Chủ động cung cấp thông tin cho “thượng đế”
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Ngụy Thanh Vĩ, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần gỗ An Cường cho biết, trong thời kỳ bùng nổ thông tin, để khách hàng có thể nhận diện các sản phẩm chính hãng, có chất lượng, An Cường luôn chủ động và sẵn sàng cung cấp, giải đáp những thắc mắc của người tiêu dùng bất cứ lúc nào qua đường dây nóng, trực tiếp tại văn phòng hoặc qua tin nhắn website Công ty. Với hình thức chát trực tuyến và tổng đài tư vấn miễn phí, khách hàng sẽ được nhân viên chăm sóc khách hàng tư vấn cụ thể về các loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu, không gian, phong thủy.
Việc một sản phẩm định hình được uy tín thương hiệu bị nhái mẫu mã là rất phổ biến trên thị trường nội thất. Với An Cường, việc bị nhái mẫu mã, kiểu dáng cũng đã từng xảy ra.
“Việc mua nội thất không đơn thuần như mua một cái túi xách hay đồng hồ đeo tay, khi người ta không thích có thể cho tặng. Còn sản phẩm nội thất như tủ, giường, bàn ghế gắn chặt với công năng, diện tích phòng, căn hộ, bàn ăn, sofa… Khách hàng sẽ rất mất công sức, tiền bạc để thay đổi nếu sản phẩm không như ý. Do đó, người tiêu dùng rất cần thông tin chính thống từ nhà sản xuất để so sánh và lựa chọn phù hợp”, đại diện An Cường nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng V-Home cũng chia sẻ, hiện nay số đông khách hàng đều đến tận nơi sản xuất hoặc trung tâm giới thiệu sản phẩm để trải nghiệm, tìm hiểu kỹ về sản phẩm rồi mới đưa ra lựa chọn. Chính vì vậy, là người bán hàng ai cung cấp được nhiều thông tin thuyết phục làm hài lòng “thượng đế” về sản phẩm thì sẽ thắng.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia về nội thất, việc cung cấp thông tin chi tiết, có bảo chứng về nội thất hiện nay mới chỉ diễn ra ở một số đơn vị, nhà phân phối lớn có uy tín, với những sản phẩm có giá thành cao. Còn đa số vẫn “đói” thông tin về sản phẩm, nhất là các sản phẩm ở phân khúc trung bình. Hơn nữa, việc phân biệt thông tin đúng, sai cũng khó nhận biết cho người tiêu dùng vì công tác quản lý, giám sát vẫn còn nhiều lỗ hổng.
“Lửa thử vàng”
Theo thống kê của Nội thất 24h, giá trị sản xuất đồ nội thất tại Việt Nam được thống kê năm 2016 là 770 triệu USD và được dự kiến sẽ vượt 1 tỷ USD vào năm 2020. Hiện thị trường có sự tham gia của hơn 7.000 doanh nghiệp sản xuất và cung ứng đồ nội thất, chưa kể hàng vạn hộ sản xuất nhỏ tại các làng nghề. Lĩnh vực này đem lại một nguồn lợi đáng kể cũng như giải quyết được vấn đề làm việc cho rất nhiều người.
Tuy nhiên, kéo theo đó là sự “bất minh”, khó quản lý cũng như phân định rạch ròi về chất lượng, xuất xứ, nhãn hàng, nguồn gốc sản phẩm, dẫn đến nhiều hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Nguyễn Trường, một chủ cơ sở sản xuất đồ nội thất lâu năm tại Thanh Xuân (Hà Nội), tiết lộ bí kíp nhận biết hàng thật hàng giả: “Hiện nay, không ít các cửa hàng nhỏ lẻ tại Hà Nội, TP.HCM vẫn bán nội thất và giới thiệu sản phẩm của nhiều hãng lớn, nhưng khi khách hàng đưa ra các yêu cầu về sản phẩm hoặc yêu cầu xuất trình hóa đơn mua hàng thì không cung cấp được. Đây là dấu hiệu của việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu”.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Ngọc Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Xây dựng nội thất Nhà Xinh nói: “Thực ra, để phân biệt được hàng nội thất thật giả hiện nay người trong nghề như chúng tôi còn khó chứ đừng nói đến người tiêu dùng. Bởi nội thất có nhiều loại sản phẩm, công năng khác nhau, cách nhận biết khác nhau và không ai am hiểu hết cả”.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Quang Hưng, Trưởng phòng Makerting Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng V-Home cho biết, ngay cả ông nếu đi mua nội thất, ngoài lĩnh vực đồ gỗ - chuyên môn thì các sản phẩm khác cũng khó lựa chọn vì không có kinh nghiệm, hiểu biết và thiếu thông tin về sản phẩm.
Theo chia sẻ từ các nhà sản xuất nội thất trong nước, tình trạng phổ biến hiện nay là một số nhà phân phối tìm kiếm các mẫu mã, chủng loại sản phẩm đang “hot” hiện nay rồi sang Trung Quốc tìm đến các địa chỉ gia công, đặt hàng “nhái” với số lượng lớn, sau đó vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Do đó, với các sản phẩm nhập ngoại nguyên bộ hoặc nhập ngoại nguyên vật liệu, việc đòi hỏi nhà phân phối xuất trình hóa đơn nhập khẩu là nên làm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng nên tìm đến các cơ sở sản xuất hoặc phân phối đã khẳng định được uy tín trên thị trường để có thêm sự bảo chứng cho việc “chọn mặt gửi vàng”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com