Giới đầu tư hụt hẫng sau phát biểu của chủ tịch Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall gặp khó trong phiên thứ Tư (28/6), khi giới đầu tư lo ngại về việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông không thấy lạm phát giảm xuống mức mục tiêu.
Giới đầu tư hụt hẫng sau phát biểu của chủ tịch Fed

Tại một diễn đàn của Ngân hàng Trung ương châu Âu tổ chức hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed Powell cho biết, Fed có thể sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo dự kiến vào cuối tháng 7. Ông cho biết ông không lạm phát đạt mục tiêu 2% "trong năm nay hoặc năm sau".

"Mối quan tâm là về những bình luận của Powell rằng chúng ta chưa hoàn thành chu kỳ thắt chặt, rằng lạm phát vẫn còn quá mạnh... thị trường phải chấp nhận rằng Fed vẫn còn tăng lãi suất", Phil Blancato, Giám đốc điều hành Ladenburg Asset Management cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng ông Powell "không sai".

Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 79,4% Fed tăng lãi suất 0,25% lên mức 5,25-5,5% trong cuộc họp tháng 7 và duy trì mức lãi suất này cho tới hết năm, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.

Phiên này, nhóm cổ phiếu chip ghi nhận sắc đỏ, một ngày sau khi Wall Street Journal đưa tin rằng Mỹ đang xem xét những hạn chế xuất khẩu mới sang Trung Quốc. Cổ phiếu Nvidia, vốn được lợi từ trí tuệ nhân tạo, giảm hơn 1% và chứng chỉ quỹ iShares Semiconductor ETF cũng giảm.

Tuy nhiên, Nasdaq Composite đã đi ngược xu hướng và khép phiên tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp nhờ cổ phiếu Alphabet tiến hơn 1%, Tesla tăng hơn 2% và cổ phiếu Netflix vọt hơn 3%.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Dow Jones giảm 74,08 điểm (-0,22%), xuống 33.852,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,55 điểm (-0,03%), xuống 4.376,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 36,08 điểm (+0,27%), lên 13.591,75 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm, sau khi dữ liệu mạnh mẽ của Mỹ làm dịu lo ngại về suy thoái kinh tế nghiêm trọng, ngay cả khi Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo rằng ngân hàng trung ương vẫn chưa thấy đủ bằng chứng về sự hạ nhiệt lạm phát.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,74% lên 456,24 điểm.

Các nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới tái khẳng định hôm thứ Tư rằng, họ thấy việc thắt chặt chính sách hơn nữa là cần thiết để chế ngự lạm phát cao dai dẳng, nhưng vẫn tin có thể đạt được điều đó mà không gây ra suy thoái hoàn toàn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất tại các cuộc họp tiếp theo, trong khi bà Lagarde của ECB xác nhận kỳ vọng sẽ tăng lãi suất vào tháng 7, nói rằng một động thái như vậy "có khả năng".

Các cổ phiếu đáng chú ý trong phiên này có Sage Group Plc tăng 5,1% lên mức cao nhất trong 23 năm sau khi J.P. Morgan nâng xếp hạng cổ phiếu từ "trung lập" lên "tăng tỷ trọng".

Cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị chip ASML Holding tăng 2,3% trong khi Nordic Semiconductor tăng 6,4%, giúp nhóm cổ phiếu công nghệ nằm trong số những ngành tăng hàng đầu châu Âu.

Cổ phiếu nhà sản xuất phần mềm doanh nghiệp tăng 2,2% sau khi Giám đốc điều hành Christian Klein nói với nhật báo kinh doanh Handelsblatt rằng ông thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong công nghệ AI tạo ra.

Cổ phiếu chất bán dẫn trở thành tâm điểm chú ý sau khi một báo cáo cho biết Mỹ đang xem xét các hạn chế mới đối với xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc.

"Có ý kiến cho rằng mặc dù rất nhiều cổ phiếu công nghệ và chất bán dẫn của châu Âu bị kéo vào tình trạng này vì các quy tắc của Mỹ, nhưng vẫn còn một chút dư địa", Hewson nói.

Cổ phiếu UBS tăng 1,1% do đang cân nhắc cắt giảm hàng chục nghìn việc làm sau khi tiếp quản khẩn cấp Credit Suisse.

Kết thúc phiên 28/6: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 39,03 điểm (+0,52%), lên 7.500,49 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 102,14 điểm (+0,64%), lên 15.949,00 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 70,74 điểm (+0,98%), lên 7.286,32 điểm.

Giá dầu thô hồi phục sau dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp đã bù đắp cho những lo ngại rằng, việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu toàn cầu.

Kết thúc phiên 28/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,86 USD/thùng (+2,8%), lên 69,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,77 USD/thùng (+2,5%), lên 74,03 USD/thùng.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã tăng vọt sau bốn phiên thua lỗ, khi cổ phiếu ngành công nghệ tăng tốc theo chân các công ty cùng ngành trên phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,02% lên 33.193,99 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,99% lên 2.298,60 điểm.

Cổ phiếu công nghệ tăng 2,6% để trở thành lĩnh vực hoạt động tốt nhất của Nikkei 225 với những cái tên như Tokyo Electron và Advantest lần lượt đóng góp 53 điểm và 45 điểm tích cực với mức tăng lần lượt tăng 2,66% và 3,73%.

Ngoài ra, việc đồng yen trượt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 so với đồng USD đã thúc đẩy các nhà xuất khẩu, với Toyota Motor tăng 82,3%.

Ở đầu bên kia, chỉ số vận chuyển của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, vốn đã tăng hơn 7% trong hai phiên trước đó đã giảm 1,67%.

Theo đó, cổ phiếu Kawasaki Kisen Kaisha giảm 6,2% để trở thành cổ phiếu hoạt động kém nhất trên Nikkei 225, các công ty cùng ngành Nippon Yusen và Mitsui O.S.K. Lines giảm lần lượt 1,09% và 0,68%

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, khi dữ liệu cho thấy lợi nhuận tại các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm trong 5 tháng đầu năm và các nhà đầu tư lo lắng trước tin tức rằng Mỹ đang cân nhắc các hạn chế mới đối với xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm không đáng kể xuống 3.189,38 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,12% xuống 3.840,80 điểm.

Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm tháng đầu năm 2023, khi các công ty bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận bị siết chặt từ nhu cầu suy yếu, trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu COVID vấp ngã.

Thêm vào những lo ngại, Wall Street Journal đưa tin rằng, Mỹ có thể áp thêm hạn chế trong việc xuất khẩu chip AI do Nvidia và các hãng khác sản xuất sang Trung Quốc.

Các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) được giao dịch tại Trung Quốc đã giảm tới 4,8%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhưng sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường do lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng liên quan đến ngành chip AI.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,12% lên 19.172,05 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,26% lên 6.521,22 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà sản xuất pin yếu đà, mặc dù tổn thất được hạn chế nhờ cổ phiếu các nhà sản xuất chip.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 17,20 điểm, tương đương 0,67% xuống 2.564,19 điểm.

"Các nhà đầu tư đang ở chế độ chờ xem trước bài phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Powell và công bố thu nhập của nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ", Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Phiên này, các cổ phiếu pin sụt giảm, với LG Energy Solution giảm 2,5% và LG Chem giảm 5,83%. Các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 3,1% và 3,95%.

Trong khi đó, nhà sản xuất chip lại nhích lên với Samsung Electronics tăng 0,14% và SK Hynix tăng 1,15%, sau khi truyền thông đưa tin Mỹ đang xem xét các hạn chế mới đối với xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc.

Kết thúc phiên 28/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 655,66 điểm (+2,02%), lên 33.193,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,06 điểm (--0,00%), xuống 3.189,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 23,92 điểm (+0,12%), lên 19.172,05 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 17,20 điểm (-0,67%), xuống 2.564,19 điểm.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục