Giới đầu tư chốt lời, chứng khoán chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ số chính của Phố Wall đóng cửa thấp hơn vào thứ Hai (11/1) do động thái chốt lời của giới đầu tư sau tuần tăng mạnh mẽ trong khi chờ đợi mùa báo cáo tài chính và quan sát các sự kiện ở Washington với sự lo lắng.
Giới đầu tư chốt lời, chứng khoán chìm trong sắc đỏ

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh tuần trước khi thị trường đặt cược rằng việc đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nước rút ở Georgia sẽ mang lại khả năng cao hơn về một gói kích thích tài chính lớn hơn để thúc đẩy nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch.

Tuy nhiên, bước sang tuần mới, giới đầu tư lo ngại các biện pháp kích thích có thể bị trì hoãn khi đảng Dân chủ Hạ viện đưa ra nghị quyết luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, cáo buộc ông kích động bạo lực sau cuộc bạo loạn, tấn công Điện Capitol của những người ủng hộ ông.

Mặt khác, cổ phiếu của Twitter giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai và đè nặng lên nhóm cổ phiếu lĩnh vực truyền thông sau khi mạnh xã hội này này đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của Trump.

Các công ty công nghệ lớn khác như Facebook, Alphabet thuộc sở hữu của Google và Apple cũng tỏ ra yếu thế trong phiên giao dịch ngày thứ Hai khi họ có những hành động mạnh mẽ nhất chống lại ông Trump để hạn chế phạm vi tiếp cận mạng xã hội của ông.

Cổ phiếu của Boeing cũng giảm trong phien sau khi một chiếc máy bay Boeing 737-500 do hãng hàng không Sriwijaya Air của Indonesia chỏ 62 người bị rơi hôm thứ Bảy (9/1).

Trong khi đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo thu nhập và dự báo nền kinh tế năm 2021 từ cuộc họp quý IV từ các ngân hàng lớn như JP Morgan, Citi và Wells Fargo bắt đầu vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 11/1, chỉ số Dow Jones giảm 89,28 điểm (-0,29%), xuống 31.008,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,07 điểm (-0,66%), xuống 3.799,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 165,54 điểm (-1,25%), xuống 13.036,43 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng giảm trong phiên đầu tuần sau khi đợt tăng mạnh vào tuần trước, đưa thị trường lên mức cao nhất trong hơn 10 tháng. Giới đầu tư tỏ ra lo lắng khi các ca nhiễm Covid-19 gia tăng trên khắp lục địa, đồng thời Trung Quốc cũng chứng kiến ​​số ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh nhất trong hơn 5 tháng.

Kết thúc phiên 11/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 74,78 điểm (-1,09%), xuống 6.798,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 112,87 điểm (-0,80%), xuống 13.936,66 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 44,55 điểm (-0,78%), xuống 5.662,43 điểm.

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên ngày thứ Hai. Chứng khoán Trung Quốc giảm trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ quay trở lại đè nặng tâm lý thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông bật khá mạnh khi mở cửa khi các nhà đầu tư Đại lục “săn hàng” giá rẻ thông qua chương trình kết nối chứng khoán, nhưng đà tăng bị chặn lại về cuối ngày khi giới đầu tư đánh giá có khả năng chính quyền Trump có thể ban hành thêm lệnh cấm đối với các công ty Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, khi lượng bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức lớn đã lấn át lệnh mua từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày Lễ thành nhân.

Kết thúc phiên 11/1, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,61 điểm (-1,08%), xuống 3.531,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 30,00 điểm (+0,11%), lên 27.908,22 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 3,73 điểm (-0,12%), xuống 3.148,45 điểm.

Giá vàng tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần. Đà giảm của vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng khi cả hai nhân tố là USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đều trong sắc xanh.

Theo giới quan sát, thị trường vàng đang trải qua một giai đoạn chuyển dịch lớn đối với nhiều nhà đầu tư và họ bắt đầu từ bỏ kênh “trú ẩn an toàn” này, song vẫn còn nhiều lý do để tin kim loại quý sẽ bật tăng trở lại.

Kết thúc phiên 11/1, giá vàng giao ngay giảm 6,60 USD (-0,32%), xuống 1.843,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 15,40 USD (+0,84%), lên 1.850,8 USD/ounce.

Giá dầu ổn định trong phiên thứ Hai sau khi tăng mạnh vào tuần trước, bất chấp các đợt phong toả khó khăn trên khắp thế giới làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, trong khi đồng USD mạnh hơn cũng đè nặng lên thị trường dầu mỏ.

Kết thúc phiên 11/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,01 USD (-0,02%), lên 52,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,33 USD (-0,59%), xuống 55,66 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục