong 2 ngày đầu tiên, trung bình mỗi giờ đã có 500 kg vải được bán, nâng con số vải bán ra lên hơn 22 tấn - điều ban đầu nhà bán lẻ chưa hề nghĩ đến.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc Vietjet Air thì cho hay, hãng bay này ghi nhận hơn 2,5 tỷ USD doanh thu từ hệ thống điện tử.

Còn ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN thông tin, tỷ lệ hóa đơn tiền điện thanh toán qua ngân hàng, trung gian thanh toán tăng mạnh những năm gần đây, từ 14,88% số hóa đơn năm 2015 tăng lên 64% và hơn 81% tiền điện đến nay, trong đó phương thức không dùng tiền mặt là 54,64% về hóa đơn và 72,32% tiền điện.

“Ðể đẩy mạnh thanh toán điện tử trong thanh toán tiền điện, năm 2019, EVN đã số hóa 100% nghiệp vụ kinh doanh và chăm sóc khách hàng không dùng tiền mặt, cung cấp dịch vụ điện trên cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2020, EVN tiếp tục đẩy mạnh doanh nghiệp số, kết nối nền tảng tích điểm chăm sóc khách hàng, cung cấp các dịch vụ điện tử để khách hàng trải nghiệm trên nền tảng số. Theo đó, khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua cổng dịch vụ công quốc gia, QR Code, Mobile Money…”, ông Lâm nói.

Bà Lý Thị Hoài Hương, vụ phó Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, tính đến cuối năm 2019, đã có 99% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử. Số tiền thuế đã nộp bằng phương thức điện tử năm 2019 là trên 700.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Hương, vẫn còn một số vướng mắc, chẳng hạn việc nộp thuế điện tử đối với cá nhân còn khó khăn do thói quen của người nộp thuế, ngại tiếp xúc với công nghệ. Về phía các cơ quan nhà nước, việc triển khai dịch vụ công điện tử chưa đồng bộ ở các ngành, đơn vị, dẫn tới doanh nghiệp không được chấp nhận hồ sơ…

Ðồng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cũng cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất trong thanh toán phi tiền mặt đó chính là từ các bộ, ngành trong việc tự động hóa, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, nên cần sớm có giải pháp xử lý.

Phát biểu tại hội thảo, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán điện tử, trong đó trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức điện tử (eKYC)...

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục