Giới đầu tư thận trọng, phố Wall tiếp tục suy yếu

(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục có thêm một phiên giảm điểm trong ngày thứ Năm (27/1), ngay cả khi tin tức về GDP quý IV tăng tốt hơn dự báo.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng GDP quý IV/2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo tăng 5,5% từ các chuyên gia kinh tế.

Như vậy, tăng trưởng GDP nước này năm 2021 đạt 5,7%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1984. Điều này đánh dấu sự phục hồi ấn tượng vì chỉ một năm trước đó, kinh tế Mỹ suy giảm 3,4%, mức giảm sâu nhất trong 74 năm.

Về kết quả kinh doanh mới nhất, Intel và Tesla đều công bố kết quả tốt hơn mong đợi trong quý IV/2021. Tuy nhiên, cổ phiếu Intel và Tesla lần lượt giảm 7% và 11,6%.

Cổ phiếu Tesla đã giảm 30% so với mức cao kỷ lục vào tháng 11, sau khi cảnh báo về chuỗi cung ứng.

Giám đốc điều hành Elon Musk đã phát biểu trong cuộc họp hội nghị rằng, Tesla sẽ không ra mắt các mẫu xe mới như Cybertruck trong năm nay vì nó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng sản lượng khi đối mặt với những khó khăn của chuỗi cung ứng. Ông cho biết thêm, Tesla sẽ tập trung vào việc tăng hơn 50% số lượng các mẫu xe hiện có vào năm 2022 hơn là tung ra những mẫu xe mới.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Netflix vọt 7,5%, sau khi có tin Bill Ackman của Pershing đã mua 3,1 triệu cổ phiếu này.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Dow Jones giảm 7,31 điểm (-0,02%), xuống 34.160,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,42 điểm (-0,54%), xuống 4.326,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 189,34 điểm (-1,40%), xuống 13.352,78 điểm.

Chứng khoán châu Âu khởi động chậm chạm nhưng đóng cửa tích cực hơn, sau khi Fed báo hiệu đợt tăng lãi suất trong tháng 3, với các cổ phiếu phòng thủ như chăm sóc sức khỏe và tiện ích dẫn đầu mức tăng.

Chỉ số STOXX 600 của thị trường châu Âu tăng 0,7%, với hầu hết các thị trường chính như Anh, Pháp, Đức đã đảo chiều lên trên tham chiếu, trong đó, các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, viễn thông và tiện ích tăng gần 2% mỗi nhóm.

Thị trường chứng khoán châu Âu và các chỉ số tương lai của Mỹ đã lùi sâu khá nhanh khi mở cửa, nhưng việc bán ra chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì nỗi sợ hãi đang chạy qua các thị trường tan biến… những kẻ săn lùng món hời đã vào cuộc,” David Madden, nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital cho biết.

Phiên này, cổ phiếu Chipmaker STMicroelectronics đã tăng 2% sau khi công bố kế hoạch tăng gấp đôi khoản đầu tư của mình trong năm nay do nhu cầu cao khiến thu nhập hàng quý tăng đột biến.

Tại Đức, Tập đoàn phần mềm SAP đã giảm 6% sau khi cho biết họ đã đồng ý mua phần lớn cổ phần của một fintech do Taulia của Mỹ nắm giữ. Trong khi SAP không tiết lộ giá thương vụ, Giám đốc điều hành SAP, Christian Klein cho biết giá trị dưới 1 tỷ USD.

Cổ phiếu Deutsche Bank đã tăng 4,4% sau khi lợi nhuận đạt được lớn nhất kể từ năm 2011 vào năm ngoái, bất chấp dự báo thua lỗ trong quý IV.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 84,53 điểm (+1,13%), lên 7.554,31 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 64,88 điểm (+0,42%), lên 15.524,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 41,84 điểm (+0,60%), lên 7.023,80 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản lao dốc, kết thúc ở mức thấp nhất trong 14 tháng, sau khi Chủ tịch Fed báo hiệu kế hoạch thắt chặt chính sách.

Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất gần 16 tháng và đồng nhân dân tệ giảm mạnh nhất trong 7 tháng so với đồng USD, do các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại rằng Fed sẽ có động thái mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh nhất trong hai tháng, dẫn đầu bởi một đợt bán tháo tại Alibaba Group.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên mức giảm mạnh nhất trong gần một năm rưỡi, khi các nhà đầu tư lo ngại về kế hoạch của Fed để chống lạm phát với lãi suất sẽ tăng bắt đầu từ đầu tháng 3.

Kết thúc phiên 27/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 841,03 điểm (-3,11%), xuống 26.170,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 61,42 điểm (-1,78%), xuống 3.394,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 482,90 điểm (-1,99%), xuống 23.807,00 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 94,75 điểm (-3,50%), xuống 2.614,49 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Năm thêm một ngày lao dốc mạnh và để mất ngưỡng 1.800 USD/ounce, do đồng USD mạnh lên nhờ vào kế hoạch tăng lãi suất của Fed.

Kết thúc phiên 27/1, giá vàng giao ngay giảm 22,3 USD xuống 1.797,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng gần 5 USD lên 1.799,1 USD/ounce.

Giá dầu thô có thời điểm tiếp tục tăng do lo ngại căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, và nguồn cung dầu bị đe doạ ở Trung Đông.

Tuy nhiên, giá dầu sau đó đã lại quay đầu giảm do thị trường cân bằng mối lo ngại về nguồn cung thắt chặt trên toàn thế giới với kỳ vọng Fed sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Kết thúc phiên 27/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,74 USD (-0,85%), xuống 86,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,62 USD (-0,69%), xuống 9,34 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục