Giới đầu tư hồi hộp chờ tin từ Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Hai (30/1), khi giới đầu tư thận trọng trước khả năng nâng lãi suất từ của Fed và chuẩn bị cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh.
Giới đầu tư hồi hộp chờ tin từ Fed

Fed được cho là đã tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Tư, sau đó là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, sẽ được xem xét kỹ lưỡng về bất kỳ dấu hiệu về các đợt tăng lãi suất trong tương lai.

Andre Bakhos, Chủ tịch của Ingenium Analytics LLC ở Bernardsville, New Jersey, cho biết: “Ngôn ngữ mà ông ấy (Powell) sử dụng mạnh đến mức nào mới là điểm đáng chú ý”.

Đây có thể sẽ là mức tăng lãi suất nhỏ nhất kể từ khi Fed khởi động chu kỳ thắt chặt 10 tháng trước. Thị trường hiện dự báo ​​lãi suất sẽ đạt đỉnh 4,9% vào tháng 6, vẫn thấp hơn mức 5% mà các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến.

Mặt khác, sau hàng loạt đợt sa thải của các công ty tài chính và công nghệ vốn hóa lớn trong tháng, các nhà đầu tư giờ đây sẽ để mắt đến dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 1 sẽ được Bộ Lao động Mỹ thông báo vào thứ Sáu.

Về mùa báo cáo kết quả kinh doanh, đến nay đã có 107 công ty thuộc S&P 500 dự kiến ​​sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý cuối năm 2022, bao gồm các tên tuổi lớn như Apple, Amazon.com, Alphabet và Meta Platforms Inc.

Các nhà phân tích kỳ vọng thu nhập các công ty trong S&P 500 trong quý IV/2022 sẽ giảm 3%, cao hơn so với mức giảm 1,6% dự kiến ​​vào đầu năm, theo dữ liệu của Refinitiv.

Kết thúc phiên 30/1, chỉ số Dow Jones giảm 260,99 điểm (-0,77%), xuống 33.717,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 52,79 điểm (-1,30%), xuống 4.017,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 227,90 điểm (-1,96%), xuống 11.393,81 điểm.

Chứng khoán châu Âu trượt dốc, khi dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến ​​từ Tây Ban Nha làm tăng thêm sự lo lắng của thị trường khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho một loạt đợt tăng lãi suất từ ​​các ngân hàng trung ương vào cuối tuần.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,17% xuống 454,40 điểm.

Dự báo trên thị trường tiền tệ cho thấy Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% lên 4,5% -4,75% vào thứ Tư, trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) được dự báo tăng 0,5% lên lần lượt 2,5% và 4%, vào thứ Năm.

Lợi suất trái phiếu Eurozone tăng sau khi dữ liệu sơ bộ cho thấy giá tiêu dùng của Tây Ban Nha tăng cao hơn dự kiến ​​5,8% so với cùng kỳ trong tháng Giêng.

Edward Moya, Nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: “Điều khiến một số người ngạc nhiên là ở Tây Ban Nha, lạm phát đã có sự tăng tốc đầu tiên với tốc độ cao nhất trong 6 tháng và điều đó có thể sẽ khiến áp lực buộc ECB phải tiếp tục duy trì các đợt tăng lãi suất”.

Phiên này, chỉ số công nghệ là chỉ số giảm điểm hàng đầu trong số các lĩnh vực của STOXX 600, giảm 1,7%, trong đó cổ phiếu chip ASML và Công ty bán dẫn Bắc Âu nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất.

Trong khi đó, FTSE 100 của London hoạt động ổn định và hạn chế đà giảm của STOXX 600, nhờ gã khổng lồ hàng tiêu dùng Unilever có trụ sở tại Vương quốc Anh đã tăng 1,3% sau khi công bố giám đốc điều hành mới .

Đáng chú ý là nền kinh tế Đức bất ngờ sụt giảm trong quý IV/2022, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể đang bước vào một cuộc suy thoái được nhiều người dự báo do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, sự lạc quan xung quanh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn so với lo ngại và khả năng phục hồi kinh tế đã giúp chỉ số STOXX 600 đi đúng hướng với mức tăng trong tháng 1 gần 7%, sau khi giảm gần 13% vào năm 2022.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy thu nhập của các công ty trong STOXX 600 có thể đã tăng khoảng 10% trong quý IV/2022.

Kết thúc phiên 30/1: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 19,72 điểm (+0,25%), lên 7.784,87 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 23,95 điểm (-0,16%), xuống 15.126,08 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 15,20 điểm (-0,21%), xuống 7.082,01 điểm.

Giá dầu thô giảm nhẹ do áp lực từ các dấu hiệu cho thấy nguồn cung mạnh mẽ của Nga bất chấp lệnh cấm của EU và giới hạn giá mà khối G7 áp dụng.

Ngoài ra, cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, cuộc họp của các bộ trưởng chủ chốt của OPEC+ vào ngày mai cũng gây chú ý. Tại cuộc họp này, khả năng cao là OPEC+ sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng.

Kết thúc phiên 30/1, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,33 USD/thùng (-1,67%), xuống 79,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,81 USD/thùng (-0,93%), xuống 86,66 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục