Sau phiên hào hứng cuối tuần nhờ kết quả kinh doanh tích cực của JPMorgan Chase, nhà đầu tư đã nhanh chóng trở lại trạng thái thận trọng trong phiên đầu tuần mới khi kết quả kinh doanh của một số ngân hàng mới công bố là Goldman Sachs và Citigroup không như kỳ vọng.
Trong đó, cổ phiếu Goldman Sachs giảm 3,8% sau khi công bố lợi nhuận quý I/2019 dưới mức kỳ vọng của giới phân tích. Cổ phiếu Citigroup giảm nhẹ 0,1% dù lợi nhuận cao hơn dự kiến, nhưng đó là nhờ tiết giảm chi phí, còn doanh thu của Ngân hàng sụt giảm.
Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào báo cáo kết quả kinh doanh của ank of America Co, Morgan Stanley, Netflix Inc, Johnson & Johnson, Textron Inc, Honeywell International Inc, Schlumberger NV và American Express Co. Đồng thời, các sự kiện địa chính trị như đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong tuần này.
Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Dow Jones giảm 27,53 điểm (-0,10%), xuống 26.384,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,83 điểm (-0,06%), xuống 2.905,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 8,15 điểm (-0,10%), xuống 7.976,01 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng giao dịch giằng co trong phiên đầu tuần mới và đóng cửa ít thay đổi, trong đó chứng khoán Pháp và Đức duy trì được sắc xanh nhạt, trong khi chứng khoán Anh gần như không đổi. Chứng khoán châu Âu thoát phiên giảm điểm nhờ nhà đầu tư kỳ vọng vào tiến triển trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết hôm thứ Bảy, ông hy vọng Mỹ và Trung Quốc đã gần đến vòng đàm phán cuối cùng.
Kết thúc phiên 15/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,19 điểm (-0,00%), xuống 7.436,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 20,35 điểm (+0,17%), lên 12.020,28 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 6,03 điểm (+0,11%), lên 5.508,73 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh lên mức cao nhất 4 tháng nhờ phiên giao dịch khởi sắc cuối tuần qua của phố Wall và đồng yên giảm, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và của Trung Quốc khi dữ liệu mới công bố cho thấy, nhập khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp với tốc độ mạnh hơn các tháng trước đó, trong khi xuất khẩu tăng, theo các nhà phân tích chủ yếu do vấn đề mùa vụ. Tăng trưởng GDP trong quý I của Trung Quốc có khả năng hạ nhiệt xuống mức thấp nhất 27 năm…
Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 298,55 điểm (+1,37%), lên 22.169,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,84 điểm (-0,34%), xuống 3.177,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 99,04 điểm (-0,33%), xuống 29.810,72 điểm.
Giá vàng tiếp tục giảm nhẹ khi chốt phiên giao dịch đầu tuần mới, nhưng cũng đã hồi phục đáng kể nhờ chứng khoán hạ nhiệt sau khi lao mạnh đầu phiên Mỹ.
Kết thúc phiên 15/4, giá vàng giao ngay giảm 2,4 USD (-0,19%), xuống 1.287,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,2 USD (-0,17%), xuống 1.291,3 USD/ounce.
Giá dầu thô đảo chiều giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới sau khi Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết, cả Nga và OPEC có thể quyết định tăng sản lượng để tranh giành thị phần với Mỹ khi quốc gia này nâng sản lượng khai thác lên mức cao kỷ lục.
Kết thúc phiên 15/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,49 USD (-0,80%), xuống 63,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,37 USD (-0,50%), xuống 71,18 USD/thùng.