Cuối tuần trước, số liệu thông tin việc làm mới được tạo ra ở mức thấp hơn so với kỳ vọng được công bố và thị trường chứng khoán Mỹ thích điều này. Theo đó, chỉ số Dow Jone tăng hơn 260 điểm, tương đương 1%, trong khi S&P 500 và Nasdaq đều theo đà leo dốc, đánh dấu tuần tăng điểm mạnh mẽ nhất kể từ đầu năm tới nay.
Trước đó, với việc cuộc chiến tranh thương mại diễn ra, lệnh cấm vấn Iran được áp dụng và Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến giới đầu tư "điên đầu" bằng những dòng tweets, chứng khoán Mỹ đã liên tục phải vật lộn giữa các tin xấu. Trong tháng 5, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều giảm hơn 6%, trong khi Nasdaq đi xuống hơn 10% tính tới ngày 11/6.
Đáng chú ý, nếu không có đà tăng tuần trước, S&P 500 sẽ đánh dấu 4 tuần liên tiếp trượt dốc, lần đầu tiên trong 5 năm qua. Trong khi đó, vào tháng 4/2019, chỉ số này chỉ còn cách 0,007% để đạt đến mức cao nhất mọi thời đại.
Theo Michael DePalma, Giám đốc Công ty đầu tư MacKay Shields, tin xấu có thể trở thành động lực tốt đảo ngược tình thế của thị trường chứng khoán khi giới đầu tư đang chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất để hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là khi nước Mỹ đang trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn đang ở mức thấp nhất 50 năm qua, nhưng số lượng việc làm mới được tạo ra luôn là một trong những tín hiệu quan trọng. Nếu một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế là thị trường lao động bắt đầu suy yếu, nó sẽ bật đèn xanh để Fed điều chỉnh chính sách lãi suất của mình.
“Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát dưới mức mục tiêu và giờ là kinh tế Mỹ có dấu hiệu đi xuống với số liệu việc làm đáng thất vọng. Nếu Fed đang cần tín hiệu để hạ lãi suất, cơ quan này đã có mọi điều cần thiết. Giới đầu tư biết điều này và sẵn sàng đánh cược”, Chris Rupkey, Giám đốc MUFG Union Bank cho biết.
Thực tế, Fed đang được xem là nơi bấu víu của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ, khi nhiều mối lo ngại hiện hữu. Sau khi đánh thuế 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Trump tiếp tục áp thuế 5% với mọi hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và thiết lập lộ trình để nâng lên các nấc thang mới. Cuộc chiến ngay trước thềm nhà rõ ràng không phải động lực cho thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, với Nasdaq, nơi tụ họp của các cổ phiếu công nghệ, sức mạnh leo dốc đã tồn tại trong 10 năm qua dần phai nhạt. Lĩnh vực công nghệ đang loay hoay giải quyết nhiều vấn đề khi giới chức quản lý kêu gọi tiến hành điều tra, thắt chặt quy định đối với nhóm FAANG (Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet - công ty mẹ của Google), trong khi đây là những cổ phiếu trụ cột trên sàn.
Trong bối cảnh này, Chủ tịch Fed Jerome H. Powell khiến giới đầu tư “ấm lòng” với những lời lẽ cẩn trọng nhưng tạo hy vọng. Ông cho biết, ngân hàng trung ương sẽ hành động nếu các cuộc chiến thương mại mà ông Trump khơi mào tiếp tục phát triển.
“Giới đầu tư đang lắng nghe Fed. Vì vậy, số liệu việc làm đáng thất vọng lại là tin tốt với phố Wall”, Jared Bernstein, cố vấn kinh tế của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.