Giới đầu tư thận trọng trước biến động chính trị ở Washington

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có phiên giao dịch ngày thứ Tư (13/1) ảm đạm khi giới đầu tư rơi vào trạng thái chờ đợi kế hoạch kích thích kinh tế chi tiết tiếp theo của Mỹ, còn Quốc hội bắt đầu phiên điều trần luận tội Tổng thống Donald Trump.
Giới đầu tư thận trọng trước biến động chính trị ở Washington

Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm sau khi tăng sáu phiên liên tiếp, tạo động lực cho các lĩnh vực phòng thủ nhạy cảm với lãi suất như tiện ích và bất động sản, trong khi cản bước các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm theo chu kỳ.

Trọng khi đó, thị trường đang kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế bổ sung. Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến sẽ công bố chi tiết kế hoạch vực dậy nền kinh tế của mình vào ngày 14/01/2021.

Mặt khác, Hạ viện Mỹ đang được triệu tập để tiến hành bỏ phiếu luận tội lần thứ hai đối với ông Trump sau cuộc bạo loạn tại Điện Capitol của những người ủng hộ ông khiến 5 người chết.

Trước đó hôm 12/1, trước sức ép từ Hạ viện và phe Dân chủ, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố ông sẽ không bãi nhiệm Tổng thống Trump khỏi nhiệm sở theo Tu chính án 15.

Giới đầu tư đang theo dõi xem liệu việc tiến hành xem xét luận tội ông Trump có trì hoãn các kế hoạch kích thích kinh tế hay các phần khác trong chương trình nghị sự của Joe Biden hay không.

Số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng ở Mỹ và nhiều nước khác. Mỹ ghi nhận ít nhất 247.600 ca nhiễm mới Covid-19 và ít nhất 3.340 trường hợp tử vong vì Covid-19 mỗi ngày, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Kết thúc phiên 13/1, chỉ số Dow Jones giảm 8,22 điểm (-0,03%), xuống 31.069,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,65 điểm (+0,23%), lên 3.809,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 56,52 điểm (+0,43%), lên 13.128,95 điểm.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa gần như đi ngang vào thứ Tư. Kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ hai thương vụ sáp nhập của Carrefour với Alimentation Couche-Tard và Telefonica với American Towers đã bù đắp những lo ngại xung quanh các biện pháp hạn chế lây lan Covid-19 kéo dài.

Đức, Anh và Hà Lan cho biết, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chống lại Covid-19 sẽ kéo dài đến đầu tháng Hai, trong khi Ý cho biết họ sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng Tư.

Các nhà đầu tư cũng để mắt đến những diễn biến chính trị ở Rome. Tối 13/1, lãnh đạo đảng Italia Viva (IV) Matteo Renzi thông báo hai bộ trưởng và một thứ trưởng thuộc đảng IV chính thức rút khỏi chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte, theo đó, Ý có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng chính phủ mới.

Kết thúc phiên 13/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 8,59 điểm (-0,13%), xuống 6.745,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 14,65 điểm (+0,11%), lên 13.939,71 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 11,70 điểm (+0,21%), lên 5.662,67 điểm.

Chứng khoán châu Á phân hóa trong phiên ngày thứ Tư trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm động lực mới trong lúc lực đẩy từ phố Wall yếu, với hy vọng rằng một gói kích thích lớn khác tại Mỹ có thể bù lại các yếu tố bất lợi như biến động chính trị tại nước này và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.

Kết thúc phiên 13/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 292,25 điểm (+1,04%), lên 28.456,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,69 điểm (--0,27%), xuống 3.598,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 41,15 điểm (-0,15%), xuống 28.235,60 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 22,34 điểm (+0,71%), lên 3.148,29 điểm.

Giá vàng quay đầu giảm trong phiên ngày thứ tư trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, cũng như những nhà đầu tư trên thị trường lo ngại một đợt tăng khác từ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, lượng vàng nắm giữ của các quỹ đầu tư ETF đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12/2020, nhưng vẫn tăng hơn bao giờ hết trong năm ngoái, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Kết thúc phiên 13/1, giá vàng giao ngay giảm 10,40 USD (-0,56%), xuống 1.844,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 10,70 USD (+0,58%), lên 1.854,90 USD/ounce.

Giá dầu giảm trong phiên ngày thứ Tư do những lo ngại trước tình hình lây lan nhanh của dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết hôm thứ Tư, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm trong tuần thứ năm liên tiếp do các nhà máy lọc dầu tăng cường vận hành, Cụ thể, tồn kho dầu thô giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước, vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích về mức giảm 2,3 triệu thùng.

Kết thúc phiên 13/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,30 USD (-0,6%), xuống 52,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,52 USD (-0,9%), xuống 56,06 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ