Giới đầu tư sững sờ

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư sững sờ trước việc ông Tillerson bất ngờ mất chức Ngoại trưởng Mỹ, cùng hàng loạt tin bất lợi khác.
Giới đầu tư sững sờ

Trong phiên thứ Ba, phố Wall tiếp tục giảm điểm khi giới đầu tư sững sờ với việc ông Trump bất ngờ thay thế ngoại trưởng. Theo đó, ông Mike Pompeo, Giám đốc CIA sẽ thay thế ông Rex Tillerson giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Công bố của ông Trump đưa ra trên twitter 2 tiếng trước khi ông Tillerson về tới Washington sau chuyến công du châu Phi. Không chỉ thế, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề công Bộ Ngoại giao Mỹ Steve Goldstein cũng bị ông Trump sa thải.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh, cùng với nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo giá dầu và việc ông Trump tuyên bố đánh thuế tới 60 tỷ USD với các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là công nghệ, viễn thông cũng góp phần khiến phố Wall giảm mạnh hơn. Trong đó, sau khi đi ngược xu hướng và thiết lập đỉnh cao mới, Nasdaq đã có phiên giảm mạnh hơn 1% trong ngày thứ Ba.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Dow Jones giảm 171,58 điểm (-0,68%), xuống 25.007,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,71 điểm (-0,64%), xuống 2.765,31 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 77,31 (-1,02%), xuống 7.511,01 điểm.

Lo ngại về cuộc chiến thương mại, cùng với những diễn biến bất ngờ trên chính trường Mỹ, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng đẩy mạnh bán ra vào nửa cuối phiên, khiến các chỉ số chính của khu vực này đồng loạt giảm. Ngoài ra, việc đồng euro tăng so với đồng USD cũng gây áp lực lên thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 75,98 điểm (-1,05%), xuống 7.138,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 197,36 điểm (-0,59%), xuống 12.221,03 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 33,92 điểm (-0,46%), xuống 5.242,79 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng tốt bất chấp những lo ngại về khủng hoảng chính trị đang xảy ra nhờ đồng yên yếu hơn so với đồng USD. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc quay đầu điều chỉnh sau 3 phiên tăng liên tiếp và chứng khoán Hồng Kông cũng hạ nhiệt, đóng cửa gần như không đổi trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư thận trọng theo dõi những cải tổ nội các của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ ố Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 144,07 điểm (+0,66%), lên 21.968,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 7,12 điểm (+0,02%), lên 31.601,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,46 điểm (-0,49%), xuống 3.310,24 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi giảm khá mạnh trong phiên châu Á và châu Âu, giá vàng đã đảo chiều tăng vọt trở lại trong phiên Mỹ do những thông tin bất ổn cả về chính trị và thương mại, cùng đồng USD giảm để lấy lại sắc xanh sau phiên điều chỉnh nhẹ trước đó.

Kết thúc phiên 13/3, giá vàng giao ngay tăng 3,3 USD/ounce (+0,25%), lên 1.325,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 6,3 USD/ounce (+0,48%), lên 1.327,1 USD/ounce.

Dù đồng USD giảm, nhưng lo ngại về việc Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu dầu, làm giảm nỗ lực cắt giảm của OPEC khiến giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm mạnh hôm thứ Ba.

Kết thúc phiên 13/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,65 USD (-1,07%), xuống 60,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,31 USD (-0,48%), xuống 64,64 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục