Sau khi những vướng mắc liên quan đến lưu thông vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ qua các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 cơ bản được tháo gỡ, thì một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là nguy cơ đứt gãy chuỗi logistics hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn rất lớn.
Trên thực tế, với chỉ đạo kịp thời của Phó thủ tướng Lê Văn Thành vào cuối tuần trước, công tác lưu thông vận tải hàng hóa bằng đường bộ gắn với thực hiện nghiêm túc công tác phòng dịch đã được rốt ráo triển khai. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện QR Code còn thời hạn do ngành giao thông - vận tải cấp để vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất - kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến công lộ kể từ 0h ngày 30/7/2021.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, lãnh đạo Chính phủ còn cho phép các phương tiện không có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn chỉ cần thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện khi lưu thông qua chốt kiểm dịch.
Vấn đề còn lại lúc này đối với vận tải hàng hóa đường bộ là cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm khi thi hành công vụ, tránh tình trạng chính quyền cơ sở “tự biên, tự diễn”, đi ngược chỉ đạo của Chính phủ, gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa. Hoàn toàn có cơ sở khi đưa ra vấn đề trên, bởi câu chuyện "quan thì xa, bản nha thì gần" vẫn luôn ẩn hiện đây đó, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Điều đáng lo ngại là, ngay cả khi chúng ta làm tốt công tác lưu thông vận tải hàng hóa bằng đường bộ gắn với thực hiện nghiêm túc công tác phòng dịch, thì nguy cơ đứt gãy chuỗi logistics hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn rất lớn.
Những cảnh báo mới đây từ đơn vị khai thác cảng Cát Lái - cảng biển lớn nhất khu vực TP.HCM về lượng container tồn đọng đã chạm ngưỡng 100% công suất, trong khi nhân sự làm việc bị cắt giảm một nửa do tác động của Covid-19 - là điều cần được các cơ quan quản lý lưu tâm.
Cần phải nói thêm rằng, việc một hay nhiều cảng biển, thậm chí là cảng biển đầu mối lớn phải dừng hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từng xảy ra trên thực tế, khi vào giữa tuần trước, cảng Quy Nhơn đã bị tạm phong tỏa gần một ngày sau khi một lái xe tải ra vào cảng dương tính với Covid-19.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đợt bùng phát dịch Covid-19 ở miền Nam Trung Quốc hồi tháng 4/2020 đã làm tê liệt các cảng biển huyết mạch khu vực Quảng Đông, làm gián đoạn các dịch vụ vận tải biển, khiến việc giao hàng chậm trễ và là một trong những yếu tố đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Việt Nam là quốc gia có hoạt động xuất nhập khẩu rất lớn, nên hệ thống cảng biển, đặc biệt là các biển nước sâu khu vực phía Nam đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi logistics vận tải hàng hóa cả nước. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp cảng biển, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động xây dựng kịch bản dự phòng cho những tình huống xấu nhất. Đặc biệt, cần sớm xem xét, hỗ trợ và tạo điều kiện đưa thuyền viên Việt Nam, công nhân làm việc tại các cảng biển và dịch vụ hàng hải - một trong những đối tượng lao động đặc thù đã được quy định trong Bộ luật Lao động - vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vắc-xin trong thời gian tới, để giúp họ yên tâm làm việc trên tàu và tại các cảng biển Việt Nam.
Vào lúc này, bảo đảm an toàn cho lao động, để cảng biển “sạch” dịch bệnh cũng chính là bảo vệ một trong những mắt xích trọng yếu nhất trong chuỗi cung ứng vật tư, hàng hóa xuất nhập khẩu, tránh để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc. Đây cũng là nỗ lực góp phần duy trì tính liên tục của một trong những huyết mạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.