Hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ leo thang chiến tranh thương mại bằng cách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh.
Thông tin này khiến giới đầu tư thận trọng dù tuần trước đó đang khá hưng phấn với kỳ vọng Washington và Bắc Kinh sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong tháng 12 tới. Tuy nhiên, gần đây việc Mỹ không đồng ý gỡ bỏ hết thuế quan với hàng hóa của Trung Quốc khiến Bắc Kinh nghi ngờ về khả năng 2 bên sẽ ký thỏa thuận thương mại, làm dấy lên nghi ngờ thỏa thuận có thể bị đổ vỡ.
Ngoài thận trọng trước thương chiến kéo dài, S&P 500 trong phiên thứ Ba còn chịu tác động tiêu cực từ nhóm cổ phiếu bán lẻ khi cổ phiếu Home Depot giảm 5,4% sau khi cắt giảm dự báo doanh thu năm 2019 lần thứ 2 trong năm. Thậm chí, cổ phiếu của nhà điều hành chuỗi cửa hàng bách hóa Kohl’s Corp giảm tới 19,5% sau khi cắt giảm dự báo lợi nhuận và doanh thu quý không đạt như kỳ vọng.
Mặt khác, phố Wall còn chịu ảnh hưởng từ đà giảm của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm mạnh trước triển vọng nhu cầu giảm do thương chiến Mỹ - Trung có thể còn kéo dài.
Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Dow Jones giảm 102,2 điểm (-0,36%), xuống 27.934,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,85 điểm (-0,06%), xuống 3.120,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 20,72 điểm (+0,24%), lên 8.570,66 điểm.
Chứng khoán châu Âu lúc đầu có mức tăng khá tốt, nhưng sau đó đã đảo chiều, chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ, thậm chí chứng khoán Pháp xuống dưới tham chiếu khi nhà đầu tư thất vọng với tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 19/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 16,10 điểm (+0,22%), lên 7.323,80 điểm. Chỉ số DAX tăng 14,11 điểm (+0,11%), lên 13.221,12 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 20,73 điểm (-0,35%), xuống 5.909,05 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc giảm điểm do nhà đầu tư thận trọng chờ thông tin rõ ràng hơn về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, chứng khoán Nhật còn bị ảnh hưởng bởi đồng yên tăng giá so với USD. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tăng mạnh khi giới đầu tư phản ứng tích cực với động thái giảm lãi suất liên ngân hàng.
Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 124,11 điểm (-0,53%), xuống 23.292,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 24,79 điểm (+0,85%), lên 2.933,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 412,71 điểm (+1,55%), lên 27.093,80 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 7,45 điểm (-0,34%), xuống 2.153,24 điểm.
Giá vàng giằng co nhẹ trong phiên giao dịch thứ Ba khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi các thông tin chính thức từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và xem xét tình hình Hồng Kông. Ngoài ra, giới đầu tư cũng chờ thông tin chính thức về kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell diễn ra vào sáng thứ Hai.
Kết thúc phiên 19/11, giá vàng giao ngay tăng 0,7 USD (+0,03%), lên 1.471,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,4 USD (+0,16%), lên 1.474,3 USD/ounce.
Lo ngại sức cầu sẽ yếu do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài khiến giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 19/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,84 USD (-3,2%), xuống 55,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,53 USD (-2,50%), xuống 60,91 USD/thùng.