Những khái niệm cần sửa đổi
Bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch Zalo Pay chia sẻ, Khoản 13, Điều 3 - dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung) có nội dung: Tiền di động (mobile money) là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
“Đây là một trong những điểm bất cập, chưa phù hợp với Khoản 10, Điều 3 của dự thảo. Tiền di động trước tiên là một phương tiện thanh toán. Nếu tiền di động được định danh bởi cơ sở dữ liệu thuê bao di động, thì tiền di động có phải tuân thủ pháp luật phòng chống rửa tiền? Quy định tuân thủ nhận biết khách hàng theo pháp luật phòng chống rửa tiền?”, bà Thanh nêu câu hỏi.
Còn theo đại diện Techcombank, với định nghĩa này thì rõ ràng tiền di động lại không phải là một loại/hình thức tiền tệ, mà chỉ là một đại lượng thể hiện/thước đo giá trị của tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử.
Và nếu chỉ là thước đo giá trị thì tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hay bất cứ tổ chức nào khác cũng không thể “phát hành” được tiền di động như nêu trong dự thảo.
Để làm rõ hơn khái niệm tiền di động, Techombank đề xuất Ban soạn thảo cần làm rõ một số câu hỏi: Tiền di động có phải là một loại tiền tệ hay không?
Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành tiền di động theo cơ chế, cách thức nào? Cách thức vận hành của tiền di động?
“Ban soạn thảo cần sửa đổi lại dự thảo theo hướng quy định rõ tiền điện tử được sử dụng trong thanh toán hợp pháp ở Việt Nam phải là tiền được số hóa từ tiền đồng và việc phát hành phải thông qua nối kết với tài khoản ngân hàng để đảm bảo nguyên tắc không dùng tiền mặt và đáp ứng các quy định về phòng chống rửa tiền...”, đại diện Techcombank gợi ý.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, khái niệm “tiền di động” như tại dự thảo là chưa rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với tính chất quan trọng nhất của tiền tệ là tính lưu thông hay tính lưu động, mà vế còn lại hoàn toàn không có sự tương ứng là “tiền cố định”.
Vì vậy, nên sửa “tiền di động” thành “tiền điện tử trên thuê bao di động” hay “tiền trên thuê bao di động” để phù hợp với thực tiễn.
Còn bà Trương Cẩm Thanh đề xuất sửa đổi: “Tiền di động là phương tiện thanh toán ghi nhận tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông và tổ chức khác phát hành theo quy định pháp luật, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và được nhận biết khách hàng theo quy định pháp luật phòng chống rửa tiền”.
Hồ sơ về nhân sự: Điều kiện còn nhiều tranh luận
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Điều 20 của dự thảo Nghị định quy định về quy trình, thủ tục chấp thuận bằng văn bản hoạt động cung ứng dịch vụ về thanh toán không qua tài khoản khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
Trong phần về hồ sơ yêu cầu: “Hồ sơ về nhân sự: Sơ yếu lý lịch, bản sao được chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu các văn bản chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện cung ứng dịch vụ này” (Điểm d, Khoản 2).
“Cơ sở nào để xác định hồ sơ nhân sự là phù hợp? Nếu quy định như tại dự thảo sẽ dễ tạo sự tuỳ ý...”, bà Thảo nêu quan điểm.
Hay như Điểm d, Khoản 2, Điều 26 quy định về điều kiện nhân sự: “Người đại diện theo pháp luật, , tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức phải có bằng đại học trở lên và có ít nhất 3 năm làm việc trực tiếp tại một trong các lĩnh vực quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật; phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (gồm trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật) có bằng cao đẳng trở lên về một trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm”, theo bà Thảo, điều kiện này là không cần thiết và không có ý nghĩa về quản lý nhà nước, có thể cản trở sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ có ý tưởng kinh doanh sáng tạo.
Tương tự, bà Thảo băn khoăn về tính cần thiết liên quan tới quy định thành phần hồ sơ “bao gồm sơ yếu lý lịch cá nhân tự lập phải được chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật tại Điểm c, Khoản 1, Điều 30 về quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Cần có những quy định chuyên biệt
Là người tham gia đóng góp ý kiến cho nhiều dự thảo sửa đổi nghị định, thông tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam cho rằng, để có được một hành lanh pháp lý khá hoàn chỉnh về thanh toán không dùng tiền mặt như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã phải trải qua quá trình dài tính toán, xây dựng, bên cạnh sự đóng góp của các bên liên quan để đưa ra được nhiều hướng mở cho tiền điện tử nói riêng, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung.
Ví dụ, trước đây có quy định hạn mức thanh toán đối với doanh nghiệp, nhưng hiện nay đã bỏ, hay đưa thêm vào những khái niệm mới như tiền di động...
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo đề xuất, dự thảo Nghị định cần có các quy định thống nhất về điều kiện kinh doanh cho các loại hình tiền điện tử khác nhau, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
“Theo quan điểm của tôi, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định chuyên biệt, tránh trường hợp có sự không công bằng giữa tiền di động và ví điện tử”, bà Dương gợi ý.
Đối với quy định về bằng cấp, cũng như về điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong đề án phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt khi cấp phép, bà Dương cho rằng: “Ngân hàng Nhà nước cần phải nắm rõ khi cấp phép hay như một tổng giám đốc vận hành doanh nghiệp phải đảm bảo có đủ điều kiện để đại diện cho doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp sản suất, kinh doanh theo đúng quy định về pháp luật”.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, tính từ thời điểm có hiệu lực thi hành là ngày 26/3/2013, qua hơn 6 năm triển khai, Nghị định 101/2012 là văn bản pháp lý quan trọng, có mức độ ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan.
Nghị định với những nội dung quan trọng về dịch vụ trung gian thanh toán, điều kiện hoạt động và cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cơ chế quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển của các dịch vụ trung gian thanh toán (như ví điện tử) đã được người tiêu dùng chấp nhận và đón nhận tích cực;
Góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình thanh toán điện tử, thanh toán di động, thanh toán phục vụ thương mại điện tử thời gian qua;
Góp phần đem lại chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế, đưa thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đi vào cuộc sống, hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong xu hướng hội nhập quốc tế và nhu cầu của thực tiễn Việt Nam, một số quy định tại Nghị định 101/2012 đã bộc lộ bất cập nên cần được nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: "Cuộc khảo sát doanh nghiệp trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2019 của VCCI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử lên tới 99% và 92% doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã tham gia nộp thuế điện tử. Đây là con số rất ấn tượng so với khảo sát cách đây 3 năm”.
“Với vai trò là đơn vị chủ trì dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước rất muốn lắng nghe các ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, đại diện từ các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, các tổ chức, cá nhân liên quan đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012.
Những ý kiến góp ý sẽ là nguồn thông tin quan trọng giúp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ theo đúng trình tự ban hành”, ông Dũng nói.