Giới đầu tư hết hưng phấn, chứng khoán quay đầu giảm

(ĐTCK) Sau 2 phiên hưng phấn với kế hoạch cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump, giới đầu tư toàn cầu đã trở lại tâm lý thận trọng trong phiên thứ Ba, khiến các chỉ số chứng khoán toàn cầu điều chỉnh giảm.
Giới đầu tư hết hưng phấn, chứng khoán quay đầu giảm

Sau 2 ngày tăng mạnh phản ứng tích cực với chương trình cải cách thuế sắp được thông qua, phố Wall đã quay đầu điều chỉnh trong phiên thứ Ba khi việc thông qua chương trình này không quá thuận lợi như dự đoán.

Theo đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua luật về thuế, nhưng lại bao gồm các điều khoản không tuần thủ các quy định của Thượng viện. Trong khi đó, Thương viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu ngay sau đó với các điều khoản vi phạm vị loại bỏ. Nếu kịch bản trên diễn ra, Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu thêm một lần nữa vào thứ Tư.

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21% như dự luật được đánh giá sẽ có tác động tích cực tới các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nó đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong những phiên vừa qua.

Ngoài ra, trong phiên thứ Ba, chứng khoán quay đầu giảm còn do lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, làm giảm sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu.

Kết thúc phiên 19/12, chỉ số Dow Jones giảm 37,45 điểm (-0,15%), xuống 24.754,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,69 điểm (-0,32%), xuống 2.681,47 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 30,91 điểm (-0,44%), xuống 6.963,85 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh may mắm giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đều quay đầu điều chỉnh mạnh khi hiệu ứng về việc giảm thuế của Mỹ qua đi, trong khi việc lợi tức trái phiếu chính phủ Đức tăng mạnh nhất 3 tháng trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất 3 tuần làm giảm sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu.

Kết thúc phiên 19/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,08 điểm (+0,09%), lên 7.544,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 96,51 điểm (-0,72%), xuống 13.215,79 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 37,67 điểm (-0,69%), xuống 5.382,91 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm điểm do ảnh hưởng từ đà bán tháo của nhóm cổ phiếu xây dựng sau khi có thêm nhiều công ty bị kéo vào cuộc điều tra chống độc quyền của Tokyo, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại tiếp tục duy trì đà tăng do nhà đầu tư phản ứng tích cực với khả năng luật thuế mới của Mỹ được thông qua tuần này.

Kết thúc phiên 19/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 33,77 điểm (-0,25%), xuống 22.868,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 203,25 điểm (+0,70%), lên 29.253,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,62 điểm (+0,88%), lên 3.296,54 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi tăng vọt trong phiên đầu tuần mới, giá vàng đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba. Đồng USD hãm đà rơi góp phần chặn đà tăng của giá vàng trong phiên thứ Ba.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế Mỹ phát hành thứ Ba cho thấy, số lượng xây dựng nhà ở mới trong tháng 11 rất lạc quan, với mức tăng 3,3% so với tháng 10. Điều đó đã khiến sức hấp dẫn với các tài sản được xem là kênh trú ẩn như vàng kém hấp dẫn.

Kết thúc phiên 19/12, giá vàng giao ngay giảm 0,6 USD/ounce (-0,05%), xuống 1.261,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,5 USD/ounce (-0,04%), xuống 1.260,7 USD/ounce.

Giá dầu thô hồi phục trở lại do nhận sự hỗ trợ từ việc đường ống dẫn dầu biển Bắc đang bị tạm ngừng hoạt động, cùng với kỳ vọng về các kho dự trữ của Mỹ trong tuần trước sẽ giảm.

Kết thúc phiên 19/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,47 USD (+0,8%), lên 57,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,42 USD (+0,66%), xuống 63,83 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục