Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 10 dù người tiêu dùng đã cắt giảm mua các mặt hàng gia dụng đắt tiền.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước (15/11), doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 tăng 0,3% so với tháng 9. Tuy nhiên, con số của tháng 9 bị điều chỉnh thành giảm 0,3%. Con số vừa công bố cao hơn chút ít so với mức dự báo tăng 0,2% của các nhà kinh tế.
Dựa trên các con số vừa công bố, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng tiêu dùng của Mỹ trong quý IV chỉ là 1,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,9% của quý III.
Trong khi đó, báo cáo của Fed trong thứ Sáu cho thấy, sản lượng nhà máy của Mỹ giảm 0,6% trong tháng 10, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2018, sau khi giảm 0,5% trong tháng 9. Sản lượng giảm do tác động từ mức giảm 11,1% trong lĩnh vực sản xuất xe cơ giới do cuộc đình công 40 ngày xảy ra tại GM.
Những dữ liệu vừa công bố này khiến nỗi lo suy thoái kinh tế lại trở lại với nhà đầu tư. Tuy nhiên, kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sắp được ký kết, nên nhà đầu tư bỏ qua các thông tin kinh tế, tích cực xuống tiền vào chứng khoán, giúp phố Wall tăng tốt trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 15/11, chỉ số Dow Jones tăng 222,93 điểm (+0,80%), lên 28.004,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,83 điểm (+0,77%), lên 3.120,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 61,81 điểm (+0,73%), lên 8.540,83 điểm.
Trong tuần, Dow Jones tăng 1,17% tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, S&P 500 tăng 0,89%, tuần tăng thứ 6 liên tiếp và Nasdaq tăng 0,77%, tuần tăng thứ 7 liên tiếp.
Cũng kỳ vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Sáu để kéo dài chuỗi tuần tăng giá ấn tượng của mình.
Kết thúc phiên 15/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,18 điểm (+0,14%), lên 7.302,94 điểm. Chỉ số DAX tăng 61,52 điểm (+0,47%), lên 13.241,75 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 38,20 điểm (+0,65%), lên 5.939,27 điểm.
Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng không thể giúp chứng khoán Anh duy trì tuần tăng thứ 4 liên tiếp, trong khi chứng khoán Pháp và Đức duy trì chuỗi tuần tăng ấn tượng của mình. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,77%, chỉ số DAX tăng 0,10%, tuần tăng thứ 6 liên tiếp và chỉ số CAC 40 tăng 0,84%, tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc tăng tốt với kỳ vọng của giới đầu tư về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ được ký kết, thì chứng khoán Trung Quốc lại giảm điểm khi nhà đầu tư trên thị trường này phản ứng thận trọng trước các thông tin trái chiều về thỏa thuận. Chứng khoán Hồng Kông đóng cửa gần như không đổi trong phiên cuối tuần, nhưng có tuần giảm mạnh nhất hơn 3 tháng do bạo lực leo thang.
Kết thúc phiên 15/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 161,77 điểm (+0,70%), lên 23.303,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,53 điểm (-0,64%), xuống 2.891,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 2,97 điểm (+0,01%), lên 26.326,66 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 22,95 điểm (+1,07%), lên 2.162,18 điểm.
Trong tuần, ngoại trừ chứng khoán Hàn Quốc có tuần tăng thứ 6 liên tiếp, còn lại các thị trường khác đều quay đầu giảm điểm, trong đó chứng khoán Hồng Kông có tuần giảm mạnh nhất hơn 3 tháng. Cụ thể, trong tuân, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,38%, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp, chỉ số Hang Seng giảm 4,79%, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,46%, trong khi chỉ số Kospi tăng 1,17%, tuần tăng thứ 6 liên tiếp.
Sự tích cực trên thị trường chứng khoán với kỳ vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được kỳ kết khiến giá vàng giảm đi tính trú ẩn an toàn nên giảm giá trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 15/11, giá vàng giao giảm 3,3 USD (-0,22%), xuống 1.467,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,9 USD (-0,33%), xuống 1.468,5 USD/ounce.
Dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng tốt trước đó, giá vàng đã hồi phục trở lại sau tuần giảm mạnh hơn 3% trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,62%, giá vàng tương lai tăng 0,38%. Tuần này, cả nhà đầu tư và phân tích đều đoán sai về xu hướng của giá vàng.
Dù hồi phục trở lại trong tuần qua, nhưng với kỳ vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ được ký kết, nên giới phân tích vẫn có cái nhìn thận trọng về xu hướng của giá vàng trong tuần mới, trong khi giới đầu tư lại rất kỳ vọng vào đà tăng của giá kim loại quý.
Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời, có 6 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 37,5%, cao hơn chút ít so với con số 31% của tuần trước; trong khi đó, số người dự báo giảm cũng là 6 người, chiếm 37,5, thấp hơn nhiều so với con số 61% của tuần trước và 4 người dự báo đi ngang, chiếm 25%.
Trong khi đó, trong 473 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến – con số rất khiêm tốn so với các tuần trước, có 290 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 61,3%, cao hơn nhiều so với con số 49% của tuần trước; 104 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 22%, thấp hơn so với mức 33% của tuần trước và 79 người dự báo giá đi ngang, chiếm 16,7%.
Một số nhà phân tích cho biết họ thấy tiềm năng tăng giá của vàng chỉ giới hạn ở mức dưới 1.500 USD/ounce.
Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng của SIA Wealth Management đánh giá, dòng chảy thông tin đang chậm lại và giá vàng có thể phục hồi, quay lại vùng 1.480 - 1.500 USD/ounce, nhưng khó lấy lại được mốc 1.500 USD, trong khi nếu điều chỉnh, thì ngưỡng hỗ trợ là 1.450 USD/ounce.
Cũng như thị trường chứng khoán, kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giúp giá dầu thô tăng mạnh trong phiên cuối tuần, lấy lại hết những gì đã mất trong tuần để tiếp tục duy trì tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Kết thúc phiên 15/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,95 USD (+1,65%), lên 57,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,02 USD (+1,61%), lên 63,30 USD/thùng.
Phiên tăng mạnh cuối tuần đã giúp giá dầu thô lấy lại hết những gì đã mất trước đó và có tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,84%, giá dầu thô Brent tăng 1,26%.