Sau những lo lắng mất mát do ảnh hưởng từ chứng khoán Trung Quốc, giới đầu tư toàn cầu nói chung và phố Wall nói riêng đã được hưởng niềm vui trong phiên giao dịch thứ Năm.
Chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục mạnh trở lại nhờ các biện pháp can thiệp mạnh tay của cơ quan quản lý, trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp lại có hy vọng được tháo gỡ.
Hy Lạp vừa cung cấp các biện pháp cải cách mới cho các chủ nợ, bao gồm tăng thuế vận chuyển và bỏ chính sách giảm thuế cho các quần đảo của mình, tăng thuế giá trị gia tăng với các nhà hàng và đưa ra thời gian biểu đối với công ty tư nhân.
Chính phủ Hy Lạp hỏi ý kiến Quốc hội vào thứ Sáu này về các văn bản được xem là “đi trước”, cơ sở có thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.
Đức, chủ nợ lớn nhất của Athens cũng bắt đầu cơ những nhượng bộ nhỏ bằng cách thừa nhận rằng, Hy Lạp sẽ cần cơ cấu lại một số khoản nợ, như là một phần của chương trình tài chính trong trung hạn mới giúp quốc gia này tồn tại.
Với các thông tin tích cực này, chứng khoán Mỹ đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm, sau phiên giảm mạnh trước đó.
Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Dow Jones tăng 33,2 điểm (+0,19%), lên 17.548,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,63 điểm (+0,23%), lên 2.051,31 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,64 điểm (+0,26%), lên 4.922,4 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, thông tin tích cực từ tình hình Hy Lạp giúp các thị trường khu vực khởi sắc trong phiên thứ Năm, sau phiên thoát hiểm trước đó trước sự ảnh hưởng của chứng khoán Trung Quốc.
Kết thúc phiên 9/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 90,93 điểm (+1,4%), lên 6.581,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 249,11 điểm (+2,32%), lên 10.996,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 118,20 điểm (+2,55%), lên 4.757,22 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên lao dốc không phanh hôm thứ Tư, các chỉ số chính của khu vực đã hồi phục trở lại một cách mạnh mẽ. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc gần như lấy lại được hết những gì đã đánh mất trong phiên trước. Đây có thể coi là thành quả của các biện pháp từ Chính phủ, nhưng giới đầu tư và phân tích vẫn tỏ ra nghi ngờ vào khả năng hồi phục của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Kết thúc phiên 9/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 117,86 điểm (+0,6%), xuống 19.855,5 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 876,23 điểm (+3,73%), lên 24.392,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 202,14 điểm (+5,76%), lên 3.709,33 điểm.
Trên thị trường vàng, lúc đầu giá vàng tiếp tục có những bước tiến khá tốt, vượt qua ngưỡng 1.160 USD/ounce khi Mỹ công bố thất nghiệp trong tuần trước của nước này tăng lên 294.000, nhiều hơn so với dự báo. Dữ liệu giúp cho khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 9 sẽ thấp đi, khiến đồng USD giảm và giá vàng được lợi.
Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, giới đầu tư toàn cầu trở nên bình tĩnh hơn, cùng với việc tình hình Hy Lạp có triển vọng tích cực đã khiến đà tăng của giá vàng bị chặn lại. Kết thúc phiên thứ Năm, giá vàng giao ngay chỉ còn mức tăng rất khiêm tốn, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 8 điều chỉnh giảm trở lại.
Kết thúc phiên 9/7, giá vàng giao ngay tăng 1,3 USD (+0,11%), lên 1.159,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 4,3 USD/ounce (-0,37%), xuống 1.159,2 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, sau 2 phiên lình xình, giá dầu thô đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 9/7, giá dầu thô Mỹ tăng 1,13 USD/thùng (+2,14%), lên 52,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,56 USD (+2,66%), lên 58,61 USD/thùng.