Lướt sóng vẫn cần tầm nhìn dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán dường như đã tích luỹ đủ sau những nhịp điều chỉnh dài và sâu trước đó. Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest dự báo, thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan trong thời gian tới. 
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán gần đây có diễn biến tích cực Dòng tiền trên thị trường chứng khoán gần đây có diễn biến tích cực

Để phác thảo bức tranh thị trường nửa đầu năm nay, theo ông, đâu là những nét chính?

Ngân hàng Nhà nước có 4 lần hạ lãi suất điều hành trong thời gian ngắn; thủ tục hành chính bị tắc nghẽn ở không ít lĩnh vực, ngành nghề; các chính sách liên quan đến thị trường trái phiếu. Tôi cho rằng, đó là những nét chính đáng lưu ý.

Cụ thể hơn, những yếu tố đó tác động như thế nào đến thị trường?

Việc giảm lãi suất đã mang đến những tác động tích cực cho thị trường, từ kỳ vọng mang lại thanh khoản cho nền kinh tế, giảm chi phí huy động vốn cho cộng đồng doanh nghiệp. Giảm lãi suất là tốt, nhưng việc doanh nghiệp có tiếp cận được vốn vay hay không thì chưa thể khẳng định được ngay, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest.

Về thủ tục hành chính, tình trạng bị “tắc” ở nhiều lĩnh vực kéo dài làm đình trệ nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ đã sớm nhận ra và có các bước điều chỉnh kịp thời sau khi GDP quý I/2023 tăng thấp. Cũng cần nói thêm, đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận rằng, kinh tế tăng trưởng chậm lại chủ yếu đến từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế, thay vì cho rằng đó là do bối cảnh vĩ mô quốc tế. Minh chứng là cùng phải chịu các thách thức về tình hình thế giới, nhưng nhiều nước láng giềng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

Còn các chính sách về trái phiếu doanh nghiệp phần nào gỡ khó cho thị trường này.

Hiện tại, thị trường đã “khoẻ” hơn chưa?

Trong 2 - 3 tháng gần đây, dòng tiền có diễn biến tích cực. Đây là điều dễ hiểu, bởi khi lãi suất hạ, dòng tiền sẽ tìm đến các kênh đầu tư có triển vọng tăng trưởng. Chứng khoán là thị trường của kỳ vọng, lãi suất thấp khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào việc giá cổ phiếu sẽ tăng. Mặt khác, các yếu tố xấu gần như đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nên dòng tiền dần chảy vào các cổ phiếu tăng trưởng.

Tôi cho rằng, VN-Index sẽ tăng tốt trong vài tháng tới. Chúng ta không dự đoán xa được, vì với thị trường này, kể cả lúc tốt nhất vẫn tiềm ẩn rủi ro sụt giảm nếu tăng quá kỳ vọng.

Ông nhìn nhận nhóm ngành nào có khả năng tăng trưởng cao?

Cổ phiếu đầu tư công đang được kỳ vọng quá lớn so với thực tế, ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn…

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest

Mọi nhóm ngành trên thị trường thời gian qua đều bị ảnh hưởng, nhưng suốt giai đoạn khó khăn, các công ty chứng khoán hiếm khi thua lỗ và không bị đối mặt với nợ xấu. Tôi cho rằng, đây là nhóm ngành đã tạo đáy đủ, cũng là nhóm đầu tiên được hưởng lợi khi thị trường hồi phục.

Tiếp theo là nhóm đầu tư công, tuy còn nhiều khó khăn nhưng kỳ vọng vào nhóm này rất lớn. Khi các rào cản dẫn tới đầu tư công chậm trễ được giải quyết thì dòng tiền giải ngân sẽ tăng mạnh, giúp các doanh nghiệp có nhiều việc làm, tạo ra doanh thu, lợi nhuận.

Với nhóm đầu tư công, kỳ vọng của nhà đầu tư có vẻ đang lớn hơn so với diễn biến thực tế?

Đúng là như vậy, cổ phiếu đầu tư công đang được kỳ vọng quá lớn so với thực tế. Đầu tư công phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc làm sao để trúng thầu cho đến cả việc dù trúng thầu thì giá cả cũng là vấn đề. Trong khi giá nguyên vật liệu liên tục tăng, chúng ta lại chưa có chính sách linh hoạt khi thị trường biến động, khiến không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ lãi ít, thậm chí thua lỗ, từ đó dẫn đến sự trì trệ và kém hiệu quả trong hoạt động.

Nhiều nhà đầu tư dự báo, lại sắp đến thời của “bank (ngân hàng) - chứng (chứng khoán) - thép”. Liệu bộ ba này đã đủ mạnh để “vùng dậy” hay chưa?

Cả ba nhóm cổ phiếu cùng “vùng dậy” thì chưa, vì ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn. Thế giới bất ổn khiến nhu cầu về thép giảm mạnh. Trong nước, nhu cầu xây dựng cũng giảm nên ngành thép bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, giá cổ phiếu thép đã trôi về vùng đáy, khó khăn nhất đã được phản ánh vào giá.

Theo tôi, khó có chuyện dòng tiền chảy vào cả ba ngành này cùng lúc, có chăng là luân chuyển tiền giữa các ngành và giúp mặt bằng giá được nâng lên. Quan trọng là dòng tiền không rút ra khỏi thị trường và có thể thu hút thêm dòng tiền mới.

Dòng tiền mới đang có tín hiệu như thế nào?

Về dòng tiền mới, một số quỹ đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và phân bổ một lượng tiền lớn, vì họ kỳ vọng các vấn đề nội tại trong nước sớm được Chính phủ giải quyết. Niềm tin của họ là có cơ sở, vì các vấn đề đó tuy lớn nhưng không quá khó để xử lý.

Với việc phổ thông hoá chứng khoán tới người dân, dường như vai trò của khối ngoại không còn lớn như trước?

Thị trường chứng khoán Việt Nam có tới 90% là nhà đầu tư cá nhân, nên dòng vốn ngoại chiếm tỷ trọng nhỏ, ảnh hưởng đến diễn biến giá không nhiều. Giai đoạn vừa qua, khi VN-Index tăng điểm, khối ngoại liên tục bán ròng, nhưng thị trường tiếp tục tăng, cho thấy vai trò quan trọng của khối nội, trong đó có các nhà đầu tư cá nhân.

Hiện tại, khối ngoại có vẻ đang ngập ngừng?

Các yếu tố khó khăn nhất của thị trường đã qua nên kỳ vọng thị trường và nền kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, vốn ngoại khi vào thị trường, họ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố như điểm đến đầu tư, các chính sách của nước sở tại… Kinh tế Việt Nam đang trì trệ và mới có dấu hiệu hồi phục, còn các nước ASEAN+6 tăng trưởng tích cực, nên không có lý do gì để dòng vốn ngoại không cân nhắc về điểm đến đầu tư.

Nói vậy, “sếu lớn” có thể sẽ bỏ qua thị trường Việt Nam?

Chúng ta cũng không nên lo ngại vốn ngoại không vào, vì vốn đầu tư gián tiếp luôn luân chuyển. Sau khi chảy vào thị trường khác và thị trường có dấu hiệu đạt đỉnh, vốn ngoại có thể sẽ chảy trở lại thị trường Việt Nam.

Quay lại chuyện “chứng trường”, ngày càng nhiều nhà đầu tư chuyển từ đầu tư giá trị sang lướt sóng ngắn hạn. Theo ông, khi chọn canh tác “giống ngắn ngày”, nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Giai đoạn hiện tại đang ủng hộ cho việc lướt sóng, nhà đầu tư hành động theo diễn biến ngắn hạn của thị trường nhưng cần có tầm nhìn dài hạn.

Về tầm nhìn, nhà đầu tư nên phân tích hai yếu tố thị trường chung và nội tại doanh nghiệp, sau đó lựa chọn các doanh nghiệp không có quá nhiều rủi ro về kinh doanh, pháp lý. Từ đó, nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu để mua bán theo thời điểm.

Nói cách khác, lướt sóng cổ phiếu của doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, vì khi có rủi ro, cổ phiếu này vẫn có thanh khoản, hoạt động kinh doanh ổn định, giá giảm chỉ là do yếu tố cung cầu của thị trường. Còn cổ phiếu của doanh nghiệp không có tầm nhìn dài hạn sẽ dễ rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ