Giới đầu tư tìm được lý do để chốt lời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên thứ Tư (2/8), sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch có động thái hạ xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Mỹ làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các tài sản rủi ro trên toàn thế giới.
Giới đầu tư tìm được lý do để chốt lời

Fitch đã hạ cấp tín nhiệm nợ của Mỹ xuống AA+ từ AAA, với lý do suy giảm tài chính trong ba năm tới cũng như nợ chính phủ ngày càng tăng.

Đây là lần thứ hai một cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn hạ bậc xếp hạng nợ của Mỹ, sau khi S&P cũng có động thái tương tự vào năm 2011 do sự bế tắc liên quan đến trần nợ công của nước này.

Tuy nhiên, một số công ty môi giới lớn cho biết việc hạ bậc này không có khả năng dẫn đến lực cản kéo dài trên thị trường tài chính Mỹ, lưu ý rằng nền kinh tế đang đã mạnh hơn so với năm 2011.

Việc hạ bậc tín nhiệm của Fitch đã cung cấp cho các nhà đầu tư một cái cớ không thể tốt hơn để chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây, Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA Research cho biết.

"Chúng tôi đã thấy thị trường tăng khá tốt trong tháng 7 và bây giờ việc hạ bậc tín nhiệm của Fitch chỉ làm giảm tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn", Sam Stovall nói thêm.

Trong khi đó, báo cáo việc làm quốc gia của ADP cho thấy bảng lương tư nhân tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 7, cho thấy khả năng phục hồi của thị trường lao động tiếp tục có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi suy thoái.

Theo đó, số việc làm trong khu vực tư nhân đã tăng thêm 324.000 việc làm vào tháng 7, giảm so với mức tăng đã được điều chỉnh 455.000 việc làm trong tháng 6. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo việc làm tư nhân chỉ tăng thêm 189.000.

Tiền lương cũng đã tăng 6,2% trong 12 tháng tính đến tháng 7 sau khi tăng 6,4% trong tháng 6. Đối với những người thay đổi công việc, tiền lương tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 11,3% trong tháng 6.

Kết thúc phiên 2/8: Chỉ số Dow Jones giảm 348,16 điểm (-0,98%), xuống 35.282,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 63,34 điểm (-1,38%), xuống 4.513,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 310,47 điểm (-2,17%), xuống 13.973,45 điểm.

Chứng khoán châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần, do các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro hơn sau khi Fitch bất ngờ hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,35% xuống 460,84 điểm.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch hôm thứ Ba đã hạ xếp hạng nợ của Mỹ từ AAA xuống AA+ với lý do sự xói mòn các tiêu chuẩn quản trị và gánh nặng nợ chung ngày càng tăng.

Việc hạ bậc tín nhiệm này của Fitch đã làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu và đẩy lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro xuống thấp hơn.

"Việc hạ cấp dường như đã thúc đẩy việc chốt lời hơn nữa sau sự suy yếu bắt đầu từ ngày hôm qua, do lo ngại về dữ liệu kinh tế yếu hơn và triển vọng thu nhập", Michael Hewson, nhà phân tích thị trường trưởng tại CMC Markets cho biết.

Hy vọng chấm dứt các đợt tăng lãi suất đã thúc đẩy thị trường chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều năm vào đầu tuần này, mặc dù dữ liệu nêu bật tăng trưởng toàn cầu chững lại đã gây áp lực lên chứng khoán vào thứ Ba.

"Hầu hết mọi người đang nói rằng lợi nhuận các doanh nghiệp đang tốt, thị trường cũng đang hoạt động tốt nhưng chúng tôi dự đoán sự chậm lại sẽ đến vào một thời điểm nào đó, đặc biệt là ở Mỹ, nơi định giá khá đắt. Vì vậy, thị trường nhạy cảm với bất kỳ luồng tin tức tiêu cực tiềm ẩn nào", Caroline Simmons, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management cho biết.

Gần như tất cả các lĩnh vực chính của STOXX 600 đều giảm, với cổ phiếu bán lẻ và khai thác mỏ dẫn đầu đà đi xuống, giảm lần lượt 2,6% và 2,7%.

Kết thúc phiên 2/8: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 104,64 điểm (-1,36%), xuống 7.561,63 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 220,38 điểm (-1,36%), xuống 16.020,02 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 93,24 điểm (-1,26%), xuống 7.312,84 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản lao dốc, khi sự thận trọng chiếm ưu thế trên khắp châu Á sau khi xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ cấp.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,3% xuống 32.707,69 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,52% xuống 2.301,76 điểm.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch hôm thứ Ba đã hạ cấp tín nhiệm của trái phiếu Mỹ xuống AA + từ AAA, một động thái khiến Nhà Trắng giận dữ và gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư, bất chấp việc Mỹ đã giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ hai tháng trước.

Chỉ số rộng nhất của MSCI về cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã giảm 2%, ngày tồi tệ nhất kể từ tháng Hai.

Tại Nhật Bản, các cổ phiếu chip lao dốc với nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 3,12% và nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest mất 4,48%.

Đáng chú ý là cổ phiếu của Nomura Holdings giảm 8%, mức giảm mạnh nhất kể từ 3/2021, ngay cả khi công ty môi giới hàng đầu Nhật Bản báo cáo lợi nhuận ròng quý vừa qua tăng vọt.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi một số nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây, phản ánh sự thận trọng trong tâm lý trong trường hợp không có các biện pháp cụ thể và mạnh mẽ của Bắc Kinh để vực dậy nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,89% xuống 3.261,69 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,70% xuống 3.969,90 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục mạnh kể từ cuộc họp Bộ Chính trị ngày 24/7, nơi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cam kết đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế.

Nhưng đà tăng dường như đang mất đi, khi các biện pháp được công bố cho đến nay để thúc đẩy tiêu dùng, phục hồi thị trường vốn và hỗ trợ lĩnh vực bất động sản được coi là mơ hồ hoặc không đủ mạnh như kỳ vọng.

"Tăng trưởng và triển vọng thị trường của Trung Quốc thực sự phụ thuộc vào việc Bắc Kinh hành động nhanh chóng và dứt khoát để củng cố các hoạt động và niềm tin, trước khi sự bi quan hiện tại trở nên cố hữu và làm tổn thương tăng trưởng hơn nữa." Chi Lo, nhà kinh tế Trung Quốc Đại lục tại BNP Paribas Investment Partners, viết trong một lưu ý.

Thật vậy, các nhà đầu tư dường như không hào hứng sau khi các bộ, cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Ba cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và khu vực tư nhân.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi tâm lý thị trường thận trọng trong bối cảnh lo ngại mới về nền kinh tế Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,47% xuống 19.517,38 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,7% xuống 6.669,37 điểm.

Chỉ số công nghệ mất tới 3%, với Tencent Holdings giảm 3%, Alibaba Holdings mất 2,8%, Meituan giảm 3,3%, Baidu giảm 3,8%, Trip.com mất 2,45%.

Các nhà phát triển Bất động sản Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã tăng tới 4,9% trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi PBOC tuyên bố các biện pháp để đưa lãi suất thế chấp và tỷ lệ trả trước về mức thấp hơn, nhưng lĩnh vực này đã kết thúc phiên đi ngang trong phiên hôm nay.

Chứng khoán Hàn Quốc lao dốc, khi khẩu vị rủi ro của thị trường bị ảnh hưởng mạnh sau khi Fitch bất ngờ hạ xếp hạng tín dụng của chính phủ Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 50,60 điểm, tương đương 1,90% xuống 2.616,47 điểm.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch hôm thứ Ba đã hạ xếp hạng tín dụng hàng đầu của chính phủ Mỹ, một động thái đã khiến dấy lên phản ứng giận dữ từ Nhà Trắng và khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên.

Sự sụt giảm diễn ra trên thị trường Hàn Quốc ngay cả khi Thứ trưởng Bộ Tài chính đưa ra nhận xét rằng các nhà chức trách sẽ tăng cường giám sát thị trường ngoại hối và thực hiện các biện pháp trong trường hợp biến động gia tăng.

"Người ta đánh giá rằng việc hạ bậc tín nhiệm là cái cớ để chốt lời ngắn hạn trên thị trường chứng khoán, sau khi xu hướng gần đây của thị trường châu Á vượt trội so với các thị trường Mỹ và châu Âu", Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities, cho biết.

Kết thúc phiên 2/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 768,89 điểm (-2,30%), xuống 32.707,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,26 điểm (-0,89%), xuống 3.261,69 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 493,74 điểm (-2,47%), xuống 19.517,38 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 50,60 điểm (-1,90%), xuống 2.616,47 điểm.

Giá dầu thô giảm mạnh do các thương nhân giảm bớt rủi ro, sau khi một trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất Mỹ hạ bậc tín dụng nợ của Mỹ.

Kết thúc phiên 2/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,88 USD/thùng (-2,3%), xuống 79,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,71 USD/thùng (-2%), xuống 83,2 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,221.03 4.67 0.38% 170,273 tỷ
HNX 228.22 0.73 0.32% 1,402 tỷ
UPCOM 89.78 0.09 0.1% 617 tỷ