Sau phiên hồi nhẹ trong ngày thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng và kỳ vọng mùa kết quả kinh doanh quý II khả quan, phố Wall đã giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư khi mối lo bong bóng chứng khoán Trung Quốc nổ tung.
Hiện giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đang mất niềm tin dù Bắc Kinh đã đưa ra nhiều biện pháp đã ngăn chặn đà bán tháo trên thị trường nước này. Trong 3 tuần qua, chứng khoán Trung Quốc đã mất hơn 30%, khiến vốn hóa của thị trường này cũng bay hơi hơn 3.000 tỷ USD.
Nếu bong bóng chứng khoán Trung Quốc bị vỡ hoàn toàn, nó sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong thập kỷ vừa qua. So với kinh tế Trung Quốc, kinh tế Hy Lạp chỉ là đốm lửa nhỏ, vì vậy, mọi con mắt của giới đầu tư bây giờ đang hướng về Thượng Hải, Thâm Quyến và đã bỏ qua Athens, Brussel.
Nếu sức khỏe của kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề, các nước xuất khẩu lớn sẽ bị ảnh hưởng. Đà phục hồi yếu ớt của Nhật Bản sẽ bị đe dọa, Australia có thể đối mặt với giảm phát sau 25 năm, Ân Độ cũng chịu tác động lớn, các nước châu Âu và thậm chí là cả Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Fed được công bố, các quan chức cho rằng cần xem xét sự chắc chắn của các yếu tố kinh tế trước khi quyết định tăng lãi suất. Đây được coi là thông tin tích cực cho thị trường, nhưng bị lu mờ bởi nỗi sợ hãi từ bên kia bờ Thái Bình Dương.
Kết thúc phiên 8/7, chỉ số Dow Jones giảm 261,49 điểm (-1,47%), xuống 17.515,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 34,66 điểm (-1,67%), xuống 2.046,68 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 87,70 điểm (-1,75%), xuống 4.909,76 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại có diễn biến ngược lại so với chứng khoán toàn cầu nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính và dược nhờ thông tin tốt của 2 nhóm ngành này được đưa ra. Ngoài ra, khả năng tình hình Hy Lạp có thể được cứu vãn cũng tạo ra kỳ vọng cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán “lục địa già”. Tuy nhiên, đà tăng này có thể bị đe dọa trong các phiên cuối tuần do tác động từ chứng khoán Trung Quốc.
Kết thúc phiên 8/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 58,49 điểm (+0,91%), lên 6.490,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 70,52 điểm (+0,66%), lên 10.747,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 34,38 điểm (+0,75%), lên 4.639,02 điểm.
Như đà đề cập ở trên, một khi sức khỏe kinh tế Trung Quốc có vấn đề, Nhật Bản sẽ là nước chịu ảnh hưởng gần như đầu tiên. Sự hồi phục yếu ớt mà nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang có sau thập kỷ giảm phát có thể sẽ bị tiêu tan, do đó rất dễ hiểu chứng khoán Nhật Bản cũng lao mạnh theo đà của chứng khoán Trung Quốc.
Trong phiên thứ Tư, chỉ số Nikkei 225 đã có phiên giảm mạnh nhất hơn 1 năm, xuống mức thấp nhất 7 tuần. Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008 do tác động từ thị trường chứng khoán đại lục, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2015.
Cũng trong phiên thứ Tư, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục sụt giảm gần 6%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2008. So với mức đỉnh hồi giữa tháng 6, chỉ số Shanghai Composite đã mất hơn 30%.
Ngoài các biện pháp đã đưa ra trước đó như giảm lãi suất margin, dừng các đợt IPO, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc còn đưa ra biện pháp cấm các nhà đầu tư lớn sở hữu trên 5% bán ra trong vòng 6 tháng tới và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp nào vi phạm.
Trong khi đó, các cổ đông lớn của các ngân hàng lớn Trung Quốc và công ty khác như Sinopec cam kết duy trì nắm giữ cổ phiếu, thậm chí sẽ xem xét mua vào thêm.
Kết thúc phiên 8/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 638,95 điểm (-3,14%), xuống 19.737,64 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.458,75 điểm (-5,84%), xuống 23.516,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 219,93 điểm (-5,90%), xuống 3.507,19 điểm.
Lo ngại về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và đồng USD giảm mạnh đã giúp vàng hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó. Tuy nhiên, đà tăng là không lớn khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố với việc các quan chức của cơ quan này muốn tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 8/7, giá vàng giao ngay tăng 3 USD (+0,26%), lên 1.158,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 10,9 USD/ounce (+0,95%), lên 1.163,5 USD/ounce.
Giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm khi giới đầu tư bất ngờ với việc xây dựng kho dự trữ của Mỹ, trong khi dầu thô Brent tiếp tục tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 8/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,68 USD/thùng (-1,32%), xuống 51,65 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,2 USD (+0,35%), lên 57,05 USD/thùng.