Giới phân tích kỳ vọng Fed và ECB sẽ giữ lãi suất thấp trong thời gian dài hơn

(ĐTCK) Theo khảo sát của Deutsche Bank, phần lớn các chuyên gia đầu tư đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong một cuộc khảo sát tâm lý thị trường với hơn 600 chuyên gia đầu tư trên toàn thế giới được thực hiện bởi Deutsche Bank từ ngày 6/10 đến 8/10, trong đó 42% dự đoán Fed sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thiên về hướng ôn hòa, trong khi 24% dự đoán rằng Fed sẽ có chính sách “đúng” và 33% dự báo một xu hướng diều hâu hơn.

Viễn cảnh về chính sách ôn hòa từ ECB được cho là có nhiều khả năng xảy ra hơn, với 46% kỳ vọng chính sách tiếp tục dễ dãi so với 26% tin rằng chính sách sẽ là “đúng đắn” và 21% cho rằng chính sách sẽ thắt chặt quá mức.

Ngược lại, 45% nhận thấy rủi ro lớn hơn về việc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) thực hiện chính sách diều hâu, so với 20% cho rằng BoE sẽ thực hiện chính sách “đúng” và 20% cho là chính sách ôn hòa.

Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương lớn đã tỏ ra thận trọng trong những tuần gần đây và dường như đang áp dụng cách tiếp cận "chờ và xem" đối với lạm phát và triển vọng tăng lãi suất.

Tuy nhiên, Thống đốc BoE Andrew Bailey hôm 17/10 đã đưa ra gợi ý rõ ràng nhất rằng lãi suất của Anh có thể tăng lên và ngân hàng trung ương "sẽ phải hành động" trước lạm phát gia tăng.

ECB

Andrea Enria, Chủ tịch ban giám sát của ECB nói với Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ của Nghị viện châu Âu vào hôm thứ Năm (14/10) rằng, mặc dù triển vọng kinh tế đã được cải thiện nhưng “bản chất vẫn là sự thận trọng”.

“Chúng tôi đang theo dõi rất kỹ việc tích tụ rủi ro trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng và ECB cũng đang nhận thấy sự hình thành các lỗ hổng bất động sản nhà ở ở một số quốc gia”, ông Andrea Enria cho biết.

Ông lưu ý rằng, cùng với “chất lượng tài sản xấu đi”, việc “tìm kiếm lợi nhuận quá mức” của các ngân hàng đang thúc đẩy nhu cầu đòn bẩy ngày càng tăng, làm tăng rủi ro thị trường.

Tại cuộc họp vào tháng 9, ECB đã hoãn một số quyết định quan trọng sang tháng 12, nhưng giá năng lượng tăng cao kể từ thời điểm đó đã khiến lạm phát tháng 9 của khu vực EU lên mức cao nhất trong 13 năm là 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái và các nhà phân tích kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục tăng.

Nhà kinh tế cao cấp của HSBC Fabio Balboni cho biết trong một nghiên cứu hôm thứ Hai (18/10) rằng, mặc dù sự chia rẽ đang gia tăng trong Hội đồng châu Âu, nhưng Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể sẽ tranh luận về trường hợp này để giữ một lập trường ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để bơm tiền vào hệ thống tài chính bất cứ khi nào cần thiết tại cuộc họp tháng 10.

“Với rủi ro giá năng lượng tăng có thể được duy trì lâu hơn và dẫn đến lạm phát gia tăng trên tổng thể nền kinh tế, triển vọng trung hạn đối với chính sách tiền tệ giờ đây chắc chắn trở nên không chắc chắn. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một số phản ứng tiêu cực của thị trường trong tháng 10. Câu hỏi đặt ra là nó sẽ mạnh đến mức nào”, ông Fabio Balboni cho biết.

Fed

Dữ liệu lạm phát tăng mạnh là một nguồn suy đoán chính rằng Fed có thể buộc phải tăng lãi suất sớm hơn. Biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) chỉ ra rằng, ngân hàng trung ương có thể bắt đầu giảm dần việc mua trái phiếu hàng tháng từ tháng tới.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của Mỹ đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin tuần trước cho biết, cần có thêm dữ liệu kinh tế trước khi Fed có thể bắt đầu xem xét việc tăng lãi suất. Ông nghiêng về việc bắt đầu quá trình cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 11 do rủi ro lạm phát ngày càng tăng.

Các quan chức Fed đã nhấn mạnh rằng, ngay cả sau khi bắt đầu thực hiện giảm dần chương trình mua tài sản, việc tăng lãi suất cũng sẽ mất một thời gian sau đó mới bắt đầu thực hiện.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục