Giới đầu tư hồi hộp hướng sự tập trung vào Trung Quốc

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tích cực của một số tập đoàn lớn vừa công bố giúp phố Wall hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba (16/4), nhưng đà tăng không mạnh khi giới đầu tư thận trọng chờ các kết quả tiếp theo và đặc biệt là công bố tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau khi giảm điểm trong phiên đầu tuần, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba khi kết quả kinh doanh của Bank of America Corp, Johnson & Johnson, BlackRock Inc, UnitedHealth Group Inc và các công ty khác vừa công bố vượt kỳ vọng của thị trường.

Theo dự báo, lợi nhuận quý I/2019 của các doanh nghiệp trong S&P 500 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện so với mức dự báo giảm 2,5% trước đó, nhưng nếu điều này xảy ra, đây là quý đầu tiên lợi nhuận sụt giảm kể từ năm 2016.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tiên công bố báo cáo tài chính đang có những kết quả tích cực. Cụ thể, trong số 42 công ty S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quý I cho đến thời điểm này, 81% có lợi nhuận vượt kỳ vọng của giới phân tích, cao hơn nhiều so với mức trung bình 65% trong thời gian từ năm 1994 trở lại đây.

Dù sao, nhà đầu tư vẫn đang giữ tâm lý thận trọng để chờ đợi các kết quả kinh doanh tiếp theo sẽ được công bố thời gian tới, khiến phố Wall chỉ giằng co nhẹ trong phiên thứ Ba. Ngoài ra, giới đầu tư trên phố Wall, cũng như các thị trường khác đang hồi hộp chờ đợi GDP quý I của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Tư (17/4).

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số Dow Jones tăng 67,89 điểm (+0,26%), lên 26.452,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,48 điểm (+0,05%), lên 2.907,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 24,21 điểm (+0,30%), lên 8.000,22 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số tại thị trường này lại tăng mạnh lên mức cao nhất 3 tháng nhờ dữ liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc và niềm tin kinh tế được cải thiện của Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực.

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 33,05 điểm (+0,44%), lên 7.469,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 81,04 điểm (+0,67%), lên 12.101,32 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 19,94 điểm (+0,36%), lên 5.528,67 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu mạng di động, để đứng ở đỉnh của 4 tháng. Trong khi đó, việc giá nhà tăng giúp chứng khoán Trung Quốc khởi sắc leo lên mức cao nhất 13 tháng, kéo chứng khoán Hồng Kông hồi phục mạnh theo.

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 52,55 điểm (+0,24%), lên 22.221,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 75,81 điểm (+2,39%), lên 3.253,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 319,15 điểm (+1,07%), lên 30.229,87 điểm.

Việc chứng khoán tăng điểm tốt đã kích hoạt lệnh bán mạnh diễn ra trên thị trường kim loại quý, đẩy giá vàng giảm mạnh trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất 4 tháng.

Kết thúc phiên 16/4, giá vàng giao ngay giảm 10,9 USD (-0,85%), xuống 1.276,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 14,1 USD (-1,09%), xuống 1.277,2 USD/ounce.

Giá dầu thô lặp lại diễn biến 1 phiên tăng và 1 phiên giảm đan xen kể từ cuối tuần trước. Sau khi giảm giá trong phiên đầu tuần mới do lo ngại nguồn cung tăng sau khi OPEC và Nga cho biết có thể tăng sản lượng để tranh giành thị phần với Mỹ, giá dầu thô đã tăng trở lại trong phiên thứ Ba cũng nhờ kỳ vọng nguồn cung sụt giảm từ chiến sự leo thang tại Lybia, nguồn cung hạn chế tại Iran và Venezuela do lệnh cấm vận và khủng hoảng chính trị.

Kết thúc phiên 16/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,65 USD (+1,00%), lên 64,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,54 USD (+0,80%), lên 71,72 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục