Giới đầu tư giao dịch thận trọng ngay trước thềm cuộc họp thường niên của Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Ba (23/8), khi đón nhận dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại và tâm lý thận trọng dâng cao ngay trước thềm cuộc họp thường niên Jackson Hole của Fed.
Giới đầu tư giao dịch thận trọng ngay trước thềm cuộc họp thường niên của Fed

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) S&P Global tháng 8 của Mỹ giảm xuống mức 45 điểm, thấp nhất kể từ tháng 2/2021, từ mức 47,7% trong tháng 7. Với các chỉ số PMI, mức điểm dưới 50 phản ánh sự suy giảm hoạt động. Ảnh hưởng lớn bởi nhu cầu suy yếu do lạm phát và điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Sự chú ý của thị trường hiện đang hướng đến phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị Jackson Hole vào cuối tuần này về kế hoạch tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, khi nhiều quan chức lo ngại nó có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Các nhà giao dịch đang chia rẽ giữa dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% và 0,75%, sau khi một số nhà hoạch định chính sách gần đây đã giảm bớt kỳ vọng vào sự ôn hòa của Fed và nhấn mạnh cam kết trong việc chống lạm phát.

Jake Dollarhide, Giám đốc điều hành của Longbow Asset Management tại Tulsa, Oklahoma, cho biết: “Những gì chúng ta thấy trong tuần qua là nhận ra rằng Fed vẫn có thể tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 9. Thị trường lo ngại rằng ông Powell sẽ quay trở lại lập trường diều hâu hơn”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất 1 tháng, phản ánh nỗi lo của thị trường về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.

Phiên này, nhóm cổ phiếu bất động sản, y tế và dịch vụ truyền thông là những lĩnh vực giảm mạnh nhất thuộc S&P 500, với mức giảm 1,46% và 1,39%. Trong khi đó, năng lượng là lĩnh vực tăng tốt nhất, tăng 3,6% do giá dầu hồi phục.

Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Dow Jones giảm 154,02 điểm (-0,47%), xuống 32.909,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,26 điểm (-0,22%), xuống 4.128,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,27 điểm (-0,00%), xuống 12.381,30 điểm.

Chứng khoán châu Âu sụt giảm, kéo dài chuỗi giảm điểm lên phiên thứ ba liên tiếp, do những lo lắng về giá năng lượng tăng vọt và triển vọng kinh tế yếu kém sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh trong khu vực giảm trong tháng này.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,47% xuống 431,13 điểm.

Một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực đồng Euro giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8 do cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu trong khi hạn chế về nguồn cung làm tổn hại đến các nhà sản xuất.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) khu vực đồng euro, chỉ báo được coi là chỉ dẫn tốt cho sức khỏe kinh tế tổng thể đã giảm xuống 49,2 điểm trong tháng 8 từ 49,9 điểm trong tháng 7, chỉ cao hơn đôi chút so với số điểm 49 từ cuộc thăm dò của Reuters.

Tại Đức, suy thoái còn trầm trọng hơn vào tháng 8, khi các công ty nhận thấy nhu cầu suy yếu do lạm phát cao, lãi suất tăng và bất ổn kinh tế.

"Lại là một ngày dữ liệu kinh tế kém đối với các thị trường châu Âu, với chỉ số PMI sản xuất mới nhất rơi vào lãnh thổ thu hẹp đối với Đức, Pháp và Anh”, Michael Hewson, trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Markets cho biết.

Tuy nhiên, Hewson lưu ý rằng ngay cả khi dữ liệu kinh tế kém, phản ứng của các thị trường có phần trái chiều hơn một chút.

Theo đó, nhóm cổ phiếu Ô tô và ngân hàng tăng 1,1% và 0,3%, trong khi năng lượng dẫn đầu mức tăng, tăng 3,5% do giá dầu thô tăng trở lại bởi lo ngại về nguồn cung thắt chặt.

Giá khí đốt chuẩn tại Liên minh châu Âu tăng 13% trong một đêm lên mức cao kỷ lục, tăng gấp đôi chỉ trong một tháng, gấp 14 lần mức trung bình của thập kỷ qua, sau khi Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 trong ba ngày vào cuối tháng.

Kết thúc phiên 23/8: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 45,68 điểm (-0,61%), xuống 7.488,11 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 36,34 điểm (-0,27%), xuống 13.194,23 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 16,72 điểm (-0,26%), xuống 6.362,02 điểm.

Giá dầu thô hồi phục mạnh, sau khi Saudi Arabia cho rằng, OPEC có thể cắt giảm sản lượng để điều chỉnh đà giảm gần đây của giá dầu kỳ hạn, nhằm hỗ trợ về giá và triển vọng giảm tồn kho dầu thô của Mỹ.

Dù vậy, 9 nguồn tin từ OPEC nói với Reuters rằng, việc cắt giảm này có thể sẽ không diễn ra sớm và nhiều khả năng sẽ trùng với thời điểm Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ nếu Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.

Kết thúc phiên 23/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 3,38 USD/thùng (+3,61%), lên 93,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,74 USD/thùng (+3,73%), lên 100,22 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục