Giới đầu tư lại đối mặt với nhiều tin xấu

(ĐTCK) Kỳ vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đang ngày một mịt mờ hơn, trong khi bạo lực gia tăng ở Hồng Kông khiến giới đầu tư tỏ ra thận trọng.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Theo thông tin từ Tạp chí Wall Street, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã gặp khó khăn trong việc mua Trung Quốc mua nông sản của Mỹ. Đây là mâu thuẫn mới nhất trong đàm phán để đi đến một thỏa thuận giai đoạn 1 của 2 bên.

Trước đó, phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York hôm thứ Ba (12/11), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Washington sẽ tăng đáng kể thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu các bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

Dù tương lai của thỏa thuận thương mại mịt mờ, nhưng Dow Jones và S&P 500 vẫn tăng điểm, trong đó Dow Jones lên mức cao kỷ lục mới nhờ sự hỗ trợ từ cổ phiếu Walt Disney với mức tăng tới 7,3% sau khi công ty truyền thông cho biết, dịch vụ phát trực tuyến mới của họ, Disney + đã đạt 10 triệu lượt đăng ký kể từ khi ra mắt ngày hôm trước.

Trong khi đó, Nasdaq giảm khi nhóm cổ phiếu nhạy cảm với thương chiến giảm.

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Dow Jones tăng 92,10 điểm (+0,33%), lên 27.783,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,20 điểm (+0,07%), lên 3.094,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,99 điểm (-0,05%), xuống 8.482,10 điểm.

Chứng khoán châu Âu đồng loạt điều chỉnh từ mức cao nhất 4 năm trong phiên thứ Tư sau khi giới đầu tư giảm kỳ vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng thông tin mới được tờ Wall Street đưa ra và bao lực gia tăng ở Hồng Kông.

Dữ liệu mới nhất từ Refinitiv cho thấy, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán châu Âu trong quý III được cải thiện, nhưng không đủ để khu vực thoát khỏi nỗi lo suy thoái kinh tế.

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 14,23 điểm (-0,19%), xuống 7.351,21 điểm. Chỉ số DAX giảm 53,44 điểm (-0,40%), xuống 13.230,07 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 12,66 điểm (-0,21%), xuống 5.907,09 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đồng loạt giảm trong phiên thứ Tư sau khi giới đầu tư thất vọng với bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tình trạng bạo lực gia tăng ở Hồng Kông.

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 200,14 điểm (-0,85%), xuống 23.319,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,58 điểm (-0,33%), xuống 2.905,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 493,82 điểm (-1,82%), xuống 26.571,46 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 18,47 (-0,86%), xuống 2.122,45 điểm.

Những bất ổn gia tăng tạo động lực cho giá vàng tăng tốt trở lại trong phiên thứ Tư sau chuỗi giảm liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 13/11, giá vàng giao ngay tăng 7,7 USD (+0,53%), lên 1.463,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 9,6 USD (+0,66%), lên 1.463,3 USD/ounce.

Thông tin bất lợi về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung khiến giá dầu rung lắc trong phiên thứ Tư, nhưng sau đó đã quay đầu đảo chiều thành công sau khi OPEC cho biết, không thấy có dấu hiệu suy thoái toàn cầu và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ năm 2020 tăng ít hơn nhiều so với dự kiến.

Kết thúc phiên 13/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,32 USD (+0,56%), lên 57,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,31 USD (+0,50%), lên 62,37 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục